Quốc hội lần này chỉ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước chứ không kiện toàn tất cả. Sau khi bầu cử xong, đến tháng 7.2021, Quốc hội sẽ tiếp tục kiện toàn nhân sự cho khóa XV.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 23.3, tại nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Xem xét, thông qua dự án Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi)
Kỳ họp thứ 11 sẽ khai mạc vào ngày 24.3 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 12 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 8.4.2021).
Thông báo về dự kiến chương trình và nội dung của kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết Kỳ họp thứ 11 diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nên bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.
Quốc hội sẽ dành thời gian khoảng 0,5 ngày để xem xét, thông qua dự án Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi). Dự án luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10.
Quốc hội dành khoảng 4,5 ngày để thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.
Đồng thời, Quốc hội nghe Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3.2021.
Quốc hội sẽ xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026).
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 7 ngày để xem xét, kiện toàn một số vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước.
Kiện toàn 25 chức danh lãnh đạo
Tại cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, đại diện một số cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trả lời một số vấn đề mà phóng viên báo chí quan tâm.
Về câu hỏi kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội thông qua chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước và Chính phủ; vậy tới đầu nhiệm kỳ khóa XV có bầu lại hay không, có tốn thời gian và thủ tục không, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một số đồng chí không tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương.
Do đó, Quốc hội sẽ phải kiện toàn các chức danh của những người này, bảo đảm kịp thời thống nhất trong chỉ đạo, điều hành công việc nhà nước.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
"Khóa XIII Quốc hội cũng đã kiện toàn một số chức danh sau Đại hội Đảng. Về luật pháp thì không vướng gì. Quốc hội có nhiệm kỳ 5 năm và kiện toàn đợt này là thẩm quyền của Quốc hội khóa XIV,” ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Quốc hội lần này chỉ kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước chứ không kiện toàn tất cả. Sau khi bầu cử xong, đến tháng 7.2021, Quốc hội sẽ tiếp tục kiện toàn nhân sự cho khóa XV và việc tuyên thệ diễn ra bình thường theo quy định.
"Theo quy định của Hiến pháp, có một số chức danh phải tuyên thệ sau khi được bầu, thì lần này là tuyên thệ thuộc khóa XIV. Đến đầu nhiệm kỳ sau có thể bầu lại người đó, có thể bầu người khác, nhưng người nào được bầu vào chức danh đó thì vẫn phải tuyên thệ," ông Nguyễn Hạnh Phúc phân tích.
Ngoài ra, việc kiện toàn sớm nhằm bảo đảm các vị trí nhanh chóng triển khai thực hiện nhiệm vụ, phát huy vai trò, triển khai Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, quy trình nhân sự ở Quốc hội chặt chẽ, trước hết phải miễn nhiệm chức danh của người không tiếp tục đảm nhiệm, sau đó mới bầu người được giới thiệu vào vị trí đó. Tổng số có 25 chức danh được kiện toàn tại kỳ họp này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị đánh giá nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, đây là nhiệm kỳ có nhiều đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, nhất là trong lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Điểm nhấn quan trọng về quy trình xây dựng luật, pháp lệnh là không ban hành Chương trình cả nhiệm kỳ, mà tập trung xây dựng Chương trình hằng năm; tạo điều kiện để xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung ngay những luật cần thiết theo yêu cầu cuộc sống.
Các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách được tăng cường, nhiều hội nghị được tổ chức trong quá trình giữa hai kỳ họp, thậm chí ngay khi kỳ họp Quốc hội đang diễn ra để cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Bên cạnh đó, việc xin ý kiến đại biểu bằng hệ thống điện tử, vừa tiết kiệm thời gian, vừa nâng cao trách nhiệm của đại biểu trong việc thể hiện chính kiến, có kết quả kịp thời cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo luật.
Đặc biệt, công tác giám sát được chú trọng, bao quát hầu hết các lĩnh vực, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Quốc hội thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn bằng hình thức “hỏi nhanh, đáp gọn,” hỏi một phút, trả lời ba phút. Như vậy, nhiều câu hỏi được đặt ra hơn và người trả lời chất vấn cũng trả lời nhiều vấn đề hơn.
Quốc hội đã 2 lần tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Quốc hội trong việc đi “đến cùng” vấn đề được giám sát, bảo đảm việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát hiệu quả hơn. Đặc biệt là việc chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận, rất sôi nổi, thẳng thắn.
Đối với việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, lần đầu tiên Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hướng tới việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Theo TTXVN