Kỳ II: Những chiến sĩ quân y ở Trường Sa Đông

22/01/2013 08:28

Trường Sa Đông là đảo nổi đầu tiên mà đoàn đến thăm trong hành trình mang quà Tết tới các chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa.





Bác sĩ Nguyễn Duy Ngọc, Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Đông khám bệnh cho một nhân viên
trong đoàn công tác lên thăm đảo


Đảo rộng khoảng 3 ha. Trên đảo có nhiều cây bàng vuông, phong ba, dừa...

Giành giật sự sống

Lên đảo, chúng tôi được nghe kể về những ca mổ có một không hai đã được kíp chiến sĩ quân y ở đây thực hiện để giành giật sự sống cho chiến sĩ và ngư dân trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn.

Kíp chiến sĩ quân y trên đảo  gồm 1 bác sĩ, 1 y sĩ và 2 điều dưỡng thuộc Bệnh viện 7A (Quân khu 7), ra nhận nhiệm vụ từ tháng 4-2012. Sự có mặt của những người lính quân y đã giúp các chiến sĩ trên đảo yên tâm công tác. Ngoài chữa bệnh cho chiến sĩ trên đảo, kíp quân y còn tổ chức phẫu thuật cho các chiến sĩ đang đóng quân tại các điểm đảo Nam Trường Sa và ngư dân. Kỷ lục trong vòng nửa tháng (từ ngày 15-7 đến ngày 5-8-2012), họ đã tổ chức phẫu thuật cấp cứu 4 ca viêm ruột thừa và 1 ca gẫy xương cánh tay tại đảo.

Bệnh xá trưởng, đại úy, bác sĩ Nguyễn Duy Ngọc, là người TP Hồ Chí Minh. Bác sĩ Ngọc nhớ lại: "Hôm đó là ngày 25-7, anh em ở đảo Đá Tây điện  cho biết vừa tiếp nhận một ngư dân bị viêm ruột thừa cấp. 10 giờ, tàu cá của ngư dân chuyển bệnh nhân đến đảo. Lúc đó sóng dữ dội, xuồng chở bệnh nhân không thể vào được cửa luồng. Đơn vị công binh xây dựng trên đảo phải dùng máy cẩu, cẩu cả xuồng và người lên bờ. Sau khi khám, bệnh nhân được chẩn đoán viêm ruột giờ thứ 24, có thể vỡ bất cứ lúc nào. Sau khi điện báo xin ý kiến chỉ đạo của đất liền, anh em đã tiến hành mổ. Đây là ca hiếm gặp, ruột thừa to, dài lại bị viêm dính. Sau 10 ngày nằm điều trị, bệnh nhân đã khỏe mạnh xuất viện".

Sau đó 5 ngày, khi bão đổ bộ vào Biển Đông, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn của bộ đội biên phòng thông báo có một ngư dân làm việc trên tàu câu cá ngừ đại dương bị cần cẩu đổ gẫy cánh tay, đang chuyển đến đảo. Đầu giờ chiều, tàu cá đến rìa đảo song do biển động cấp 7 nên không thể di chuyển bệnh nhân vào bờ. Bộ phận chiến sĩ đón trên đảo phải dầm mưa trực chờ. Đến 11 giờ đêm, nạn nhân mới được 4 ngư dân chèo mủng đưa vào. Lúc đó bệnh nhân đã rơi vào tình trạng suy kiệt do sốc mất máu, cánh tay bị vết thương hở lớn và gẫy. Ngay lập tức, anh em tổ chức truyền dịch, nâng huyết áp, cầm máu và tiến hành phẫu thuật cố định lại xương gãy. Sáng hôm sau, thấy bệnh nhân đã qua tình trạng nguy kịch, anh em đã cho đưa bệnh nhân vào bờ vì trên đảo không có đủ phương tiện xử lý tiếp. "Trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời sẽ tử vong do mất máu", bác sĩ Ngọc cho biết.

Ngoài tiến hành phẫu thuật các ca phức tạp, kíp quân y trên đảo còn thường xuyên băng bó, xử lý các vết thương của chiến sĩ khi đi biển. Kể từ tháng 4-2012 đến nay, kíp đã tiến hành khám và điều trị cấp cứu cho 398 lượt bệnh nhân (298 lượt cán bộ, chiến sĩ và 89 lượt ngư dân), phẫu thuật 63 ca (8 ca trung phẫu, 55 ca tiểu phẫu).

Bác sĩ Ngọc cho biết, tất cả các ca phẫu thuật đều diễn ra trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Trên đảo hiện mới chỉ có một bàn mổ di động, một đèn mổ, bộ dụng cụ phẫu thuật. Nếu bệnh xá trên đảo được trang bị thêm các thiết bị như: máy siêu âm, máy đo theo dõi huyết áp và tim mạch, máy gây mê, máy thở thì chất lượng các ca phẫu thuật sẽ được nâng lên.

Kiêm cả bác sĩ thú y

Không chỉ làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân ngoài biển đảo, những chiến sĩ quân y của đảo Trường Sa Đông còn kiêm luôn nhiệm vụ bác sĩ thú y. Trường Sa Đông là điểm đảo có phong trào tăng gia sản xuất mạnh nhất trong các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Có thời kỳ, đảo nuôi gần 1.000 gà, vịt, 100 con lợn, chó. Hiện trên đảo có 300 con gà, vịt, 10 con lợn, 30 con chó. Với số lượng vật nuôi nhiều, lại ở nơi thời tiết khắc nghiệt, chuyện vật nuôi ốm thường xảy ra. Mỗi khi động vật bệnh ốm, các chiến sĩ quân y lại phải là người ra tay chữa bệnh. Bác sĩ Ngọc kể: "Cách đây nửa năm, có một con chó mẹ có chửa. Thế nhưng sắp đến kỳ sinh nở con chó đó bị trúng gió biển nằm liệt, không ăn uống được. Không đành lòng nhìn chó mẹ cùng bầy con sắp chào đời chết, các chiến sĩ quân y đã tiêm kháng sinh, vi- ta- min cho chó mẹ. Sau mấy ngày chó mẹ dần khỏe, đi lại được. Thời gian sau, chó mẹ sinh một đàn 7 chó con bụ bẫm".

Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Giao kể cho chúng tôi nghe một kỷ niệm cứu sống một chú chó bị ngộ độc: “chó trên đảo thường mò ra biển bắt tôm, cá ăn. Sáng hôm đó, anh em thức dậy, thấy một con chó bò từ biển về, mình mẩy ướt mèm và có hiện tượng tê liệt, nôn mửa. Sau khi khám, anh em quân y xác định con chó này bị ngộ độc do ăn phải cá nóc. Ngay lập tức anh em dùng rượu cấp cứu (loại rượu dùng cấp cứu cho thủy thủ đi biển bị lạnh, co rút) cho uống. Chừng 20 phút sau, con chó có dấu hiệu khỏe lại, các dấu hiệu tê liệt, nôn mửa cũng hết. Lúc đó anh em quân y chuyển xuống cho bộ phận tăng gia chăm sóc".

Giữa muôn trùng biển khơi, sự có mặt của những chiến sĩ quân y trên đảo Trường Sa Đông đã góp phần chăm lo sức khỏe của các chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa và ngư dân.

NGỌC HÙNG




(0) Bình luận
Kỳ II: Những chiến sĩ quân y ở Trường Sa Đông