Kỳ 2: Hai nhóm đảo chính

14/06/2014 09:12

Theo các tài liệu được công bố gần đây thì quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo chính là Nguyệt Thiềm ở tây nam và An Vĩnh ở đông bắc.


Toàn cảnh đảo Hoàng Sa. Ảnh tư liệu, chụp năm 1938


Hoàng Sa là quần đảo san hô gồm trên 30 đảo, đá, cồn san hô, đá ngầm và bãi cạn. Các đảo, đá, cồn, bãi… này chìm nổi theo mực nước thủy triều, nên cách tính số lượng đảo trong các tài liệu có sự khác biệt. Theo các tài liệu được công bố gần đây thì quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo chính là Nguyệt Thiềm ở tây nam và An Vĩnh ở đông bắc. Hai nhóm đảo này gồm khoảng 30 đảo, đá, bãi, cồn, hòn, trong đó có 15 đảo, 1 bãi, 3 đá, 1 cồn, 1 hòn đã được đặt tên.

Các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa không cao so với mực nước biển, cao nhất là đảo Hòn Đá (15,24 m), thấp nhất là đảo Tri Tôn (3,048 m). Ngoài ra, còn có nhiều bãi ngầm, đá ngầm… nằm rải rác trong phạm vi rộng lớn xung quanh hai nhóm đảo chính này.

Nhóm đảo Nguyệt Thiềm

Nhóm đảo này còn có tên là Trăng Khuyết, Lưỡi Liềm hay Nhóm Tây, tên tiếng Anh là Crescent Group, tên tiếng Pháp là Croissant Groupe, Trung Quốc gọi là Yongle qundao (Vĩnh Lạc quần đảo). Nhóm đảo này nằm về phía tây nam của quần đảo Hoàng Sa, gần đất liền của Việt Nam, tọa độ 16031’ vĩ độ Bắc và 111038’ kinh độ Đông, gồm 7 đảo chính là: Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Hòa, Quang Ảnh, Bạch Quy, Tri Tôn và các bãi ngầm cùng vô số mỏm đá.

- Đảo Hoàng Sa: Tên tiếng Anh là Pattle Island, tên tiếng Pháp là Île Pattle, Trung Quốc gọi là Shanhudao (San Hô đảo). Đảo hình bầu dục, cao 9 m, dài khoảng 950 m, rộng gần 700 m, diện tích khoảng 0,5 km2, kể cả vòng san hô bao quanh.

- Đảo Hữu Nhật: Tên tiếng Anh là Robert Island, tên tiếng Pháp là Île Robert, Trung Quốc gọi là

Trên các đảo, đá, bãi ngầm... và ở trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa có rất nhiều loài sinh vật sinh sống như: chim yến, chim hải âu, rùa, đồi mồi, vích, đồn đột, ốc tai voi, ốc hương, các loài cá, tôm, mực... Phần lớn các loài sinh vật này đều tương tự như sinh vật sống trong các vùng biển đảo Việt Nam như quần đảo Trường Sa, Lý Sơn, Cù Lao Chàm...

Tài nguyên khoáng sản trong lòng biển và trên các đảo, đá, bãi ngầm ở quần đảo Hoàng Sa rất phong phú, trong đó có nhiều tài nguyên có giá trị như phốt phát, dầu khí, đặc biệt là băng thạch, một loại nhiên liệu hóa thạch quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao, được đánh giá là có trữ lượng rất lớn

Guanquandao (Cam Tuyền đảo). Đảo có hình bầu tròn, cao 8 m, đường kính 800 m, chu vi 2.000 m, diện tích khoảng 0,6 km2, có vành đai san hô bao ngoài, giữa là vùng biển lặng. Tên đảo Hữu Nhật được đặt theo tên của vị Chánh đội trưởng thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật (1804 - 1854), người được vua Minh Mạng phái ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình và vẽ bản đồ vào năm 1836.

- Đảo Duy Mộng: Tên tiếng Anh là Drummond Island, tên tiếng Pháp là Île Drummond, Trung Quốc gọi là Jinqingdao (Tấn Khanh đảo). Đảo hình bầu dục, độ cao khoảng 4 m, diện tích khoảng 0,41 km2. Trên đảo có nhiều cây nhỏ, giữa đảo là vùng đất trống, có thể định cư được.

- Đảo Quang Hòa: Tên tiếng Anh là Duncan Island, tên tiếng Pháp là Île Duncan, Trung Quốc gọi là Chenhangdao (Thâm Hàng đảo). Diện tích gần 0,5 km2. Cạnh đảo lớn còn có đảo nhỏ, nối liền nhau bằng bãi cát dài.

