Kỳ 5: Tổ chức quản lý hành chính thời Pháp thuộc

18/06/2014 05:40

Ngày 14-10-1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam quyền quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


>>  Kỳ 4: Xác lập và thực thi chủ quyền






Nghi lễ chào cờ của đơn vị lính bảo an người Việt được cử ra trấn đóng tại đảo Hoàng Sa. Ảnh chụp năm 1938


Ngày 6-6-1884, triều Nguyễn ký với Pháp Hiệp ước Giáp Thân (còn gọi là Hiệp ước Patenôtre), theo đó, Pháp sẽ đại diện quyền lợi của Đại Nam (quốc hiệu của Việt Nam lúc đó) trong quan hệ đối ngoại và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Đại Nam. Pháp sẽ đại diện cho Đại Nam tiếp tục thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đối với quần đảo Hoàng Sa, vào năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ra lệnh xây dựng tại đảo Hoàng Sa (Île Pattle) một ngọn hải đăng để hướng dẫn cho tàu thuyền đi qua vùng biển Hoàng Sa. Việc nghiên cứu do các cơ quan của chính quyền thuộc địa tiến hành. Nhưng do thiếu ngân sách nên việc này đã không được được thực hiện.

Từ năm 1920 trở đi, Pháp thực hiện việc kiểm soát trên biển và kiểm soát hải quan đối với quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1925, tàu De Lanessan chở một đoàn gồm các nhà khoa học người Pháp do A. Krempf, Giám đốc Hải học viện Nha Trang dẫn đầu đi ra quần đảo Hoàng Sa khảo sát về hải dương học, địa chất, sinh vật biển ở vùng biển đảo này.

Năm 1929, phái đoàn Perrier - De Rouville sau khi ra khảo sát quần đảo Hoàng Sa đã đề nghị dựng bốn ngọn hải đăng trên bốn hòn đảo nằm ở bốn góc của quần đảo Hoàng Sa là các đảo Tri Tôn, Đá Bắc, Linh Côn và bãi ngầm Bông Bay.

Trong các năm 1930 - 1932, chính quyền Pháp ở Đông Dương liên tục cử các tàu nghiên cứu khoa học, tàu dân sự và quân sự ra đảo Hoàng Sa như: tàu La Malicieuse (1930), tàu Inconstant (tháng 3-1931), tàu De Lanessan (tháng 6-1931), chiến hạm Alerte (tháng 5-1932)...

Ngày 15-6-1932, Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier ban hành Nghị định số 156-SC thiết lập Đại lý hành chính Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Hàng năm, đại diện của chính quyền Pháp ở Trung Kỳ đều phối hợp với đại diện của triều đình Huế đi kinh lý Hoàng Sa. Cùng với việc thiết lập Đại lý hành chính Hoàng Sa, người Pháp cũng đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng và hoạt động quản lý ở trên quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 2-1937, tuần dương hạm Lamotte Piquet của Pháp do Phó Đô đốc Istava chỉ huy đã ra thăm quần đảo Hoàng Sa. Cũng trong năm này, Khâm sứ Trung Kỳ đã cử kỹ sư công chính J. Gauthier ra quần đảo Hoàng Sa để nghiên cứu địa điểm xây dựng hải đăng và bãi đáp của thủy phi cơ.

Mặc dù việc quản lý quần đảo Hoàng Sa vào thời điểm này do Khâm sứ Trung Kỳ trực tiếp thực hiện, nhưng triều đình Đại Nam cũng phối hợp chặt chẽ với người Pháp trong vấn đề này. Ngày 30-3-1938, vua Bảo Đại đã ký Dụ số 10, tách quần đảo Hoàng Sa khỏi tỉnh Nam-Ngãi, để sáp nhập vào tỉnh Thừa-thiên. Nam triều còn cử một toán lính người Việt ra trấn đóng các đảo ở Hoàng Sa, phối hợp với lực lượng người Pháp để quản lý quần đảo này.

Năm 1938, chính quyền Pháp ở Đông Dương cho xây dựng trên đảo Hoàng Sa một hải đăng, một trạm khí tượng, một trạm vô tuyến TSF và đặt một trạm khí tượng khác trên đảo Phú Lâm. Đặc biệt, người Pháp đã cho dựng trên đảo Hoàng Sa một tấm bia chủ quyền khắc dòng chữ Pháp: République Française - Empire d’Annam - Archipels des Paracels 1816 - Île de Pattle 1938 (Cộng hòa Pháp - Đế chế An Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938).

Hải đăng do người Pháp dựng trên đảo Hoàng Sa. Ảnh chụp năm 1937

Ngày 5-5-1939, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký Nghị định số 3282, sửa đổi Nghị định 156-SC ngày 15-6-1932, thành lập hai đại lý hành chính mới ở quần đảo Hoàng Sa, thay thế cho Đại lý hành chính Hoàng Sa thành lập từ năm 1932. Hai đại lý hành chính mới là Đại lý hành chính Nguyệt Thiềm và các đảo phụ cận và Đại lý hành chính An Vĩnh và các đảo phụ cận, thuộc sự quản lý của tỉnh Thừa Thiên. Những phái viên hành chính đứng đầu hai đại lý này, với tư cách đại diện của Khâm sứ Trung Kỳ, đóng trụ sở tại đảo Hoàng Sa và đảo Phú Lâm. Hằng năm, mỗi phái viên được hưởng phụ cấp đại diện và kinh lý là 400 đồng tiền Đông Dương, lấy từ ngân sách địa phương xứ Trung Kỳ.

Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II, một số đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã bị người Nhật chiếm đóng nhưng chính quyền Pháp vẫn duy trì lực lượng đồn trú ở đảo chính Hoàng Sa và các đảo phụ cận, tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều lần ra tuyên bố phản kháng Nhật Bản cưỡng chiếm các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau sự kiện “Nhật đảo chính Pháp” ở Đông Dương vào ngày 9-3-1945, lính Pháp đồn trú trên đảo Hoàng Sa bị hải quân Nhật bắt làm tù binh và người Nhật bắt đầu trấn giữ đảo này cùng với các đảo: Phú Lâm, Linh Côn và Hữu Nhật mà họ đã chiếm đóng từ năm 1938. 

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, Nhật Bản bại trận rút khỏi Đông Dương nhưng quân Nhật đồn trú ở trên đảo Hoàng Sa mãi đến năm 1946 mới rút hết. Thay thế quân Nhật là một phân đội bộ binh Pháp đổ bộ từ tàu Savorgnan de Brazza lên đảo Hoàng Sa từ tháng 5-1946, nhưng đơn vị này chỉ ở đó vài tháng rồi rút đi do cuộc chiến tranh Đông Dương.

Sau khi quân Pháp rút đi, Chính phủ Trung Hoa Dân quốc cho quân đổ bộ lên đảo Hoàng Sa vào tháng 11-1946 và đến tháng 1-1947 thì chiếm thêm đảo Phú Lâm. Chính phủ Pháp chính thức phản đối hành động này của Trung Hoa Dân quốc và nhanh chóng điều động một đơn vị lính Pháp đến đồn trú ở đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 8-3-1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập Quốc gia Việt Nam, đặt trong khối Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại. Tuy nhiên, các quyền quan trọng về quân sự, tài chính và ngoại giao ở Việt Nam đều do Cao ủy Pháp tại Đông Dương nắm giữ. Quân đội Pháp tại Đông Dương thay mặt Chính phủ Quốc gia Việt Nam triển khai các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và trên các vùng biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, trong đó có quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 4-1949, Đổng lý văn phòng của Quốc trưởng Bảo Đại là hoàng thân Bửu Lộc tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại một cuộc họp báo quốc tế diễn ra ở Sài Gòn. Lúc này Pháp vẫn duy trì lực lượng đồn trú ở đảo Hoàng Sa, trong khi binh lính Trung Hoa Dân quốc đã rút khỏi đảo Phú Lâm từ tháng 4-1950.

Ngày 14-10-1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam quyền quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thủ hiến Trung phần Phan Văn Giáo đã chủ tọa việc chuyển giao quyền hành ở quần đảo Hoàng Sa. Người Pháp chính thức chấm dứt việc quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Quốc gia Việt Nam.

TS. TRẦN ĐỨC ANH SƠN

(0) Bình luận
Kỳ 5: Tổ chức quản lý hành chính thời Pháp thuộc