Kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử. Bài 2: Kỹ năng nghe và nói

19/06/2017 07:06

Nghe thế nào để người nói muốn bộc bạch hết tâm tư, “dốc bầu tâm sự”; nói thế nào để người nghe muốn nghe và tiếp thu được nội dung người nói thì lại cần đến kỹ năng.





Đại biểu dân cử có rất nhiều cơ hội và cũng là trách nhiệm phải nói, trình bày trước công chúng, trước hội nghị, kỳ họp HĐND... Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh với các đại biểu và cử tri

Nghe và nói là những hành động hết sức bình thường của mỗi con người, ai cũng có thể làm được, trừ những người câm, điếc. Nhưng nghe thế nào để người nói muốn bộc bạch hết tâm tư, “dốc bầu tâm sự”; nói thế nào để người nghe muốn nghe và tiếp thu được nội dung người nói thì lại cần đến kỹ năng.


Lắng nghe để thấu hiểu

Trong thực tế, nhiều người chỉ chú trọng rèn luyện kỹ năng nói mà ít để ý đến kỹ năng nghe, nhưng nghe quan trong hơn nói, “nói là bạc, nghe là vàng”. Nghe là một nghệ thuật, là kỹ năng sống rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi người, nó không chỉ giúp chúng ta kiềm chế được cảm xúc mà còn giúp ta học hỏi thêm được nhiều điều bổ ích ở người nói.

Nếu đặt mục đích nghe chỉ để biết là chưa đủ mà phải nghe để thấu hiểu, nhất là đối với đại biểu dân cử, lắng nghe để hiểu và nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của cử tri, của nhân dân. Biết lắng nghe là thể hiện sự tôn trọng cử tri, tạo sự gắn kết, tin tưởng của cử tri với đại biểu. Trong hoạt động của đại biểu dân cử có những thời điểm nghe quan trọng như: nghe đại biểu khác, người khác nói, trình bày tại các phiên họp, phiên thảo luận, hội thảo...; nghe cử tri nói trong các cuộc tiếp xúc cử tri; nghe dân nói trong các cuộc tiếp công dân,...

Làm gì để có kỹ năng nghe tốt?

Thứ nhất, chọn tư thế nghe phù hợp với điều kiện, bối cảnh. Có thể đứng nghe trước khi vào hội nghị, lúc giải lao, gặp nhau bất thường… Ngồi nghe khi tổ chức hội nghị mà mình là người chủ trì, hoặc ngồi trong hội nghị tiếp xúc cử tri, ngồi nghe trong cuộc tiếp công dân…

Thứ hai, luôn hướng đến người nói, dù nghe ở tư thế nào nhưng đều phải đối diện với người nói, hướng về phía người nói, hoặc thường xuyên đưa mắt nhìn về phía người nói. Với ánh mắt thân thiện, cầu thị thể hiện “tôi đang muốn nghe bạn nói đây”, cùng với đó là những hành động như mỉm cười, tán thưởng, hay thỉnh thoảng gật đầu tỏ ý mình hiểu ý người nói.

Thứ ba, trao đổi qua lại lại khi cần thiết, trong lúc nghe nếu ý nào chưa hiểu có thể “ xin lỗi bạn nói lại”, hay “ý đó tôi hiểu thế này có đúng không”. Điều quan trọng trong quá trình nghe, trao đổi mình phải nắm được cơ bản ý kiến của người nói.

Thứ tư, kiên nhẫn nghe, nghe cho hết, kể cả những ý kiến gay gắt thậm chí không đúng, xúc phạm (trong tiếp xúc cử tri, tiếp công dân), không nổi nóng, không cắt ngang. Nếu thấy cần, nhắc nhở nhẹ nhàng để người nói đúng vấn đề, ngắn gọn, dành thời gian cho người khác.

Thứ năm, tóm tắt lại ý kiến người nói để chứng minh đã nghe được hết ý kiến, nhất là trong tiếp xúc cử tri, trước khi kết thúc phải tóm tắt ý kiến cử tri thành các nhóm vấn đề để có cơ sở giải trình, tiếp thu.

Nói để thuyết phục người nghe

Đại biểu dân cử có rất nhiều cơ hội và cũng là trách nhiệm phải nói, trình bày trước công chúng (trong tiếp xúc cử tri, tiếp công dân), trước hội nghị, kỳ họp HĐND, trình bày trước phóng viên báo chí... Đó là việc nói trước công chúng một nội dung, một vấn đề nào đó chứ không phải mang một bản viết sẵn ra đọc, dù chuẩn bị bài viết rất tốt và đọc một cách trôi chảy thì công chúng (người nghe) cũng không đánh giá cao. Ai nói cũng muốn người nghe chấp nhận ý kiến của mình nêu ra, vì vậy cần có kỹ năng nói để thuyết phục người khác.

Hãy làm tốt công tác chuẩn bị:

Chuẩn bị nội dung, xác định chủ đề buổi nói chuyện, vấn đề cần báo cáo hay nội dung cần thuyết trình; xây dựng đề cương, lựa chọn những ý chính cần nói; chọn lọc thông tin, dữ liệu cho những nội dung đó. Hãy mạnh dạn loại bớt những nội dung không thực sự cần thiết để giữ cho phần trình bày được gắn bó.

