Bước qua Bab-al-Yaman, cánh cổng khổng lồ vào thành cổ Sana'a có tường bao quanh của Yemen, ta có cảm giác như bước vào một thế giới khác.
Nơi đây những anh thợ khóa vẫn sửa những chiếc chìa khóa to tướng để mở những cánh cửa gỗ; một người bán lê gai trên xe đẩy, và một thợ làm bánh kéo những mẻ bánh mì nóng hổi ra khỏi chiếc hố nóng rực trên mặt đất. Trong một căn phòng nhỏ, một con lạc đà lê bước theo vòng tròn kéo chiếc cối xay nghiền hạt vừng.
Nhưng bất chấp những hình ảnh kích thích thị giác này, kiến trúc mới là là thứ bao trùm bối cảnh.
Sana'a là thành phố của những tòa nhà không giống ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Trên mặt đường, nơi những bức tường bằng gạch bùn bít kín, chỉ mở ra ở những cánh cửa gỗ lớn, người ta không thấy có nhiều thứ để xem. Nhưng khi ngước nhìn lên, ta choáng ngợp thấy những tòa nhà mảnh mai này vươn cao khỏe khoắn trên nền trời.
Mỗi tòa nhà “chọc trời” đó thường chỉ có 1 hoặc 2 phòng mỗi tầng. Ở các tầng thấp, vốn nằm ngang mặt đường, không có cửa sổ, do chúng được dùng làm nơi nhốt gia súc hoặc không gian làm việc. Nhưng ở các tầng trên cao, những cửa sổ lộng lẫy được lắp kính màu hay rèm mashrabiya tinh tế để gìn giữ sự riêng tư cho những người phụ nữ bên trong.
Nhiều ngôi nhà còn có sân thượng, giúp tăng gấp đôi không gian giải trí cũng như tạo thành một phòng ngủ ngoài trời vào những buổi tối ấm áp. Sự tráng lệ của các tòa nhà, đi kèm với tính thực tế đơn giản của chúng, tạo nên một cảnh quan kiến trúc đầy cảm hứng.
Từ con ngõ nhỏ thì không thể nào thấy hết chiều cao thực sự của các tòa nhà này, nhưng từ phía chợ, ta có thể thấy những tòa nhà cao tới 7 tầng. Từ tầng thượng của một tòa nhà nhìn ra, xung quanh đều là những khối nhà cao ngẳng như vậy, gợi lên cảm giác kỳ lạ của một đô thị chen chúc các nhà chọc trời.
Khung cảnh gần giống như bạn đang ở Dubai hoặc New York, chỉ có điều những tòa nhà này đã có tuổi đời khoảng 300-500 năm và được xây từ bùn đất không nung. Một số tòa nhà “chọc trời” của Yemen có thể cao tới 30 mét, trong khi những cao ốc hiện đại đầu tiên ở Chicago (Mỹ) cũng chỉ cao hơn mức đó một chút.
Rải rác khắp Yemen là những tòa nhà cao tương tự, từ những ngôi làng nhỏ cho tới thị trấn lớn, chẳng hạn như thị trấn Shibam nổi tiếng, được mệnh danh là “Manhattan của sa mạc”. Phong cách kiến trúc nhà chọc trời ở Yemen độc đáo đến nỗi các thành phố Zabid, Shibam và Thành cổ Sana'a đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Người Yemen đã có truyền thống xây nhà cao tầng từ thế kỷ 8 và 9. Nhưng gần như không thể xác định chính xác niên đại của chúng, vì những tòa nhà bằng gạch từ bùn hoặc đất sét này cần phải liên tục chắp vá, phục hồi để chúng chống chịu được với thời tiết khắc nghiệt. Theo Giáo sư nhân chủng học tại trường Nghiên cứu Châu Phi và phương Đông ở London, Trevor Marchand, các tài liệu thời Trung cổ cho rằng Cung điện Ghumdam ở Sana'a đã được xây từ thế kỷ 3 trước Công nguyên, cao đến 20 tầng, được trang trí công phu.
