Hiện đang là thời điểm gieo trồng cây đậu đũa vụ hè thu. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho cây đậu đũa, nông dân cần lưu ý một số kỹ thuật sau:
- Bố trí thời vụ và chân đất thích hợp: Đậu đũa sinh trưởng tốt trong điều kiện ánh sáng nhiều, thích hợp nhất ở ngưỡng 20-27 độ C. Vụ hè thu nên gieo trồng từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5 dương lịch.
Bộ rễ đậu đũa phát triển mạnh nên chịu hạn và úng tốt. Đất trồng duy trì độ ẩm từ 60-70%, pH đất 6-7, đất thịt nhẹ có tầng canh tác dày sẽ là điều kiện lý tưởng để trồng đậu đũa cho năng suất cao. Cây trồng này cần phải bón phân nhiều.
- Gieo trồng và chăm sóc: Để rễ cây phát triển rộng dài, người trồng cần lên luống cao, nhất là trong điều kiện thời tiết hay có mưa lớn. Luống trồng cao 25-30 cm, rộng 1-1,2 m, rãnh rộng 25-30 cm. Nên gieo hạt trực tiếp theo 2 hàng (hàng cách hàng 40-45 cm, hốc cách hốc 30 cm), gieo 3 hạt/hốc sau để 1-2 cây/hốc là vừa. Lượng hạt gieo 0,8-1kg/sào.
Đất trồng xử lý bằng vôi tả (10-15kg/sào) bón lót 3-5 tạ phân chuồng và phân NPK chuyên dùng.
+ Đậu đũa cần được bón phân bổ sung thường xuyên vào các thời điểm: sau trồng nửa tháng, 1 tháng, ra hoa lần đầu và sau các đợt thu quả rộ. Mỗi lần bón từ 5-7 kg phân Đầu Trâu lạc-đỗ bằng cách rải cạnh hàng hoặc hòa nước tưới kết hợp vệ sinh luống đậu.
Trồng đậu đũa hè thu nên sử dụng màng phủ chuyên dùng để che phủ luống sẽ hạn chế được thiệt hại do mưa úng, giảm sâu bệnh hại và làm cỏ vệ sinh luống rau. Ở các lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh nên kết hợp với các loại phân siêu vi lượng để bổ sung dinh dưỡng, tăng chất lượng cho quả và sức đề kháng cho cây.
+ Giữ ẩm: Đậu đũa có khả năng ra hoa, đậu quả liên tục nên muốn năng suất cao ngoài bón phân đầy đủ và cân đối, nông dân cần duy trì độ ẩm thường xuyên cho cây.
Khi đậu đũa có vòi (tua cuốn, tay vịn) cần cắm giàn chữ X cho đậu leo. Khi cây leo được 2/3 giàn dóc thì tỉa bớt lá chân đã già, lá bị sâu bệnh phía dưới để cây thông thoáng, rệp muội và nấm lở cổ rễ sẽ ít phát sinh gây hại.
+ Bảo vệ thực vật: Đậu đũa trồng trong vụ hè thu thường hay bị các loài sâu bệnh chính gây hại gồm: dòi đục gốc, lá, sâu xanh, sâu đục quả, nhện đỏ, nấm chết thắt, lở cổ rễ, bệnh đốm lá, gỉ sắt, thán thư, thối đen do vi khuẩn. Trong đó, sâu đục quả nguy hiểm nhất trong suốt vụ đậu hè thu. Cần phải trừ sâu ngay từ lúc sâu non phát sinh nhưng chưa đục được vào trong quả bằng các loại thuốc sinh học hoặc thuốc hóa học có độ phân hủy nhanh như Sumicidin, Cyperan, Visher, Sapen-alpha... khi quả vừa đậu.
* Lưu ý: Trong giai đoạn thu quả, nếu phải phun thuốc trừ sâu, người trồng nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học hoặc thảo mộc như Vertimec, Atabron, Angun, Emaben, Susuper...
Đối tượng dòi đục lá nên chú ý nhất ở giai đoạn cây con có 1-2 lá thật, vì lúc này số lá trên cây bị dòi gây hại làm mất diệp lục thì cây sẽ còi cọc, thậm chí tàn lụi sớm.
KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)