Kỳ 2: Hoàng Sa trong thư tịch cổ thời chúa Nguyễn và thời Tây Sơn

05/07/2014 13:53

Trong các đình làng, nhà thờ tộc họ ở khu vực miền Trung Việt Nam còn lưu lại một số tư liệu quý hiếm, ghi nhận nhiều vấn đề liên quan đến quần đảo Hoàng Sa...





Văn bản giải quyết vụ kiện ở phường Mỹ Lợi (nay là làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Vang,
tỉnh Thừa Thiên Huế) liên quan đến đội Hoàng Sa


Những ghi chép liên quan đến Hoàng Sa trong chính sử thời chúa Nguyễn và thời Tây Sơn không được ghi nhận nhiều. Nguyên nhân là do binh lửa các cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn, Nguyễn - Tây Sơn, Tây Sơn - Trịnh đã làm thiệt hại nhiều thứ, trong đó có các nguồn sử liệu thành văn. May mắn là trong các đình làng, nhà thờ tộc họ ở khu vực miền Trung Việt Nam vẫn còn lưu lại một số tư liệu quý hiếm, ghi nhận nhiều vấn đề liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và hoạt động khai thác các nguồn lợi ở Hoàng Sa của các đội: Hoàng Sa, Thanh Châu, Quế Hương, Đại Mạo Hải Ba... do Nhà nước quản lý, cũng như các hoạt động tự phát của ngư dân Đàng Trong. Sau hàng trăm năm được bảo lưu, gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, những tư liệu quý này đã được đại diện các thôn làng, dòng họ... trao tặng cho Nhà nước để góp thêm bằng chứng lịch sử cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Đáng chú ý là những thư tịch sau:


Văn bản giải quyết vụ kiện ở làng Mỹ Lợi

Văn bản chữ Hán đề năm Cảnh Hưng thứ 20 (1759) được lưu giữ tại đình làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) hàng trăm năm nay. Nội dung văn bản là phán quyết của chính quyền địa phương, giải quyết vụ tranh chấp chiếc ghe của đội Hoàng Sa giữa phường Mỹ Toàn (nay là làng Mỹ Lợi) và phường An Bằng (nay là làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), do quan sở tại phê phó. Toàn văn như sau (Việt dịch): “Tuần quan cửa Biện Hải (cửa Tư Hiền) là Thuận Đức hầu. Phê cho phường Mỹ Toàn về phường An Bằng: nguyên năm Quý Hợi (1743), phường An Bằng thuộc phường Mỹ Toàn đón chiếc thuyền đội Hoàng Sa của lái Tín ở chỗ giáp ranh, kéo về đến bờ sông. Qua vụ thuế tiết liệu năm Mậu Dần (1758), khoản của thuyền thủ Trương, phường An Bằng lại bắt phường Mỹ Toàn cùng chịu, mỗi bên đem nộp tại chính điện. Đến nay, phường Mỹ Toàn thúc phường An Bằng cùng phường Mỹ Toàn đem nộp vỏ tàu, nhưng phường An Bằng cố ý không đem nộp vỏ tàu ấy. Phường Mỹ Toàn bèn trình đơn lên. Vậy giao cho phường Mỹ Toàn bắt phường An Bằng đền tiền ba quan. Nay phê cho như vậy. Ngày 19 tháng 9 năm Cảnh Hưng 20 (1759)”. Văn bản này là bằng chứng cho thấy chính quyền Đàng Trong không chỉ huy động cư dân phủ Quảng Ngãi, mà còn huy động cư dân xứ Thuận Hóa (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng tham gia vào đội Hoàng Sa. Điều này chứng tỏ biên chế của đội Hoàng Sa là khá đông và phạm vi hoạt động của đội trải khắp vùng biển miền Trung lúc đó.

Tờ đơn xin tái lập đội Hoàng Sa

Đây là tờ đơn đề ngày 15 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), do ông Hà Liễu, Cai hợp phường Cù Lao Ré, xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi, đứng tên, gửi chính quyền Tây Sơn để xin tái lập đội Hoàng Sa.