Du khách đến Yemen sẽ tự hỏi, tại sao người dân lại xây dựng những tòa nhà cao tầng này, khi mà họ có những sa mạc trải rộng khắp đất nước.
Salma Samar Damluji, kiến trúc sư và là tác giả cuốn "Kiến trúc và Sự Tái thiết Yemen" giải thích: "Các thị trấn và thành phố có bức tường bao bên ngoài, gọi là Sur, và một ranh giới xa hơn ngăn với sa mạc. Bức tường và sa mạc bao quanh là rào cản không chỉ với bất kỳ sự phát triển đô thị nào. Không gian bên trong nó quý giá đến nỗi không thể xây dựng bừa bãi, vì vây xây dựng lên cao, tạo thành các cụm nhà san sát là lựa chọn ưa thích".
Ngoài ra, cũng do nhu cầu phòng vệ mà các khu định cư của Yemen nằm sát lại với nhau thay vì trải dài trên khắp đất nước. Sống trên sa mạc khắc nghiệt, an ninh và khả năng nhìn ra khắp xung quanh để canh chừng kẻ thù tiến đến gần, cùng với khả năng khóa cổng thành vào buổi tối, là những vấn đề cần phải được xem xét khi quy hoạch bất kỳ thị trấn nào.
Điều độc đáo là do xây dựng bằng vật liệu tự nhiên, các nhà cao tầng ở Yemen có độ bền vững tuyệt vời và hoàn toàn thích hợp với khí hậu sa mạc Ả-rập khô nóng. Sân thượng làm thành phòng ngủ ngoài trời mở rộng không gian gấp đôi, trong khi tấm màn cửa sổ gọi mời ngay cả làn gió nhẹ nhất luồn vào nhà, cho phép đón nhận ánh sáng nhưng không hấp thụ quá nhiều nhiệt.
"Đất không nung là dạng vật liệu đặc biệt," Ronald Rael, giáo sư kiến trúc tại trường Đại học UC Berkeley (Mỹ), cho biết. Theo ông, nhà từ gạch bùn vừa hấp thụ vừa giải phóng nhiệt từ từ. “Vào ban ngày, khi ánh nắng chiếu rát lên tường, sức nóng từ mặt trời từ từ thấm vào tường. Khi màn đêm buông xuống, sức nóng đó từ từ được giải phóng, giúp nhà bùn đất giữ nhiệt độ dễ chịu".
Hiệu ứng tự nhiên đơn giản này đã giúp cho nhà đất sét đến ngày nay vẫn còn phổ biến và cũng giải thích tại sao kiến trúc bùn của Yemen có độ bền như vậy.
Điều kinh ngạc là người Yemen xây dựng những ngôi nhà cao ngất ngưởng như vậy mà không dùng giàn giáo. Thay vào đó, các thợ xây bậc thầy sẽ bắt đầu với việc làm nền móng bằng đá, thường sâu khoảng 2 mét, trên đó gạch bùn được xếp so le, có nghĩa là xếp chồng hai viên gạch lên một viên.Sau đó, họ từ từ xây lên, đặt dầm đỡ sàn bằng gỗ cho chắc, lát sàn bằng gỗ và thân cọ khi xây lên cao. Giàn giáo thường chỉ được sử dụng sau đó, khi nhà đã hoàn thành và cần trát lại hay tu sửa.
Tuy nhiên, những kỹ năng xây dựng này đang trên bờ tuyệt chủng. "Chúng ta đang xem xét các cấu trúc có thể tồn tại tới 300 năm và hơn nữa. Những tòa nhà 6, 7 tầng được xây từ gạch bùn phơi khô theo cách mà không kiến trúc sư hiện đại nào có thể làm được”, chuyên gia Salma Samar Damluji cho biết.
Theo báo Tin tức