Trình này thử, để nhớ nội dung chính cần trình bày, đồng thời để kiểm soát thời gian để khi trình bày trước công chúng không bị “lố” thời gian và để tập phong cách nói chuyện, thể hiện ngôn ngữ cơ thể: ánh mắt, nụ cười, động tác tay, chân,…tạo cảm giác gần gũi, thân thiết với người nghe.

Các yếu tố khác, trang phục gọn gàng, thoải mái, không cầu kỳ, phù hợp với đối tượng trong buổi nói chuyện; đầu tóc gọn gàng, gương mặt sáng sủa. Không nên mang các đồ vật trong túi quần áo để tránh sự vướng víu, nhất là điện thoại.

Những điểm chú ý khi nói, thuyết trình:

Vào đề, không nên quá trang nghiêm, hãy vào đề để thu hút sự chú ý của thính giả và làm không khí đỡ căng thẳng, có thể sử dụng những câu hài hước, ẩn dụ, so sánh. Sau đó hãy trình bày với mỗi thính giả bằng cách nhìn vào mắt họ và tìm cách thuyết phục họ với tư cách cá nhân. Nếu phòng rộng và có nhiều người, nên lần lượt "ghé mắt" vào tất cả.

Nói ít, nhưng nói hay: cũng như việc pha trò, những câu nói ngắn gọn lại là những câu hay nhất. Loại bỏ những câu thừa, hãy dùng từ ngữ phổ thông, dễ hiểu.

Thay đổi giọng nói: để lôi cuốn thính giả, giọng nói cần rành rọt, thong thả, phụ nữ cần giữ cho giọng tương đối trầm, nam giới cần giữ giọng cho cao hơn một chút. Giọng nói phải thay đổi đa dạng, với những lúc nghỉ, lúc nói nhanh và những thay đổi về âm điệu. Nhưng tránh bắt trước giọng nói của một ai đó.

Hãy sử dụng ngôn ngữ cơ thể: phối hợp cử chỉ và lời nói, bạn sẽ thuyết phục được mọi người hơn, những cái khoát tay, nhún vai khi cần thiết, ánh mắt lôi cuốn người nghe. Tuy nhiên cũng đừng quá lạm dụng mà trở lên “lố”.

Duy trì sự chú ý của người nghe: khi thấy người nghe có những dấu hiệu bắt đầu mệt mỏi, không có gì tốt hơn là hãy nói nhanh để kết thúc sớm. Có thể phát triển một thí dụ, một sự khôi hài, một ẩn dụ độc đáo để làm cho mọi người cười. Nhờ cách này sự chú ý của thính giả sẽ tự trở lại.

Hãy nói chậm khi có sự cố: Quên, lúng túng trong khi nói là điều thường gặp khi trình bày. Lúc này, nên nói chậm lại để làm khớp lại vấn đề. Chẳng hạn, bạn có thể bám vào ý tưởng sau cùng mà bạn vừa phát triển trong khi tìm lại mạch trình bày.

Chú ý khi kết thúc bài nói chuyện: tóm tắt ý trong bài nói, gọn nhưng không thiếu. Kết thúc thông qua những lời khuyên mang tính tâm lý, bằng triết lý của cuộc sống đời thường, dễ gây ấn tượng hoặc đặt một vài câu hỏi, nêu một số vấn đề để người nghe tiếp tục suy nghĩ, tự tìm câu trả lời. Điều tốt nhất là một tràng cười vang lên trong phòng khi kết thúc bài nói. Điều này sẽ để lại một kỷ niệm tốt đẹp, nhưng không xóa nhòa mục đích thật sự của bài nói chuyện.

Chú ý khi tranh luận:

Hoạt động nghị trường (các kỳ họp) cần có sự tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề đi đến thống nhất, tranh luận trong nghị trường không đặt mục đích thắng- thua, mà để cùng hướng đến mục đích chung, tìm ra giải pháp tốt nhất. Để tranh luận đạt hiệu quả, không dẫn tới việc “mâu thuẫn”, “mất lòng”, cần chú ý:

Kiểm soát cảm xúc, có thái độ đúng mực. Khi xuất hiện những ý kiến trái ngược nhau, cần có thái độ bình tĩnh, lắng nghe cho hết ý kiến, không đánh giá đúng, sai ý mà tự mình đưa ra lập luận, bằng chứng thuyết phục theo cách của mình. Sử dụng ngôn từ, ngữ điệu, giọng nói nhẹ nhàng, sâu lắng, không cần đao to, búa lớn nhưng vẫn hiệu quả.

Không công kích cá nhân. Đây là yêu cầu tuyệt đối tránh. Đại biểu dân cử là bình đẳng với nhau, không kể người đó là cấp bậc, chức vụ gì, nên khi tranh luận, không được ỷ vào chức vụ của mình mà công kích thậm chí xúc phạm đại biểu khác.

Kỹ năng nghe và nói tưởng như đơn giản, nhưng dân gian có câu “ nói là bạc, nghe là vàng” và “ lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hy vọng đại biểu dân cử sẽ đạt hiệu quả trong hoạt động khi có kỹ năng nghe, nói tốt.

LƯƠNG ANH TẾ

(0) Bình luận
Kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử. Bài 2: Kỹ năng nghe và nói