Kỳ 2: Lần ra manh mối

01/08/2014 14:51

Chúng tôi sẽ giết Bin Laden. Chúng tôi sẽ đè bẹp Al Qaeda vì đó là vấn đề ưu tiên an ninh quốc gia lớn nhất của chúng tôi...



Osama Bin Laden

Một tháng trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008 diễn ra, ông Barack Obama, lúc đó là thượng nghị sĩ bang Illinois, đã tranh luận nảy lửa với thượng nghị sĩ John McCain tại trường Đại học Belmont, Nashville về chiến dịch săn lùng Bin Laden.

Một người đã hỏi nghị sĩ Obama rằng liệu ông có sẵn sàng truy đuổi thủ lĩnh của Al Qaeda bên trong Pakistan, ngay cả khi đó là hành động xâm lược một quốc gia đồng minh. Ông Obama trả lời: “Nếu chúng ta đã phát hiện ra Osama Bin Laden và chính phủ Pakistan không thể, hoặc không muốn hành động, tôi nghĩ rằng chúng ta phải hành động và chúng tôi sẽ bắt hắn. Chúng tôi sẽ giết Bin Laden. Chúng tôi sẽ đè bẹp Al Qaeda vì đó là vấn đề ưu tiên an ninh quốc gia lớn nhất của chúng tôi”.

Trong khi đó, McCain, người thường xuyên chỉ trích Obama ngây thơ về các vấn đề chính sách đối ngoại, đã cho rằng đó là một lời hứa ngu ngốc và quả quyết: "Tôi sẽ không làm như vậy".

Bốn tháng sau khi ông Obama trở thành tổng thống Mỹ, Leon Panetta - Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - đã gặp Tổng thống Obama báo cáo về các chương trình và sáng kiến mới nhất để truy lùng Bin Laden của cơ quan này. Tuy nhiên, ông Obama không mấy ấn tượng với những kế hoạch này. Tháng 6/2009, ông Obama đưa ra một bản ghi nhớ tạo tiền đề để ông Panetta lập ra một "kế hoạch hành động chi tiết" cho việc truy lùng thủ lĩnh Al Qaeda.

Khu nhà ở Abbottabad được CIA theo dõi bằng vệ tinh

Đáng chú ý nhất, Tổng thống Obama đã chỉ đạo tăng cường phát triển chương trình máy bay không người lái bí mật của CIA và cũng đã cho thực hiện nhiều cuộc tấn công vào bên trong lãnh thổ của Pakistan. Tuy nhiên, dù thực hiện nhiều cuộc không kích và mạng lưới gián điệp của Mỹ “lan rộng như châu chấu”, dấu vết của Bin Laden vẫn bặt vô âm tín.


Tháng 8-2010, ông Panetta đã có những thông tin rõ ràng hơn về Bin Laden. Các chuyên gia phân tích của CIA cho rằng họ đã xác định được người đưa tin của Bin Laden là một người đàn ông khoảng 30 tuổi tên là Abu Ahmed al - Kuwaiti. Kuwaiti thường lái một chiếc SUV màu trắng, gắn phù hiệu có hình một con tê giác.

CIA bắt đầu theo dõi chiếc xe này. Một ngày nọ, vệ tinh đã chụp được hình ảnh của chiếc SUV đậu trước một khu nhà ở Abbottabad. Các điệp viên của CIA xác định rằng Kuwaiti đang sống ở đó và họ đã sử dụng các thiết bị giám sát trên không để tiếp tục theo dõi. Khu vực này có một tòa nhà chính 3 tầng, một nhà khách, và một vài khu nhà phụ xung quanh.

