Kinh nghiệm khai thác rươi ở An Thanh

11/12/2012 06:07

Đắp bờ bao, cấy lúa không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... nhằm tạo môi trường đất, nước tốt để con rươi sinh trưởng, phát triển tốt...



Thương lái từ TP Hải Dương về An Thanh mua rươi

Trước đây, rươi thường được khai thác bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào các điều kiện tự nhiên. Khi rươi “ra” người ta dùng xăm để hứng ở các máng nước chảy, vớt bằng vợt, rá, rổ…Từ cuối những năm 1960 trở lại đây, diện tích bãi có rươi, mật độ và tần suất rươi xuất hiện ít dần. Nguyên nhân chính là do con người làm thay đổi môi trường sinh sống và phát triển của rươi thông qua việc sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ ở các ruộng cấy lúa trên bãi ven sông và chuyển đổi ồ ạt đất triều bãi sang trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thuỷ sản.

Trong những năm gần đây ở một số tổ chức và cá nhân bắt đầu quan tâm đến việc khai thác rươi bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi vùng nước cửa sông ven biển. Từ 1997-1998, Phòng Kế hoạch và Đầu tư huyện Tứ Kỳ đã thực hiện dự án quy hoạch nuôi trồng bảo vệ và khai thác một số sinh vật nước lợ, trong đó, có quy hoạch khu vực bảo vệ và khai thác rươi ở xã An Thanh. Cuối năm 2007, một số hộ ở thôn An Lao, xã An Thanh, điển hình là ba anh em Vũ Văn Hời, Vũ Huy Du và Vũ Thị Duyên, đã thực hiện mô hình khai thác rươi bền vững mang lại hiệu quả rất đáng ghi nhận.

Đắp đê khoanh vùng, xây dựng hệ thống thuỷ lợi

Trong nhiều năm ba anh em họ Vũ ở thôn An Lao đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để đắp đê bao và xây dựng hệ thống thuỷ lợi phục vụ khai thác rươi trên diện tích hơn 20 ha bãi đất đấu thầu lâu dài. Hệ thống thuỷ lợi được xây dựng gồm đê bao, kênh mương và cống điều tiết nước, bảo đảm chủ động cho nước thuỷ triều vào bãi và thoát ra sông một cách tự nhiên. Khi cần có thể giữ nước lại trên bãi hoặc gạn cạn nước ra khỏi mặt bãi phù hợp với con nước thuỷ triều trên sông. Các cống trên đê bao vừa để điều tiết nước ra vào bãi, vừa để đóng xăm thu hoạch rươi theo thời vụ.

Khâu làm đất được các hộ tiến hành hai lần trong năm. Lần làm đất thứ nhất vào tháng 2-3 dương lịch. Dùng máy cày cày lật đất trên ruộng bãi. Sau đó bón phân lợn, phân gà, phân trâu bò, trấu, rơm rạ... rồi bừa nhuyễn, đánh phẳng mặt ruộng. Để hạn chế cỏ dại mọc trên mặt ruộng, người ta cấy giống lúa hom cổ truyền, hoàn toàn không dùng phân hoá học, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu. Trong thời gian chưa khai thác rươi, toàn bộ hệ thống cống trên đê được mở hoàn toàn để nước thuỷ triều chảy ra vào tự nhiên. Sau một vài tuần, các ấu trùng rươi nhỏ như kim khâu theo nước thuỷ triều vào “định cư” trên ruộng. Khi nước cạn nhìn mặt ruộng thấy những lỗ li ti tức là rươi đã làm hang trên ruộng. Mỗi lỗ một rươi, lỗ càng nhiều thì năng suất thu hoạch sau này càng cao.

Khi thuỷ triều xuống kiệt, mặt ruộng khô nước, chiều tối rươi chui đầu lên ăn và thở, khi thấy ánh đèn hoặc bóng người hàng vạn con rươi thụt xuống đất nghe rào rào như tằm ăn rỗi. Bới sâu 30-40 cm xuống dưới mặt đất có thể thấy những con rươi chưa trưởng thành dài, nhỏ, màu hồng trông giống con giun đất.

