Kỳ công chọn đất đánh pháo

26/03/2018 19:19

Nhiều người cứ nghĩ muốn chơi pháo đất chỉ cần lấy đất về nhào nặn thành khuôn rồi gieo sao cho pháo văng ra không bị “ịp” (pháo xịt) hoặc đứt dây là được...


Không nhiều nơi như làng Đa Nghi (xã Nghĩa An, Ninh Giang) có đất hội tụ đủ các tiêu chí để chơi pháo

Kén đất

Pháo đất là trò chơi truyền thống đã và đang được nhiều nơi ở Hải Dương quan tâm khôi phục, bảo tồn. Những năm gần đây, cứ vào dịp Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, tỉnh ta lại tổ chức liên hoan pháo đất, thu hút nhiều đội tham dự.

Để chơi được pháo đất, người tham gia phải có kỹ thuật nhào nặn và gieo pháo... Nhưng kỹ thuật lại không phải yếu tố quyết định đến sự thành bại mà phụ thuộc chủ yếu vào việc có chọn được đất đạt chuẩn hay không.

Chơi pháo từ khi học lớp 6, ông Lê Văn Hiệu (55 tuổi, ở thôn Phúc Lâm, xã Minh Đức, Tứ Kỳ) cho biết pháo rất kén đất, không phải cứ mang mai, kéo ra lấy ít đất ngoài ruộng, bờ ao về là chơi được. Đất dùng để nặn pháo phải là đất củ được lấy từ khu triều trũng, dẻo, dai, mịn, không bị pha cát và lẫn tạp chất. Rất khó để tìm được loại đất hội tụ đủ tiêu chí như vậy. 

Ngày trước ông Hiệu và những người trong làng đã cất công đi khắp nơi trong huyện tìm đất đánh pháo nhưng không được như ý muốn. Đất lấy từ các khu triều trũng trong huyện thường bị khô và lẫn nhiều tạp chất. Để khắc phục hạn chế này, ông Hiệu cùng mọi người dùng liềm cắt nhỏ từng thớ đất để nhặt bỏ sạn, tạp chất, lại giã gạo nếp nấu thành hồ đổ vào đất rồi dùng vồ nện 3 - 4 tiếng cho dẻo. Mỗi lần tổ chức chơi pháo đất, mọi người thường mất 1 - 2 ngày chuẩn bị. Ngày trước do chưa có sân bê tông, người dân phải trải tro bếp trên nền đất để làm chỗ nặn và gieo pháo. Chính điều này càng làm cho đất vốn đã kém càng nhanh chóng bị khô, không chơi được lâu. “Ngày ấy chỉ có khoảng 50 - 60% số pháo khi gieo là giữ được dây, còn lại bị đứt hết vì đất khô, không đạt yêu cầu”, ông Hiệu nói.

Một số pháo thủ ở các xã Quang Khải, Đại Hợp (Tứ Kỳ), Tân Hương, Quyết Thắng, Ứng Hòe (Ninh Giang)… cũng thừa nhận việc chọn đất chơi pháo không hề dễ dàng. Họ đã sử dụng nhiều loại đất khác nhau tại địa phương để chơi pháo nhưng đều không được như ý muốn. 

“Mỏ” đất pháo Đa Nghi

Trong quá trình giao lưu, thi đấu, các đội khác nhận thấy pháo đất xã Nghĩa An (Ninh Giang) nổ rền vang, bền dây, hiếm khi bị đứt. Vậy là nhiều người đổ về đây tìm hiểu và phát hiện ra rằng ở làng Đa Nghi có “mỏ” đất hội tụ đủ tiêu chí mịn, mềm, dẻo như kẹo kéo, đưa gậy vào nhấc lên cũng không đứt. Theo ông Vũ Văn Trượng, Trưởng thôn Đa Nghi, những năm qua, nhiều đội pháo ở khắp nơi về đây để mua đất tại khu vực chuyển đổi của thôn.

Đất dùng để chơi pháo ở làng Đa Nghi ban đầu lấy lên có màu gan trâu, khi chơi lâu sẽ chuyển sang màu đỏ. Để làm ra một quả pháo nặng 50 - 70 kg, các đội pháo mua từ 70 - 90 kg đất về cắt bỏ những phần đất nhão hoặc dính tạp chất. Hiện nay, đất dùng để chơi pháo đang được người dân làng Đa Nghi bán với giá 300.000 đồng/90 kg và 200.000 đồng/70 kg. Anh Vũ Văn Nghiên (50 tuổi), một pháo thủ ở thôn Đa Nghi chia sẻ kinh nghiệm: “Trước khi thi đấu, chỉ cần dùng liềm, dao thái đất thành từng lát mỏng, tiếp tục dùng vồ đập nhuyễn, mịn rồi nặn pháo mà không phải cho thêm hồ hay bất kỳ chất gì vào”.

Giờ đây, các đội pháo đất trong tỉnh không còn phải mất công sức đi tìm đất như trước kia, nhưng họ đều có ý thức tiết kiệm, không gây lãng phí tài nguyên. Sau mỗi lần giao lưu, thi đấu, các đội đã nghĩ ra cách “ủ" đất để giữ tới sang năm chơi tiếp. Ông Lê Văn Hiệu cho biết mỗi lần chơi xong, các thành viên trong đội lại vo đất thành hình chữ nhật, quấn nilon xung quanh, tiếp tục cho vào bao tải, buộc kín rồi vứt xuống góc ao tù. Cách khác nữa là chọn những vị trí có độ ẩm cao, sát bờ ao, đào một hố sâu khoảng 1 m rồi cho bao tải đất xuống lấp kín, phủ bèo tây lên trên giữ độ ẩm. Với những cách này, các đội pháo luôn có đất để sẵn sàng tổ chức giao lưu, thi đấu.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ công chọn đất đánh pháo