CIA quan sát thấy rằng cư dân của khu nhà thường đốt rác, thay vì gom lại cho nhân viên vệ sinh dọn. Họ cũng biết rằng khu nhà này không có điện thoại và mạng Internet. Một điều lạ mà CIA phát hiện ra là trong khi Kuwaiti cùng với anh trai mình thường xuyên đến và đi, nhưng một người đàn ông ở trên tầng 3 không bao giờ ra khỏi nhà. Khi liên lạc với bên ngoài, người bí ẩn này thường nấp đằng sau bức tường của khu nhà. Một số chuyên gia phân tích của CIA cho rằng đó là Bin Laden.

Tổng thống Obama mặc dù tỏ ra vui mừng nhưng vẫn chưa chuẩn bị cho một hành động quân sự vào lúc đó. Các cố vấn của Tổng thống Obama bắt đầu cùng CIA xác định xem Bin Laden có thực sự ở đó hay không. CIA ráo riết tăng cường thu thập tin tình báo. Họ đã thực hiện một đợt tiêm chủng nhân đạo ở Abbottabad để làm cái cớ lấy mẫu ADN từ con Bin Laden.

Vào cuối năm 2010, ông Obama đã ra lệnh cho ông Panetta đề xuất các lựa chọn về một cuộc tấn công quân sự vào khu vực nghi là Bin Laden trú ẩn trên. Ông Panetta đã liên lạc với Phó Đô đốc Bill McRaven, chỉ huy lực lượng SEAL thuộc JSOC (Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt liên hợp). Theo truyền thống, Lục quân Mỹ luôn được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động đặc biệt, nhưng trong những năm gần đây, SEAL đảm nhiệm vai trò này.

Tháng 1/2011, McRaven yêu cầu một sỹ quan của JSOC tên là Brian, người từng là phó chỉ huy của một đơn vị DEVGRU, lập kế hoạch tấn công. Tháng sau, Brian chuyển sang một văn phòng bí mật trên tầng cao nhất tại trụ sở của CIA ở Langley, Virginia. Các bức tường trong phòng của Brian được phủ kín bản đồ địa hình và hình ảnh vệ tinh của khu Abbottabad. Ông và 6 sĩ quan khác của JSOC đã chính thức được sáp nhập vào Trung tâm chống khủng bố của CIA phụ trách hướng Pakistan/Afghanistan, nhưng trong thực tế họ hoạt động độc lập và bắt tay vào lập kế hoạch.

Ngày 14/3/2011, ông Obama triệu các cố vấn an ninh quốc gia của mình tới Nhà Trắng và xem xét một bản danh sách các phương án tấn công có thể nhằm vào Abbottabad. Họ chốt lại một trong hai phương án là đột kích hoặc không kích.

Trong danh sách có cả lựa chọn theo hướng hợp tác với quân đội Pakistan. Nhưng Tổng thống Obama đã quyết định không thông báo hoặc làm việc với phía Pakistan. Tiết lộ vì lý do Mỹ “giấu biệt” Pakistan, một cố vấn của ông Obama nói: "Trong thực tế, người ta tin rằng Pakistan khó có thể giữ bí mật này trong vòng một giây".

Một phương án nữa là sử dụng trực thăng bay đến một nơi bên ngoài Abbottabad và cho phép các đội lẻn vào thành phố bằng đường bộ. Tuy nhiên, theo lựa chọn này, nguy cơ bị phát hiện là cao và lực lượng SEAL sẽ mệt mỏi vì quãng đường dài cơ động. Họ cũng dự tính đến việc Bin Laden có thể dùng đường hầm để tẩu thoát. Nhưng những hình ảnh do Cơ quan không gian địa lý - tình báo quốc gia cho thấy có nhiều nước ở xung quanh khu vực này, nghĩa là mục tiêu tấn công nằm trong một lưu vực ngập lụt. Mực nước ngầm có lẽ chỉ ngay bên dưới mặt đất, nên việc xuất hiện một đường hầm là rất khó xảy ra.

Vậy Mỹ đã chọn phương án nào để tiêu diệt Bin Laden ?


CÔNG THUẬN
(TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ 2: Lần ra manh mối