[Audio] Chủ quán karaoke “ngồi trên đống lửa”

17/03/2023 06:21

Nhiều chủ đầu tư, nhân viên các cơ sở karaoke trong tỉnh như “ngồi trên đống lửa” sau thời gian dài đóng cửa vì dịch Covid-19, nay lại tạm dừng hoạt động vì chưa bảo đảm quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

00:00


Ông Nguyễn Văn Hoãn, chủ quán karaoke Hải Lâm ở xã Đồng Lạc (Nam Sách) phải bán nhiều máy móc, thiết bị để trả lãi ngân hàng

Ngày 13.3, cơ sở karaoke cuối cùng - Thọ Duyên VIP trong tổng số 367 cơ sở của tỉnh Hải Dương đã xin dừng hoạt động. Chưa bao giờ ngành nghề kinh doanh có điều kiện này lại gặp khó khăn như hiện nay.

Lo phá sản

Ông Nguyễn Văn Hoãn, chủ quán karaoke Hải Lâm ở xã Đồng Lạc (Nam Sách) đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Tháng 9.2019, ông Hoãn khai trương quán karaoke mới được vài tháng thì bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sau dịch, quán được mở cửa trở lại mấy tháng thì lại phải xin dừng hoạt động từ tháng 9.2022 tới nay do không bảo đảm quy định PCCC. Tuy không hoạt động nhưng ông Hoãn vẫn phải "giữ chân" 16 nhân viên chờ ngày mở cửa trở lại vì sợ khi đó khó tìm nhân sự. Mỗi tháng, ông Hoãn phải trả khoảng 200 triệu đồng cả cho người lao động, tiền điện, nước.

"Tôi đầu tư quán này rộng 2.200 m2, vốn hơn 20 tỷ, hiện vẫn nợ ngân hàng hơn 10 tỷ, 4 căn nhà của tôi đều đang thế chấp ở ngân hàng. Cứ tình trạng này tôi sẽ mất hết, không thể cầm cự được nữa...", ông Hoãn chia sẻ.

Anh Phạm Xuân Linh là chủ quán karaoke Hoàng Phố ở xã Thanh Khê (Thanh Hà), phải đóng cửa quán để chạy xe dịch vụ. Anh Linh cho biết đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng 3 phòng hát từ năm 2019 nhưng gần như phải đóng cửa vì dịch Covid-19, đến nay lại chưa bảo đảm quy định PCCC. Khoảng 2 tháng nữa, tình hình không khả quan, anh Linh dự kiến thuê thợ đục thông 3 phòng để kinh doanh phòng trà.


Khi tạm dừng hoạt động, các quán karaoke thường xuyên phải vệ sinh, bảo dưỡng cơ sở vật chất để tránh xuống cấp

Không chỉ có chủ cơ sở, nhiều nhân viên không có việc đã phải tìm việc làm khác. Ở TP Hải Dương, nhiều quán karaoke đã cho nhân viên nghỉ, chờ ngày mở cửa sẽ gọi trở lại. Anh T. quê ở thị xã Kinh Môn làm quản lý tại một quán karaoke ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) đã 10 năm cũng đành từ bỏ công việc này và về quê.

"Gánh nặng kinh tế đè nặng vì tôi là trụ cột gia đình. Có 2 con nhỏ nên tôi không thể chờ đợi thêm, phải nhanh chóng tìm công việc khác thay thế. Nếu trong 1-2 tháng tới mà quán karaoke được mở lại, tôi có thể sẽ trở lại làm việc nhưng nếu lâu hơn tôi có lẽ phải gắn bó với một nghề khác để bảo đảm cuộc sống", anh T. nói.

Kéo vali lên xe chuẩn bị ra sân bay, chị Nguyễn Thị Minh (quê ở tỉnh Đồng Tháp) cho biết: "Những ngày quán không mở, chúng tôi chỉ dọn dẹp loanh quanh, thu nhập vẫn được chủ quán hỗ trợ nhưng không được như lúc công việc ổn định. Cả vật chất, tinh thần đều thiếu thốn. Sau nhiều tháng như vậy thì đến lúc tôi phải gọi về nhà xin tiền bố mẹ để mua vé máy bay về quê. Về rồi làm công việc gì thì tôi cũng chưa biết”.

Mong sớm hoạt động trở lại


Nhiều cơ sở kinh doanh karaoke mong muốn sớm được mở cửa trở lại

Sau khi kiểm tra các điều kiện PCCC, anh Vũ Đức Duẩn, chủ quán karaoke Ruby ở xã An Đức (Ninh Giang) đã đầu tư sửa lại cửa 3 phòng hát quay ra phía hành lang. Anh Đức đặt làm cửa chống cháy với giá 13 triệu đồng/cửa từ Hà Nội, sẽ lắp đặt vào ngày 18.3. 

Theo nhiều chủ quán karaoke ở TP Hải Dương, hiện các quy định PCCC rất nghiêm ngặt nên hầu hết các quán chưa thể đáp ứng yêu cầu để sớm mở cửa trở lại. 

Với các cơ sở trong khu đô thị càng khó cải tạo vì nhà xây liền kề, nhiều vị trí không thể bố trí cầu thang thoát hiểm. Với những cơ sở mới xây dựng có mặt bằng rộng thì khả năng tiệm cận với tiêu chuẩn còn dễ dàng hơn. Cơ quan quản lý nhà nước về PCCC cần phân loại các quán karaoke để đánh giá sát tình hình, hướng dẫn chi tiết cho từng loại quán. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi những bất cập trong quy định về phòng cháy hiện nay. 

Xem clip

THÀNH PHONG


(0) Bình luận
[Audio] Chủ quán karaoke “ngồi trên đống lửa”