Lần làm đất thứ hai vào tháng 6-7 dương lịch. Sau khi gặt lúa hom, rơm rạ được để lại trên ruộng, dùng máy cày cày vùi rơm rạ xuống, bón thêm phân hữu cơ rồi bừa kỹ nhiều lượt để vùi sâu rơm rạ và phân xuống dưới mặt đất. Lúc này con rươi ở dưới sâu cách mặt đất khoảng 30-40 cm nên không bị ảnh hưởng. Sau khi bừa ruộng xong phải tháo cạn nước, để nước ngập lâu trong ruộng rươi non sẽ bị chết.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy những chân ruộng bãi cao, dễ thoát kiệt nước thường có nhiều rươi. Những chân ruộng thường xuyên úng ngập sẽ không có rươi hoặc có rất ít rươi. Những năm không có nước lũ ngập lâu trên bãi thì sẽ có nhiều rươi hơn những năm lũ nhiều, bãi thường xuyên ngập nước.

Mỗi năm ba anh em họ Vũ ở An Lao thường chi khoảng 100 triệu đồng cho việc làm đất và mua phân hữu cơ bón ruộng. Phân bón hữu cơ và rơm rạ mục là nguồn thức ăn phong phú cho rươi. Ruộng bón phân hữu cơ hợp lý và giàu chất mùn sẽ cho rươi to, béo, nhiều bột và năng suất thu hoạch cao.

Thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ


 Sau khoảng một năm “định cư” trên ruộng, con rươi đã trưởng thành. Khi hội đủ điều kiện, rươi sẽ chui lên mặt nước để sinh sản. Nếu rươi đã “chín” mà không hội đủ điều kiện phù hợp để ngoi lên sinh sản thì nó sẽ chết trong đất. Trong “khung thời vụ” thu hoạch rươi, các hộ sẽ chủ động điều tiết nước thuỷ triều vào khu ruộng khoanh vùng của mình theo lịch thống nhất để lượng rươi thu hoạch trong ngày phù hợp với khả năng tiêu thụ của thị trường, tránh lượng rươi thu được quá nhiều sẽ bị thương lái ép giá. Với phương thức chủ động điều tiết giúp cho giá rươi ở xã An Thanh luôn ổn định, bảo đảm hiệu quả kinh tế cao.

Rươi chui khỏi hang, bơi trên mặt nước và bị dòng nước cuốn ra các cửa cống. Ở đây các hộ đã đóng sẵn các xăm. Phía trước xăm thường lắp tấm lưới chắn rác. Khi rươi ra nhiều, cứ sau 5-10 phút phải đổ rươi khỏi xăm một lần, mỗi lần như vậy thường được 10-15 kg. Rươi đưa lên bờ được nhặt sạch rác và các tạp chất khác rồi đưa vào các túi lưới dày cho ráo nước. Sau đó sẽ cân từng mẻ và cho vào khay xốp, đổ thêm chút nước để rươi không bị “khê”. Thương lái sẽ nhận từng khay rươi, đưa lên xe vận chuyển đi tiêu thụ. Nếu muốn rươi sống lâu thì phải dùng nước đá để ướp lạnh. Trong nhiệt độ dưới 100C  rươi có thể sống từ 5-7 ngày. Nếu muốn bảo quản nhiều ngày hơn nữa thì phải cấp đông rươi trong tủ đá hoặc ngăn đá trong tủ lạnh.

Năm 2011, ba anh em họ Vũ đã thu hoạch trên 1 tỷ đồng bán rươi và hơn chục tấn lúa hom. Vào vụ “rươi mùa” năm nay, họ đã thu hoạch được gần 4 tấn rươi, giá rươi bán buôn luôn ở mức 300-350 ngàn đồng/kg, tổng thu trên 1 tỷ đồng.

Ngoài rươi, hằng năm các hộ này còn thu được khoảng 150-200 triệu tiền cáy và hơn chục tấn lúa hom được canh tác theo phương thức hữu cơ, không sử dụng phân bón hoá học, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và nước tưới lúa hoàn toàn là nước phù sa sông Thái Bình. Gạo hom sạch tuyệt đối.

Mô hình khai thác rươi bền vững còn được nhiều hộ khác ở thôn An Lao và thôn An Định cũng thuộc xã An Thanh áp dụng với quy mô nhỏ. Tuy vậy, những mô hình nói trên đều do người dân tự phát làm. Cần có vào cuộc của các nhà khoa học và các nhà quản lý để các mô hình khai thác rươi bền vững thực sự phát triển ổn định.

TSHÀ BẠCH ĐẰNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh nghiệm khai thác rươi ở An Thanh