Kỳ 4: Hoàng Sa trong châu bản triều Nguyễn

07/07/2014 09:25

Châu bản ngày 2 tháng 4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19 (1838): Đây là bản tấu của bộ Công, trình tấu việc cử người ra khảo sát và vẽ bản đồ toàn bộ xứ Hoàng Sa...


>>Kỳ 2: Hoàng Sa trong thư tịch cổ thời chúa Nguyễn và thời Tây Sơn
>> Kỳ 3: Hoàng Sa trong châu bản triều Nguyễn

(Phần 2)


Châu bản ngày 2 tháng 4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19 (1838): Đây là bản tấu của bộ Công, trình tấu việc cử người ra khảo sát và vẽ bản đồ toàn bộ xứ Hoàng Sa, đi vào hạ tuần tháng 3 đến hạ tuần tháng 6 sẽ trở về. Bộ Công đã truyền dụ đến hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, điều động nhân sự và thuyền bè đầy đủ, chờ ngày lên đường. Tuy nhiên do có gió đông thổi liên tục trong nhiều ngày, không tiện cho việc ra khơi nên đã sang tháng 4 mà vẫn chưa khởi hành đi Hoàng Sa được. Vì thế bộ Công trình tấu sự việc lên vua.

Châu bản ngày 6 tháng 4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19 (1838): Đây là bản tấu của bộ Công, trình tấu việc bộ này đã nhận được tờ tư của tỉnh Quảng Ngãi thông báo thuyền đi Hoàng Sa đã nhổ neo ra khơi tại cửa tấn Sa Kỳ (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Quan thuyền tấn Sa Kỳ đã hộ tống đoàn thuyền đi Hoàng Sa qua cửa tấn.

Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19 (1838): Đây là bản tấu của bộ Công, trình tấu việc tiếp nhận các viên chức đi công cán Hoàng Sa trở về. Những người này báo tin đã khảo sát được 25 hòn đảo ở 3 trong 4 vùng thuộc xứ Hoàng Sa. Việc khảo sát vùng thứ 4 không thực hiện được do nơi này ở khá xa về phía nam, lại gặp lúc gió nam thổi mạnh, nên chưa thể đến được, xin đợi đến năm sau sẽ cử thuyền đến đó khảo sát. Đoàn khảo sát trở về đã dâng lên bộ Công 4 tờ bản đồ, gồm 1 bản vẽ tổng quát toàn vùng và 3 bản vẽ riêng từng vùng, cùng quyển nhật ký chuyến đi công cán. Bộ Công cũng trình tấu việc những người đi Hoàng Sa lần này đã thu được 1 khẩu đại bác bọc đồng, nhiều san hô đỏ, các loại chim và rùa biển. Tất cả đã được mang về kinh đô Huế để dâng nộp.

Châu bản ngày 19 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 19 (1838): Đây là bản tấu của quan Bố chính tỉnh Quảng Ngãi, trình tấu việc xin miễn trừ các hạng thuế thuê thuyền đi làm việc công ở Hoàng Sa. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đã vâng mệnh vua, thuê 2 thuyền của tỉnh này và 2 thuyền của tỉnh Bình Định, điều động dân phu và dân thuyền đi công cán ở Hoàng Sa từ tháng 3 đến tháng 6. Nay thuyền và người đều đã trở về, nên tỉnh Quảng Ngãi xin vua miễn trừ thuế thuyền hằng năm cho 2 thuyền thuê quá lệ đã được điều động. Tờ tấu ghi tên tuổi và quê quán của 2 chủ thuyền thuê quá lệ, cùng số tiền thuế 2 chủ thuyền này phải nộp để xin miễn thuế cho họ. Bản tấu gửi ngày 19 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 19, đến ngày 4 tháng 8 thì Nội các vâng mệnh truyền chỉ của vua Minh Mạng: “Y lời tâu. Hãy tuân mệnh” viết trực tiếp vào bản tấu và đóng dấu Ngự tiền chi bửu bằng mực đỏ.

Châu bản ngày 26 tháng Giêng năm Thiệu Trị thứ 7 (1847): Đây là bản tấu của bộ Công, trình tấu việc vào tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) triều đình có ban sắc chỉ cho bộ Công hoãn cử binh thuyền ra khảo sát Hoàng Sa trong năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Nay bộ Công trình tấu nhà vua xin chỉ thị về việc có phái người ra Hoàng Sa trong năm nay (1847) hay không? Vua phê: “Dừng”.

