Những ngày qua, clip cô giáo ném vở học sinh ở Trường Tiểu học C Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đã “gây sốt” sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội.
Ảnh: INT
Điều đáng nói, sau khi chấm xong, thay vì đặt vở ngay ngắn trên bàn để các em tới lấy, cô giáo này đã thả vở xuống đất một cách đầy phản cảm.
Hành động của cô giáo này bị coi là phản giáo dục và đi ngược lại triết lý giáo dục của Việt Nam. Để giáo dục học sinh, trước hết học sinh đó phải tôn trọng giáo viên và ngược lại, giáo viên cũng phải biết tôn trọng, yêu quý học trò của mình. Từ cử chỉ, lời nói, hành động, thái độ ứng xử của giáo viên đều ảnh hưởng đến học trò. Dẫu những sự việc như trên vẫn chỉ là cá biệt nhưng cũng đã phần nào cho thấy vai trò của người thầy ít nhiều bị xem nhẹ.
Nghề sư phạm là một nghề đặc biệt. Vì thế, ngành giáo dục luôn đề cao đạo đức nhà giáo. Mỗi giáo viên cần tự ý thức để trở thành tấm gương về đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực trong ứng xử với học sinh, với đồng nghiệp. Hành động vứt vở học sinh của cô giáo tưởng như vô tình nhưng lại trở thành phản giáo dục đối với các em học sinh.
Với học sinh tiểu học, các em vô cùng nhạy cảm, bắt chước hành vi người lớn rất nhanh. Thầy cô chính là những tấm gương rõ ràng nhất, phản chiếu cách cư xử, thái độ của con trẻ. Giáo viên cần có thái độ nghiêm cẩn với nghề để có thể làm gương cho học sinh.
Thạc sĩ Lê Minh Huân, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng có 4 nguyên tắc giao tiếp sư phạm cơ bản mà giáo viên nào cũng phải tuân thủ, đó là mẫu mực, tôn trọng, có thiện ý và đồng cảm. Hành vi của cô giáo vô tình khiến lòng tự trọng của các em học sinh bị tổn thương. Không ai trong trường học có tiềm năng ảnh hưởng đến học sinh - dù tốt hay xấu - bằng các giáo viên. Mối quan hệ giáo viên - học sinh sẽ quyết định việc học sinh ấy tiến bộ hay trở nên hư hỏng.
Có thể nói, một số sự việc đáng tiếc liên quan tới đạo đức học đường liên tục xảy ra tại một số trường học thời gian gần đây thật sự là “điểm nóng” gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đầu tháng 10 là câu chuyện giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh nạt nộ, nhéo tai, tát nhiều học sinh trong lớp. Trước đó là câu chuyện giáo viên phạt tát học trò 231 cái ở Quảng Bình... Những sự việc đau lòng ấy cho thấy, thực trạng một số giáo viên đang thiếu trầm trọng kỹ năng khi đứng lớp.
Các nhà giáo dục cho rằng triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại phải dựa vào mối quan hệ bền chặt giữa thầy và trò, lấy học sinh làm trung tâm, phấn đấu vì mục đích con người tự do. Chính hành động phản cảm này đã vô tình phá vỡ mối quan hệ thầy trò, đi ngược với triết lý giáo dục hiện đại.
Giáo dục không phải là những tòa nhà, chương trình, thiết kế, người quản lý, sách vở, máy vi tính… tất cả những “phụ kiện “ đó tồn tại chỉ để giúp bạn thực hiện công việc tốt hơn trong vai trò giáo viên và người giúp đỡ học sinh.
Thành bại của giáo dục, xét cho cùng nằm ở trong tay các giáo viên trực tiếp làm giáo dục. Khi giáo viên thay đổi và chuyển mình, giáo dục sẽ thay đổi. Giáo viên cần phải tự học hỏi để bổ sung các kỹ năng sư phạm chuẩn mực khi thực hiện các hoạt động giáo dục.
Theo báo Giáo dục và thời đại