Nội dung tờ đơn có đoạn viết: “Nguyên xã chúng tôi xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi (1631), Đốc chiến là Võ Hệ đã đệ đơn tâu xin, được cho lập hai đội nữa là đội Đại Mạo Hải Ba và Quế Hương Hàm với nhân số 30 người. Hằng năm thường nạp thuế bằng 10 [thạch] đồi mồi, hải ba, năm lượng quế hương. Đến năm Quý Mão (1723), vâng lệnh truyền rằng: Dân trong thuộc Hà Bạc ai có bằng son, đơn son thì nạp thuế biệt nạp và mang theo sổ sách. Thế là dân số phải bổ sung, dân binh cũng bắt đầu. Đến đó quân nhân xã chúng tôi còn 23 người, phải bổ sung người và chi tiền đi đường như trước, nên cai đội mới đốc suất được công việc từ đó đến nay. Bây giờ, chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng, thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo xảy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm nhặt báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp. Xin dốc lòng làm theo sở nguyện chẳng dám kêu ca. Chúng tôi cúi đầu mong ơn”.

Đơn này đã được gửi đến chính quyền Tây Sơn do Nguyễn Nhạc đứng đầu xem xét và được chuẩn thuận. Đây là tư liệu rất có giá trị, xác nhận từ đầu thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn đã lập đội Hoàng Sa và đội Quế Hương để khai thác nguồn lợi từ Hoàng Sa. Đến khi chính quyền Tây Sơn thay thế họ Nguyễn cai quản vùng đất này thì hai lập đội Hoàng Sa và Quế Hương đã được tái lập và tiếp tục hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền Tây Sơn, vừa khai thác nguồn lợi từ Hoàng Sa, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tư liệu này cũng cho biết ngoài hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải đã được nhiều sử liệu nhắc đến, còn có thêm đội Quế Hương và sau này là đội Đại Mạo Hải Ba và đội Quế Hương Hàm, cùng tham gia khai thác các nguồn lợi ở Hoàng Sa và các vùng biển đảo khác ở Đàng Trong. Đồng thời họ còn tình nguyện trở thành những chiến binh trên biển, sẵn sàng chiến đấu chống lại những kẻ xâm phạm lãnh hải, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Chỉ thị về khai thác nguồn lợi ở Hoàng Sa

Đây là chỉ thị đề ngày 14 tháng 2 năm Thái Đức thứ 9 (1786) của Thái phó Tổng lý Quản bình dân chư vụ Thượng tướng công (không rõ tên) triều đình Tây Sơn về việc cử binh thuyền ra Hoàng Sa thu nhặt của cải từ các tàu đắm và khai thác các loại hải sản quý nộp cho triều đình. Chỉ thị viết: “Sai Hội Đức hầu, Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn chiếc thuyền câu vượt biển thẳng đến Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba, cá quý… đều chở về kinh, tập trung nộp theo lệ”.

Những văn bản liên quan đến Hoàng Sa thời Tây Sơn cho thấy mặc dù tồn tại trong một thời gian không lâu (1771 - 1801), chính quyền Tây Sơn vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động khai thác trên vùng biển, đảo Hoàng Sa. Điều này cũng cho thấy có xung đột giữa chúa Nguyễn với Tây Sơn, thì các chính quyền cai quản Đàng Trong trong thế kỷ XVII - XVIII vẫn kế tục nhau trong việc khai thác và kiểm soát đối với quần đảo Hoàng Sa, qua đó đã tiếp tục quá trình xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo này cũng như những vùng biển, đảo khác ở Đàng Trong đương thời.

TS.TRẦN ĐỨC ANH SƠN


(0) Bình luận
Kỳ 2: Hoàng Sa trong thư tịch cổ thời chúa Nguyễn và thời Tây Sơn