Chiều 24.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chia làm 2 đợt
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17,5 ngày, trong đó đợt 1 (họp trực tuyến) có 8,5 ngày, bắt đầu ngày 20.5 (khai mạc kỳ họp) và kết thúc vào sáng 30.5. Đợt 2 (họp tập trung) gồm 9 ngày, bắt đầu ngày 10.6 và kết thúc ngày 19.6 (bế mạc kỳ họp).
Đợt 1 sẽ gồm các nội dung: khai mạc kỳ họp; đại diện Chính phủ báo cáo nhanh một số vấn đề về tình hình kinh tế-xã hội, nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8; thảo luận các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua; giám sát chuyên đề.
Tại đợt 2, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo và quyết định một số vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; xem xét, quyết định chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thảo luận các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, xem xét, quyết định nhân sự khác; biểu quyết thông qua luật đã được thảo luận ở đợt 1, nghị quyết và bế mạc kỳ họp.
Về cách thức tiến hành kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết không có cuộc họp trù bị trực tuyến. Thay vào đó, dự kiến chương trình sẽ sớm được gửi đến đại biểu Quốc hội trước khai mạc và được biểu quyết thông qua phần mềm cài đặt trên thiết bị di động.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản gửi đến Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổ trưởng Tổ Đảng, đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm một số vấn đề liên quan đến kỳ họp.
Quốc hội tiếp tục ứng dụng tối đa tiện ích của công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận, khai thác, sử dụng tài liệu (trừ nội dung mật) cũng như xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, biểu quyết…, nhất là các phần mềm được cài đặt trên thiết bị di động.
Tăng cường chất vấn bằng văn bản
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị tổ chức việc tiếp xúc cử tri, tùy tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương, như sau: Các địa phương thuộc 2 nhóm (có nguy cơ và nguy cơ thấp) có thể tổ chức tiếp xúc cử tri như thông lệ nhưng phải bảo đảm yêu cầu của công tác phòng chống dịch, nhất là giảm số lượng người và bảo đảm khoảng cách tiếp xúc.
Tại các địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao, các đoàn đại biểu Quốc hội thông báo đến cử tri về dự kiến chương trình kỳ họp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, thông báo các kênh thông tin để cử tri phản ảnh ý kiến, kiến nghị (gồm địa chỉ, số điện thoại, email, cổng thông tin điện tử (nếu có), danh sách các báo, đài...); phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh tổ chức việc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri; gửi báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng theo quy định của pháp luật, các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp.
Có 2 hình thức tiếp xúc, theo đó, các đoàn tổ chức tiếp xúc cử tri thông qua tổ chức hội nghị như hiện nay; hoặc cá nhân đại biểu Quốc hội tiếp xúc với các cử tri và nhóm cử tri nhỏ. Tại vùng sâu, xa nơi ít có internet, việc tiếp nhận ý kiến qua email sẽ gặp khó khăn. Do đó, bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị vẫn duy trì bộ phận thường trực để tiếp nhận kiến nghị của cử tri như việc tiếp dân của đoàn đại biểu Quốc hội với mục đích tiếp nhận đầy đủ nhất ý kiến của cử tri.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định thực chất việc tiếp xúc cử tri có hai nội dung quan trọng là thông báo nội dung kỳ họp và lấy ý kiến của cử tri. Vì thế, việc này nên giao cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với MTTQ Việt Nam, tìm các kênh để lấy ý kiến cử tri.
Liên quan đến việc tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ không tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng đại biểu Quốc hội có thể gửi chất vấn cho các bộ trưởng, trưởng ngành để họ trả lời bằng văn bản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ hiện tại Chính phủ và các thành viên Chính phủ đang dành thời gian, công sức cho công tác điều hành xử lý dịch bệnh, tập trung các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nên có thể phiên chất vấn và trả lời chất vấn lùi lại tại kỳ họp sau. Đại biểu Quốc hội có thể gửi văn bản chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp đặc biệt, nhưng đây là cơ hội để Quốc hội thử nghiệm đổi mới hoạt động của mình. Đây cũng là kỳ họp thể hiện sự đoàn kết dân tộc, sự hiệu triệu cả đất nước sau chống dịch, tập trung phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.
Theo TTXVN