Nhiều dự án phải tạm dừng, giãn hoãn tiến độ, điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện

08/12/2022 08:30

Thông tin trên nêu tại báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh.


>>>Thảo luận, quyết định các mục tiêu, giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
>>>
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 64,7% kế hoạch
>>>
Xem xét tăng thu học phí, tỉnh hỗ trợ gần 174,4 tỷ đồng chênh lệch năm đầu tiên
>>> [Truyền hình trực tuyến] Phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XVII


Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất của các doanh nghiệp sau chấp thuận đầu tư và công tác quản lý sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa trên địa bàn tỉnh trình Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII diễn ra trong 2 ngày 7-8.12.

Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh đã thành lập 2 đoàn giám sát, tổ chức giám sát trực tiếp tại 4 UBND cấp huyện và khảo sát tại 12 dự án. Theo kết quả giám sát, giai đoạn 2016 - 2022, toàn tỉnh thu hút 976 dự án đầu tư với tổng diện tích đất theo quyết định đầu tư là hơn 5.214 ha, trong đó 298 dự án chưa được bàn giao đất, 77 dự án chưa triển khai thực hiện hoặc mới thực hiện được một phần.

Với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận của UBND tỉnh, có 285 dự án được bàn giao đất, đã triển khai thực hiện; 54 dự án đã được bàn giao đất nhưng chưa triển khai thực hiện; 1 dự án đã được bàn giao đất, đã triển khai xây dựng nhưng hoạt động không đúng nội dung được chấp thuận; 258 dự án chưa được bàn giao đất. 

Với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận của UBND huyện, 234 dự án được bàn giao đất, đã triển khai thực hiện; 19 dự án đã được bàn giao đất nhưng chưa triển khai thực hiện; 4 dự án đã thu hồi hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp. Trong số 46 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh nước ngoài ngoài khu công nghiệp, có 34 dự án được bàn giao đất, đã triển khai thực hiện; 4 đã được bàn giao đất nhưng chưa triển khai thực hiện; 8 dự án chưa được bàn giao đất.

Qua giám sát cho thấy kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất sản xuất kinh doanh tại một số đơn vị còn thấp. Trong khi đó, danh mục dự án đề nghị bổ sung phát sinh trong năm khá nhiều, có nhiều trường hợp dự án phải thực hiện gia hạn tiến độ thực hiện, gia hạn thời gian thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhiều lần. Nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện việc nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án. Nhiều dự án phải tạm dừng, giãn hoãn tiến độ và điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện được gây lãng phí nguồn lực đất đai, đặc biệt tại các vị trí đắc địa, vị trí bám mặt đường giao thông chính, có lợi thế kinh doanh thương mại. Tình trạng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân về tình hình sử dụng đất của các doanh nghiệp trên địa bàn còn phức tạp.

Trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau chấp thuận đầu tư, chất lượng công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của một số địa phương chưa cao. Chất lượng công tác thẩm định một số dự án còn hạn chế, chưa thẩm định kỹ năng lực tài chính, năng lực thị trường, khả năng điều hành dự án. Công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế hỗ trợ, đơn giá đền bù dẫn đến việc bàn giao đất cho nhà đầu tư rất chậm, thường xuyên bị kéo dài. Việc giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất còn hạn chế do không có nguồn kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

Về công tác quản lý sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, tính đến ngày 30.9.2022, trên địa bàn tỉnh có 62 doanh nghiệp cổ phần hóa và 3 doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa với tổng diện tích đất sử dụng là 687,2 ha. Đến nay, đã có 8/55 doanh nghiệp cổ phần hóa đã có phương án sử dụng đất chi tiết, 8 doanh nghiệp cổ phần hóa đề nghị trả lại toàn bộ hoặc một phần diện tích đất tại 24 vị trí. Việc thực hiện cổ phần hóa tại một số đơn vị chưa đạt yêu cầu đề ra, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, công tác quản lý điều hành chưa đổi mới, liên tục báo lỗ trong thời gian dài. Công tác quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa còn nhiều bất cập, chưa tuân thủ theo quy định cũng như phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt.

PV

(0) Bình luận
Nhiều dự án phải tạm dừng, giãn hoãn tiến độ, điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện