Kỳ 6: Hoàng Sa trong chính sử triều Nguyễn

10/07/2014 04:39

Hoạt động xác lập và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa được ghi nhận trong các bộ sử do Quốc sử quán triều Nguyễn và Nội các triều Nguyễn biên soạn.



>>Kỳ 2: Hoàng Sa trong thư tịch cổ thời chúa Nguyễn và thời Tây Sơn
>> Kỳ 3: Hoàng Sa trong châu bản triều Nguyễn
>>Kỳ 4: Hoàng Sa trong châu bản triều Nguyễn



(Phần 2)


Hoàng Sa trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ 

Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ là bộ điển chế viết về bộ máy nhà nước, quan chế, điển lệ và tổ chức hoạt động của triều đình nhà Nguyễn trên mọi phương diện, do Nội các triều Nguyễn biên soạn từ năm 1843 đến năm 1917 thì hoàn tất, gồm 2 phần Chính biên và Tục biên. Quyển 221 phần Chính biên có đoạn viết việc vua Minh Mạng sai người ra Hoàng Sa đo vẽ bản đồ: “Năm [Minh Mạng] thứ 17 (1836), [vua] chuẩn y lời tâu rằng: xứ Hoàng Sa ngoài biển rất là hiểm yếu. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834) đã phái biền binh thủy quân và giám thành đến nơi xem xét, vì có gió, lụt, nên chưa thăm dò được nơi đích xác. Năm qua lại phái ra và đã dựng miếu, dựng bia. Còn việc họa đồ chỉ được một chỗ chưa được rõ ràng. Có lẽ hằng năm cần phải đi thám dò khắp vùng biển. Nay cần tư cho [2 tỉnh] Quảng Ngãi, Bình Định chiếu lệ năm trước, thuê mướn thuyền của dân và sai người dẫn đường đều từ tỉnh Quảng Ngãi, cùng sai phái biền binh, thủy quân và giám thành đi chiếc thuyền sơn đen thẳng đến Hoàng Sa. Không cứ đảo nào, cửa biển nào thuyền chạy đến sẽ đếm nơi ấy chiều dài, chiều ngang, bề cao, bề rộng, chu vi bao nhiêu và bốn bề nước biển nông hay sâu? Có cát ngầm, đá mỏm hay không, hình thế hiểm trở hay bình thường, xem đo tỏ tường vẽ thành bản đồ. Lại chiếu khi khởi hành, do cửa biển nào ra biển, trong phương hướng nào mà lái đến nơi ấy, cứ theo đường thủy đã đi khấu tính ước được bao nhiêu dặm đường. Lại ở chốn ấy trông vào bờ biển đối diện là tỉnh hạt nào, là phương hướng nào, ước lượng cách bờ bao nhiêu dặm đường, ghi chép minh bạch trong họa đồ để vẽ trình lên. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm” (quyển 221, tờ 26).

Hoàng Sa trong Đại Nam nhất thống chí 

Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn vào năm Duy Tân thứ 3 (1910), ghi chép về địa lý tự nhiên, di tích danh thắng, phong tục tập quán, nhân vật, thổ sản... của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Trong phần viết về diên cách tỉnh Quảng Ngãi có miêu tả đảo Hoàng Sa như sau: “Ở phía đông có đảo cát nằm ngang [là] Hoàng Sa đảo, liền với biển xanh như vùng nước kín, phía tây là vùng núi như là trường lũy chắc chắn; phía nam giáp tỉnh Bình Định, có mỏm núi Bến Đá chắn ngang, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam, có ghềnh Sa Thổ làm giới hạn” (quyển 6, tờ 5). Sách này cho biết thêm: “Từ cửa biển Sa Kỳ ra khơi, thuận gió, [đi] 3, 4 ngày đêm có thể đến [Hoàng Sa]. Trên đảo nhiều núi la liệt, tất cả hơn 130 ngọn, cách nhau hoặc 1 ngày đường hoặc vài trống canh. Giữa đảo có bãi cát vàng, bề dài kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là bãi Vạn Lý Trường Sa. Trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập nhiều, không biết bao nhiêu mà kể. Sản sinh nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, giải, ba ba, hàng hóa đồ vật của các thuyền bị phong nạn cũng tích tụ ở đó. Lúc mới lập quốc [chúa Nguyễn] đặt ra đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, mỗi năm cứ tháng 3 ra khơi lấy hải vật, tháng 8 trở về, qua cửa Tư Hiền dâng nạp. Lại đặt đội Bắc Hải, sai đội Hoàng Sa kiêm quản, đi ra các đảo Côn Lôn ở Bắc Hải tìm lấy hải vật. Phía đông đảo gần phủ Quỳnh Châu, Hải Nam, nước Thanh. Đầu đời Gia Long phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa, sau lại bỏ; đầu đời Minh Mạng thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển, thấy một nơi có cồn cát trắng chu vi 1.070 trượng, cây cối xanh tốt, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam cồn có nhiều miếu cổ, không rõ dựng từ thời nào, có bia khắc 4 chữ "Vạn lý ba bình". Cồn cát này xưa gọi là Phật Tự sơn. Phía đông và phía tây đảo đều có đá san hô, nổi lên một cồn chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than thạch. Năm [Minh Mạng] thứ 16 (1835), sai quan thuyền chở gạch, đá đến dựng chùa, ở phía tả chùa dựng bia đá làm dấu. Thời đó các binh lính, dân phu tham gia công việc, đào được lá đồng, gang sắt hơn 2.000 cân” (quyển 6, tờ 18-19).

