14 trong tổng số 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, trong đó kinh tế tăng trưởng khá… là nét nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương năm 2018.
Đồng chí Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Ảnh: Thành Chung
Hoàn thành và vượt 14/15 chỉ tiêu
Theo Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do đồng chí Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, năm 2018 tỉnh Hải Dương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá năm 2010) đạt 9,1% so với năm 2017 (kế hoạch tăng từ 8% trở lên). Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 18.348 tỷ đồng, vượt 1,5% kế hoạch năm, tăng 6%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 186.294 tỷ đồng, vượt 0,5% kế hoạch, tăng 12,75%. Giá trị sản xuất ngành xây dựng ước đạt 16.838 tỷ đồng, tăng 9,5%. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước đạt 36.270 tỷ đồng, tăng 7,6%. Giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 6.404 triệu USD, tăng 18,6%; giá trị hàng hoá nhập khẩu ước đạt 5.928 triệu USD, tăng 14,4%.
Đây cũng là năm Hải Dương tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2018 ước đạt 42.239 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2017. Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc. Tính đến hết ngày 30.11.2018, tổng vốn thu hút đầu tư trong nước đạt 7.026,24 tỷ đồng (tăng 266,22%), thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 545,7 triệu USD, tăng 52,4%. Toàn tỉnh có 1.460 doanh nghiệp mới được thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký 9.918 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh cả năm ước đạt 16.290 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nội địa ước đạt 12.940 tỷ, vượt 14,2% kế hoạch, tăng 13,4%. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt gần 16.900 tỷ đồng, đạt 155% dự toán năm. Chi cho đầu tư phát triển ước trên 4.500 tỷ đồng, đạt 307% dự toán; chi thường xuyên ước gần 10.140 tỷ đồng, đạt 120% dự toán. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nông nghiệp tập trung triển khai Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020”; tiếp tục lập và triển khai quy hoạch một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung; quy hoạch các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Đến hết năm 2018, các huyện Kinh Môn, Cẩm Giàng đã đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 77,5%), tăng 1 đơn vị cấp huyện và 30 đơn vị cấp xã so với năm 2017.
Tỉnh đã triển khai kế hoạch nâng cấp đô thị huyện Kinh Môn, thông qua đề án đề nghị công nhận TP Hải Dương là đô thị loại 1, công nhận thành phố Chí Linh; dự kiến đến hết năm 2018 nghiệm thu thêm 5 khu đô thị.
Trong lĩnh vực vực văn hóa, xã hội, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, khá toàn diện. Toàn tỉnh có thêm 513 phòng học, tăng 63 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 653 trường. Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020” tiếp tục được triển khai. Các đơn vị trong lĩnh vực y tế, giáo dục thực hiện nghiêm túc chủ trương thu gọn đầu mối và tinh giản biên chế. Các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo được thực hiện tốt. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 2,5%.
Công tác tư pháp, thanh tra, tiếp dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. An ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tỉnh tổ chức tốt công tác tuyển quân năm 2018, chỉ đạo thực hiện có chất lượng các mặt công tác quốc phòng quân sự địa phương.
Đáng chú ý là, tỉnh Hải Dương đã xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công; quan tâm chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Toàn tỉnh đã sắp xếp lại tổ chức bộ máy 109 đơn vị sự nghiệp công lập xuống còn 43 đơn vị (giảm 66 đơn vị); sáp nhập 10 Chi cục thuế cấp huyện thành 5 Chi cục Thuế khu vực. Xây dựng và triển khai Đề án sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn khu dân cư; tổng hợp danh sách, thực trạng các đơn vị hành chính cấp xã không đủ các tiêu chí quy định để có kế hoạch sáp nhập theo Đề án số 01- ĐA/TU. Phối hợp tổ chức triển khai “Năm dân vận chính quyền 2018”, công tác dân vận giai đoạn 2018-2021.
Tiếp tục tinh gọn bộ máy
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định 5 nhóm hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý là, tăng trưởng sản xuất khá cao, nhưng chưa vững chắc. Công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, tính tiền sử dụng đất để thực hiện một số dự án còn chậm, đặc biệt là các dự án khu đô thị, khu dân cư và các công trình xây dựng nông thôn mới. Công tác kiểm tra doanh nghiệp vẫn còn chồng chéo. Việc cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa ở một số cơ quan, đơn vị chưa tốt.
Vi phạm công trình đê điều, công trình thủy lợi, hành lang an toàn giao thông, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội; các hành vi vi phạm: đổ, xả chất thải không đúng quy định có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp…
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho rằng những hạn chế, yếu kém nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, song tập trung chủ yếu vào các nguyên nhân có tính chủ quan của cấp uỷ, chính quyền các cấp.
Hội nghị nghe các tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhất trí với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đề xuất. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 8,5% trở lên. Thu ngân sách nội địa 12.062 tỷ đồng, tăng 132 tỷ đồng so với dự toán năm 2018. Toàn tỉnh phấn đấu có thêm 31 xã và 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành lập thêm 1.800 doanh nghiệp. Giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 1%, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,5%…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Theo đó, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu kinh tế; quy hoạch chi tiết và thu hút đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến và hợp tác phát triển du lịch. Tăng cường phối hợp quản lý, đôn đốc, giám sát triển khai các dự án trong và ngoài nước. Tiếp tục kiểm tra, xử lý đối với các dự án chậm triển khai theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn đang triển khai đầu tư sớm đưa vào hoạt động; nghiệm thu cấp tỉnh các dự án đủ điều kiện theo quy định để bàn giao quản lý.
Tiếp tục triển khai các Đề án “Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020”, "xây dựng hệ thống quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh".
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tổ chức hoạt động hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công, thành lập Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ, xúc tiến chung của tỉnh.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, trong đó tập trung hoàn thành việc giảm đầu mối bên trong các sở, ngành. Thực hiện tốt Đề án tổng thể sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện theo lộ trình Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 28.4.2017; Kế hoạch số 74-KH/TU, ngày 16.1.2018 của Tỉnh ủy…
Chi tiêu hợp lý, tiết kiệm
Để bảo đảm cân đối ngân sách năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề xuất, đối với chi đầu tư phát triển, cần bám sát phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; tập trung xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. Không quyết định chủ trương đầu tư khi không rõ nguồn vốn hoặc không có khả năng cân đối vốn. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, địa phương, đơn vị trong việc để chậm giải ngân đối với các dự án đã giao kế hoạch vốn trong năm.
Bảo đảm chi thường xuyên ổn định như dự toán năm 2018 và các nhiệm vụ cần thiết phát sinh mới năm 2019 gắn với lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính giai đoạn 2016-2020; khuyến khích tăng thu, tiết kiệm chi, tinh giản biên chế nhanh hơn lộ trình để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.
Tỉnh sẽ tập trung rà soát đánh giá các khoản thu để phát hiện thêm các khu vực thu, nguồn thu mới. Chủ động, tích cực khai thác và nuôi dưỡng nguồn thu giúp tăng thu ngân sách, nhất là đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất một lần đối với các dự án lớn.
Thực hiện phân bổ, giao dự toán chi ngân sách nhà nước đúng thời hạn, nội dung, đối tượng, lĩnh vực theo quy định. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục triệt để, không để xảy ra tình trạng nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện, công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm chi ngân sách nhà nước theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi...
NGUYÊN ANH