Kinh tế Hải Dương khởi sắc

08/10/2022 11:45

Bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2022 của Hải Dương có nhiều khởi sắc, tạo được dấu ấn rõ nét với mức tăng trưởng hơn 10%, cao nhất trong 5 năm qua và nằm trong nhóm khá cả nước.


Công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Hải Dương 9 tháng năm 2022. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tự động tại Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam (khu công nghiệp Đại An). Ảnh: THÀNH CHUNG

Kiên định mục tiêu “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”, kinh tế Hải Dương 9 tháng năm 2022 phục hồi nhanh với nhiều dấu ấn rõ nét sau khi kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, với mức tăng trưởng hơn 10%, cao nhất trong 5 năm qua và nằm trong nhóm khá cả nước.

Điểm nhấn công nghiệp, dịch vụ

Ông Đinh Trịnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP May II Hải Dương cho biết 9 tháng qua, doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, thậm chí còn cao hơn so với lúc chưa xảy ra dịch bệnh. Hoạt động xuất khẩu của công ty không những phục hồi mà còn mở rộng với lượng đơn đặt hàng tăng khoảng 5%. Cũng giống như ở Công ty CP May II, việc kiểm soát tốt dịch bệnh thời gian qua đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh hoạt động ổn định trở lại, tác động đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp. 

Theo Cục Thống kê tỉnh, tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hải Dương tăng 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm ưu thế với mức tăng cao nhất, đạt 14,4%; sản xuất, phân phối điện tăng 9%. Trong nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện, xe có động cơ, dệt may đóng vai trò quan trọng thúc đẩy công nghiệp của tỉnh phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, từ 13-20%. 

Hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh. Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ 9 tháng năm 2022 ước đạt gần 34.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 63.000 tỷ đồng, tăng 12,8%. Giá trị hàng hoá xuất khẩu gần 8,3 tỷ USD, tăng 15,1%; hàng hoá nhập khẩu hơn 6,6 tỷ USD, tăng 16,3%. 

Nổi bật nhất trong bức tranh kinh tế 9 tháng qua của Hải Dương là sự mở cửa trở lại các hoạt động dịch vụ sau hơn 2 năm đóng cửa "án binh bất động" vì đại dịch. Tính chung 9 tháng, tỉnh đón và phục vụ gần 700.000 lượt khách du lịch, trong đó có 23.300 lượt khách quốc tế. Doanh thu ước đạt gần 317 tỷ đồng, tăng gần 29 lần so với cùng thời điểm năm trước.


Lĩnh vực thủy sản phát triển ổn định, hiệu quả

Nông nghiệp ổn định

9 tháng qua cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao trong sản xuất nông nghiệp của Hải Dương với những đổi mới trong sản xuất và tiêu thụ, tổng giá trị ước đạt 15.600 tỷ đồng, tăng 3,5%. Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, mức tăng trưởng của các lĩnh vực nông nghiệp ổn định, đồng đều. Cách thức sản xuất, tiêu thụ nông sản được đổi mới theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số để phù hợp với thị trường, đạt hiệu quả kinh tế cao. 

Ở lĩnh vực trồng trọt, dù có biến động về diện tích gieo trồng lúa vụ xuân, vụ mùa giảm gần 1.000 ha nhưng năng suất cây trồng tương đối cao, trung bình hơn 63 tạ/ha. Diện tích lúa giảm để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phục vụ hoạt động phi nông nghiệp. Diện tích trồng cây lâu năm của tỉnh được quy vùng chuyên canh, tập trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Cây ăn quả trọng điểm là vải dù diện tích giảm 17 ha song sản lượng tăng gần 6.100 tấn. Một số loại cây ăn quả khác như chuối, ổi, thanh long… đều tăng sản lượng, đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất trồng trọt của tỉnh.

Đàn gia súc, gia cầm của tỉnh phát triển ổn định. Tổng đàn lợn tính đến ngày 1.10 ước đạt 392.000 con, tăng 7,3%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 46.200 tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Đàn trâu, bò cũng tăng về số lượng và sản lượng thịt hơi xuất chuồng. Tổng đàn gia cầm ước đạt gần 16 triệu con, tăng 4,9%.

9 tháng đầu năm ghi nhận những thay đổi tích cực trong lĩnh vực thủy sản khi người dân đưa vào sản xuất nhiều giống thuỷ sản mới, đa dạng chủng loại và bảo đảm chất lượng, phù hợp với điều kiện nước mặt của tỉnh. Mặc dù sản lượng khai thác thuỷ sản giảm 6,5%, chỉ đạt hơn 1.100 tấn nhưng thuỷ sản nuôi lại bù đắp thiếu hụt này. Tổng lượng thuỷ sản nuôi 9 tháng của tỉnh đạt hơn 71.300 tấn, tăng 6,5%. Trong đó sản lượng cá lồng đạt hơn 14.000 tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Đây là phương thức nuôi cho hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ đầu tư mở rộng quy mô nuôi. 

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng những khó khăn, thách thức, biến động phức tạp, khó lường của dịch bệnh, thời tiết, giá cả một số vật tư, nguyên liệu đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Người chăn nuôi còn dè dặt tái đàn, mở rộng diện tích gieo trồng còn hạn chế. Hệ thống hạ tầng thương mại chưa đáp ứng được yêu cầu, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất sản xuất, kinh doanh còn chậm... Với những bất lợi từ thị trường hiện nay, Cục Thống kê tỉnh dự báo tăng trưởng cả năm của tỉnh chỉ đạt từ 9,7-10%. Vì vậy, 3 tháng cuối năm toàn tỉnh phải cố gắng, nỗ lực để tạo bứt phá, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 10% trở lên trong năm 2022. 

Phát biểu tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 9 vừa qua, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2022 của tỉnh có nhiều khởi sắc, tạo được dấu ấn rõ nét sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu đặt ra, trong 3 tháng cuối năm các cấp, ngành trong tỉnh phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc để tiếp đà tăng trưởng. Trong đó cần tập trung triển khai có hiệu quả, kịp thời các giải pháp, chính sách với lộ trình thích hợp để đối phó với dịch bệnh, tạo nền tảng đẩy mạnh cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đồng thời thường xuyên rà soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát triển an toàn trong dịch bệnh. Tỉnh sẽ liên kết chặt chẽ, hợp tác phát triển nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...

HOÀNG LINH

(0) Bình luận
Kinh tế Hải Dương khởi sắc
ss