Kỷ luật học đường: Làm sao để không "nước mắt"?

23/04/2023 06:34

Những hình thức xử lý học sinh mang tính trừng phạt sẽ không đạt được hiệu quả, ngược lại còn khiến trẻ không nhận thức được hành vi sai trái của mình, ngày càng xa rời thầy cô, bố mẹ.



Là phụ huynh có con trai đã từng hút thuốc lá điện tử ở trường nên chị Nguyễn Hải Hà ở quận Đống Đa, Hà Nội thấu hiểu những lo lắng của các bậc phụ huynh và nhà trường. Theo chị, việc nhà trường có hình thức xử phạt học sinh vi phạm nội quy là điều cần thiết, thế nhưng, việc xử lý tình huống như thầy giám thị ở 1 trường dân lập tại TP Hồ Chí Minh với 8 học sinh là điều không thể chấp nhận được. Đây là việc làm xâm phạm thân thể của học sinh khiến lòng tự trọng của các em bị ảnh hưởng. Có nhiều cách để kiểm tra học sinh có mang thuốc lá điện tử hay không, không nhất thiết phải bắt các em cởi bỏ quần áo, chị Hà bức xúc.

Dù sự việc cũng đã qua đi, giáo viên này cũng đã nhận thấy sai lầm của mình nên viết thư xin lỗi nhà trường, gia đình học sinh và chủ động xin nghỉ việc thế nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi "vì sao ngày càng có nhiều giáo viên chọn cách xử phạt học sinh theo cách "khác lạ" và khó hiểu như vậy? làm thế nào để kỷ luật học đường mang tính tích cực?

Theo Ths Vũ Thu Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam - VPIT, những hình thức xử phạt như vậy không có tính giáo dục, không hiệu quả mà ngược lại còn khiến các em bị tổn thương và ngày càng trở nên ác cảm với giáo dục, thậm chí là với chính giáo viên đang dạy mình.

Với nền giáo dục như hiện nay, ở đâu đó có thể vẫn có những giáo viên vẫn chưa hiểu thế nào là "giáo dục tích cực"; "kỷ luật tích cực". Thường thì giáo viên hiện nay chỉ chú trọng tới mục tiêu trang bị kiến thức, gò ép các em vào những khuôn khổ, nền nếp của trường của lớp. Khi các em mắc lỗi, giáo viên sẽ đưa ra những hình thức xử phạt như: bắt học sinh chép phạt 10 - 15 trang. Đây là hình phạt tưởng là đơn gian nhưng lại trở nên quá sức với học sinh vì hiện nay ngoài giờ lên lớp, khi về nhà học sinh lại phải quay cuồng với vô số các loại bài tập nên thường không có thời gian nghỉ ngơi. Điều đó cho thấy phần lớn giáo viên hiện nay chưa hiểu hết về tâm lý lứa tuổi của các em, chưa có cách ứng xử để giúp các em thay đổi hành vi.

Trước kia, khi học sinh mắc lỗi, giáo viên thường tìm cách nói chuyện riêng để học sinh nhận thấy cái sai của mình. Việc nói chuyện, trao đổi, chia sẻ dựa trên khía cạnh đạo đức, con người sẽ khiến các em bị thuyết phục và dần thay đổi hành vi tiêu cực của mình.

Học sinh là lứa tuổi mà cảm xúc của các em thường bất ổn, hay bị ảnh hưởng bới các bạn xấu nhưng lại muốn thể hiện bản thân. Vì vậy, giáo viên cần xác định rõ nguyên tắc học sinh được và không được làm những gì. Nếu học sinh vi phạm, giáo viên phải tìm cách chuyện trò, giúp các em nhận thức được những hậu quả sẽ xảy ra. Trong trường hợp học sinh vẫn chưa thay đổi thì thầy cô phải kiên nhẫn, thuyết phục. Bên cạnh đó, giáo viên cũng có thể áp dụng một số hình thức xử phạt như: bắt làm thêm bài tập hoặc dọn dẹp trường, lớp, nếu cần giáo viên cũng có thể yêu cầu phụ huynh cùng hợp tác. Những thông điệp cứng rắn nhưng mang tính giáo dục sẽ phát huy hiệu quả hơn việc chúng ta giải quyết theo cách khắc nghiệt và thô bạo.

Cũng theo Ths Vũ Thu Hà, mỗi giáo viên khi bước chân vào nghề nhà giáo ngoài việc dạy các em về kiến thức, giúp các con đạt được mục tiêu về học tập, thì điều quan trọng là phải hiểu và phải có sự cảm thông với con trẻ. Chẳng hạn như nhìn thấy học sinh của mình lúng túng trong mối quan hệ, bị bắt nạt học đường hoặc các con không có khả năng học một môn nào đó thì cần nói chuyện với các con, phải thông cảm, thấu hiểu con, tìm cách giúp học sinh thoát khỏi những bế tắc. “Điều quan trọng nhất đó là giáo viên phải hiểu học sinh, đứa trẻ nào cũng có sự khác biệt, cũng có mặt tốt, mặt chưa tốt. Thầy cô phải là người khơi dậy và khuyến khích trẻ phát triển những mặt tốt. Khi trẻ nhận thấy mình có giá trị trong cuộc sống sẽ trở nên bớt tiêu cực hơn”- Ths Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần giúp học sinh trưởng thành và phát triển bản thân để vượt qua những thách thức trong cuộc sống nhất là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như ngày nay. Lứa tuổi học sinh vẫn còn non nớt, mong manh nên rất cần sự đồng hành của thầy cô. Nếu như giáo viên có lòng trắc ẩn thì cõ lẽ nhiều vụ việc đau lòng sẽ không xảy ra.

Hành vi của trẻ nhiều khi không đúng với quy định của nhà trường, khi đó giáo viên cần nhắc nhở và tìm hướng giải quyết một cách thuyết phục và có tính nhân văn. Những hình thức kỷ luật tiêu cực hay hạ nhục học sinh sẽ không có hiệu quả thực sự và bền vững.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ luật học đường: Làm sao để không "nước mắt"?