Hoàng Sa trong Quốc triều chính biên toát yếu


Quốc triều chính biên toát yếu là bộ lược sử được biên soạn vào năm Duy Tân thứ 2 (1908), trích các phần quan yếu của bộ Đại Nam thực lục chính biên. Trong bộ lược sử này có 3 đoạn ghi chép liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và các hoạt động của triều Nguyễn tại quần đảo này:



Đoạn viết về việc vua Minh Mạng vào năm 1835 ra lệnh cho triều đình sai người ra Hoàng Sa khảo sát, vẽ bản đồ và đo đạc thủy trình trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Quyển 221, tờ 26, bản ký hiệu 19679, lưu trữ tại Thư viện Trường Đại học Tenri ở Nara, Nhật Bản


- Quyển 3, tờ 97-98 chép việc vua Minh Mạng cho lập miếu và dựng bia trên đảo Hoàng Sa vào năm 1835: “Dựng miếu thờ thần Hoàng Sa ở ngoài biển tỉnh Quảng Ngãi, nơi có cồn cát trắng cây cối xum xuê tươi tốt. Ở trong cồn cát có một cái giếng. Phía tây nam nơi cồn cát trắng có một ngôi miếu cổ, tên cũ là Phật Tự sơn, bia đá khắc 4 chữ Vạn lý ba bình. Các bờ đông, tây và nam đều có san hô. Có đồi đá nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với đồi cát, gọi là Bàn Than thạch. [Vua Minh Mạng] ra lệnh xây miếu và dựng bia ở nơi này. Trước miếu có xây bình phong".


- Quyển 3, tờ 104 chép: “[Vua] sai thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đến Quảng Ngãi, thẳng tới Hoàng Sa, không nệ cù lao nào, cồn cát nào, phàm chiều dài, chiều ngang, chiều rộng, chiều cao, chu vi và bốn phía gần đó có cát ngầm đá mọc hay không; hình thế nguy hiểm, dị thường thế nào, từ cửa biển ra đó đường thủy ước bao nhiêu dặm; bờ biển thuộc địa phương nào nhất nhất ghi chép rõ ràng. Lại chuẩn bị mang theo cọc gỗ đến nơi dựng lên làm dấu, vẽ bản đồ đem về dâng lên".

- Quyển 3, tờ 110 chép sự kiện vào tháng Chạp năm Minh Mạng thứ 17 (1836): “Tàu buôn nước Anh Cát Lợi đi qua bãi Hoàng Sa, bị cạn ghé vào bờ biển Bình Định hơn 90 người. [Vua Minh Mạng] sai tìm nơi cho ở và hậu cấp tiền gạo. Thuyền trưởng, đầu mục tỏ ra rất cảm kích, sắc cho phái viên đi Tây, Nguyễn Tri Phương đem mấy người ấy xuống bến ở Hạ Châu đưa về nước”.

Như vậy, có thể thấy rằng các sử liệu chính thống của triều Nguyễn đều có miêu tả về Hoàng Sa, đặt vùng biển, đảo này vào cương vực nước ta, đồng thời phản ánh các hoạt động xác lập, thực thi chủ quyền đối với quần đảo này, cũng như trách nhiệm cứu nạn đối với thuyền bè nước ngoài bị mắc nạn trong vùng biển này, phù hợp với nguyên tắc cứu hộ hàng hải quốc tế mà một nhà nước phải thực thi trong vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia mình.

TS. TRẦN ĐỨC ANH SƠN

(0) Bình luận
Kỳ 6: Hoàng Sa trong chính sử triều Nguyễn