- Đảo Quang Ảnh: Tên tiếng Anh là Money Island, tên tiếng Pháp là Île Money, Trung Quốc gọi là Jinyindao (Kim Ngân đảo). Đảo mang tên Phạm Quang Ảnh, Đội trưởng đội Hoàng Sa thời Nguyễn, từng nhiều lần đem hải đội ra Hoàng Sa thăm dò, đo đạc hải trình, thu lượm hải vật. Trong một lần đi Hoàng Sa, Phạm Quang Ảnh cùng 24 dân binh gặp bão, mất tích giữa biển. Để ghi nhớ công lao, tên của ông được đặt cho đảo này. Đảo hình bầu dục, hơi tròn, chu vi khoảng 2.100 m, diện tích khoảng 0,3 km2.

- Đảo Bạch Quy (còn gọi là Đá Rùa Trắng): Tên tiếng Anh là Passu Keah Island, tên tiếng Pháp là Île Passoo Keah, Trung Quốc gọi là Panshiyu (Bàn Thạch dữ). Đảo là một dải san hô hình bầu dục, cao 15 m, địa thế trơ trọi, khó sinh tồn.

- Đảo Tri Tôn: Tên tiếng Anh là Triton Island, tên tiếng Pháp là Île Triton, Trung Quốc gọi là Zhongjiandao (Trung Kiến đảo). Đây là đảo nằm gần bờ biển Việt Nam nhất so với các đảo khác của Hoàng Sa. Vùng biển quanh đảo có rất nhiều hải sâm, ba ba và san hô nhiều màu.

Nhóm đảo An Vĩnh


Nhóm đảo này còn có tên là Nhóm Bắc, tên tiếng Anh là Amphitrite Group, tên tiếng Pháp là Amphytrite Groupe, Trung Quốc gọi là Xuande qundao (Tuyên Đức quần đảo). Nhóm đảo này nằm ở phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa, tọa độ 16053’ vĩ độ Bắc và 112017’ kinh độ Đông. Tên nhóm đảo này được đặt theo tên xã An Vĩnh ở Quảng Ngãi, quê hương của đội Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Nhóm đảo An Vĩnh gồm các đảo lớn và cao nhất trong các đảo của quần đảo Hoàng Sa và cũng là các đảo san hô lớn nhất Biển Đông, như: đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam, đảo Hòn Đá.

- Đảo Phú Lâm: Tên tiếng Anh là Woody Island, tên tiếng Pháp là Île Boisée, Trung Quốc gọi là Yongxingdao (Vĩnh Hưng đảo). Đảo Phú Lâm ở cạnh đảo Hòn Đá, cách đảo Hoàng Sa khoảng 87 km. Đảo dài 1,7 km, rộng 1,2 km, diện tích khoảng 1,3 km2.

- Đảo Linh Côn: Tên tiếng Anh là Lincoln Island, tên tiếng Pháp là Île Lincoln, Trung Quốc gọi là Dongdao (Đông đảo). Đây là đảo lớn nhất của cả quần đảo Hoàng Sa, diện tích khoảng 1,62 km2, cao khoảng 4,5 m, vòng san hô bao quanh đảo kéo dài về phía nam, dài tới gần 15 hải lý.

- Đảo Cây (còn gọi là đảo Cù Mộc): Tên tiếng Anh là Tree Island, tên tiếng Pháp là Île Arbre, Trung Quốc gọi là Zhaoshudao (Triệu Thuật đảo).

- Đảo Trung (còn gọi là đảo Giữa): Tên tiếng Anh là Middle Island, tên tiếng Pháp là Île du Milieu, Trung Quốc gọi là  Zhongdao (Trung đảo).

- Đảo Bắc: Tên tiếng Anh là North Island, tên tiếng Pháp là Île du Nord, Trung Quốc gọi là Beidao (Bắc đảo).

- Đảo Nam: Tên tiếng Anh là South Island, tên tiếng Pháp là Île du Sud, Trung Quốc gọi là Nandao (Nam đảo).

- Đảo Hòn Đá: Tên tiếng Anh là Rocky Island, tên tiếng Pháp là Île Rocheuse, Trung Quốc gọi là Shidao (Thạch đảo).

Các bãi ngầm, cồn, đá

Ngoài hai nhóm đảo Nguyệt Thiềm và An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa còn có các bãi ngầm, cồn và đá sau: bãi Balfour, bãi Bassett, bãi Carpenter, bãi Cathay, bãi Cawston, bãi Egeria, bãi Hand, bãi Hardy, bãi Herald, bãi Howard, bãi Learmonth, bãi ngầm Bắc, bãi ngầm Châu Nhai, bãi ngầm Khám Phá, bãi Ốc Tai Voi, bãi Quan Sát, bãi Quảng Ngãi, bãi Smith, bãi Sơn Dương, bãi Stewart, bãi Vọng Các, bãi Xiêm La, đá Bông Bay, đá Chim Yến, đá Nam, đá Tây, đá Tháp. Ngoài ra, còn có hai bãi ngầm rất rộng cũng liên quan vùng biển Hoàng Sa là Macclesfield Bank và Scarborough Shoal.

TS. TRẦN ĐỨC ANH SƠN


(0) Bình luận
Kỳ 2: Hai nhóm đảo chính