Châu bản ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847): Đây là bản tấu của bộ Công, xin chỉ dụ của vua về việc phái binh thuyền đi Hoàng Sa vào năm sau. Theo bộ Công, “xứ Hoàng Sa là bờ cõi trên biển của nước ta, hằng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thuộc lộ trình đường biển”, tuy nhiên do vào tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), nhà vua đã có chỉ dụ tạm hoãn việc phái binh thuyền ra khảo sát Hoàng Sa. Nay bộ Công gửi tấu trình nói việc khảo sát Hoàng Sa cần phải có thời gian chuẩn bị chu đáo, nhưng vì việc công quá bận rộn nên xin tạm hoãn chuyện sai người đi khảo sát Hoàng Sa vào đầu năm như thông lệ, xin vua chỉ thị để thực hiện. Vua phê: “Dừng”.


Châu bản ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) có châu phê của vua “đình” (dừng) bằng mực đỏ


Châu bản ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (3-2-1939): Đây là tờ phiến viết bằng chữ quốc ngữ do Ngự tiền văn phòng đệ trình vua Bảo Đại, đính kèm bản sao văn thư của Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil viết bằng chữ Pháp, gửi cho Tổng lý Ngự tiền văn phòng của Nam triều, có chữ ký sao lục của Thương tá Ngự tiền văn phòng Trần Đình Tùng. Nội dung 2 văn bản này có liên quan với nhau, đề cập sự việc ngày 2-2-1939, Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil gửi thư cho Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh đề nghị cơ quan này tâu xin vua Bảo Đại truy tặng huy chương Long tinh của triều Nguyễn cho ông Louis Fontan. Ông Louis Fontan là người Pháp, Chánh Cai đội hạng nhất của đội lính khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa, vừa qua đời tại Huế ngày 2-2-1939 do nhiễm phải bệnh sốt nguy hiểm trong thời gian công tác ở Hoàng Sa. Nhận được thư của Khâm sứ Trung Kỳ, Tổng lý Phạm Quỳnh giao cho Thương tá Trần Đình Tùng sao y nguyên văn. Ngày 3-2-1939, Ngự tiền văn phòng trình tờ phiến có chữ ký của Tổng lý Phạm Quỳnh kèm theo bản sao văn thư của Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil lên vua Bảo Đại, đề nghị vua truy tặng huy chương “Tứ hạng Long tinh” cho ông Louis Fontan vì đã có công phòng thủ đảo Hoàng Sa. Vua Bảo Đại ngự phê: “Chuẩn y” và ký tắt 2 chữ “BD” (Bảo Đại) bằng bút chì màu đỏ ở lề trái tờ phiến, chấp thuận đề nghị của Tổng lý Phạm Quỳnh.



Châu bản ngày 15 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (3-2-1939) có châu phê của vua Bảo Đại đồng ý
truy tặng huy chương “Tứ hạng Long tinh” cho ông Louis Fontan vì đã có công phòng thủ đảo Hoàng Sa

Châu bản ngày 27 tháng 12 năm Bảo Đại thứ 13 (15-2-1939): Đây là tờ phiến viết bằng chữ quốc ngữ do Ngự tiền văn phòng đệ trình vua Bảo Đại. Nội dung phản ánh việc Khâm sứ Trung Kỳ gửi thư cho Ngự tiền văn phòng vào ngày 10-2-1939 đề nghị cơ quan này tâu xin vua Bảo Đại ban thưởng huy chương “Ngũ hạng Long tinh” cho ngạch lính khố xanh ở Trung Kỳ do họ đã có nhiều công lao trong việc dẹp loạn ở cao nguyên và lập đồn phòng thủ ở Hoàng Sa. Nhận được thư này, Tổng lý Ngự tiền văn phòng soạn tờ phiến đệ trình vua Bảo Đại xem xét. Vua Bảo Đại ngự phê “Chuẩn y” và ký tắt 2 chữ “BD” bằng bút chì màu đỏ ở lề trái tờ phiến, đồng ý khen thưởng cho ngạch lính khố xanh này.

Nội dung của 2 châu bản thời Bảo Đại chứng tỏ vào ngay cả khi đã phụ thuộc vào sự bảo hộ của Pháp, thì triều đình nhà Nguyễn vẫn quan tâm việc thực thi chủ quyền và phòng thủ ở Hoàng Sa. Triều Nguyễn đã đánh giá cao công lao của những người đã có công bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa và trọng thưởng họ, bất kể người Việt hay người Pháp. Điều này khẳng định rằng ngay cả khi đất nước đang lâm vào thế yếu, nhưng triều Nguyễn vẫn tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển đảo nằm trong hải giới của Việt Nam.

TS. TRẦN ĐỨC ANH SƠN

(0) Bình luận
Kỳ 4: Hoàng Sa trong châu bản triều Nguyễn