Kinh nghiệm chăm sóc vải sớm ở Thanh Bính

27/10/2016 06:31

Nhiều năm nay, vải sớm ở xã Thanh Bính (Thanh Hà) đều được mùa. Một trong những yếu tố quyết định sản lượng vải sớm là kinh nghiệm chăm sóc vải ngay từ đầu vụ của nông dân.



Hiện nay, nông dân xã Thanh Bính phun thuốc trừ sâu, bệnh hại trên thân cây vải

Từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10 là giai đoạn ảnh hưởng đến việc phát triển hoa, quả của cây vải. Để cây đạt năng suất cao nông dân phải điều chỉnh đợt lộc cuối cùng nhú trước ngày 31-10. Đối với cây vải trẻ khoẻ, nếu sau ngày 15-9 mới chớm nhú lộc thu và có khả năng ra tiếp một đợt lộc nữa thì có thể bón thúc thêm phân để bộ lá sớm thành thục, kịp ra lộc cuối cùng trong tháng 10. Thời gian vải sớm ra hoa, đậu quả sớm hơn vải thiều nên phải nắm chắc thời gian, chu kỳ phát triển của cây. Anh Lê Bá Hạnh ở thôn Phúc Giới cho biết: "Thời điểm này tôi thường hòa loãng phân đạm để tưới hoặc phun phân lên lá, sau đó bơm nước tưới cho những cây ở nơi cao, vườn khô. Giai đoạn này có nhện lông nhung hại vải. Vì thế, trước khi nhú đợt lộc cuối thu phải diệt trừ sớm bằng các loại thuốc đặc hiệu như Pegasus 500ND, Ortus 3SC, Regent 800 WP... Sau khi lộc đã phát dài hết, tôi kiểm tra và ngắt bỏ ngay những đoạn mầm lộc đã bị nhện lông nhung làm xoăn lá tránh bệnh lây lan sang cành khác".

Là người gắn bó với cây vải lâu năm, ông Vũ Văn Mùi ở thôn Hạ Vĩnh cũng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm để cây vải sớm cho sai quả. Gia đình ông Mùi có hơn 1 mẫu vải sớm, năm nào cũng cho năng suất cao hơn những nhà khác. Để có mùa vải sớm bội thu, ông Mùi cho biết chăm sóc vải phải chú ý ứng phó kịp thời với thời tiết. Khi thời tiết khô hanh, cây vải cần nước nên phải tưới liên tục. Mùa này có thể chặt bỏ những cây vải cằn cỗi, năng suất thấp để trồng cây mới. Tại thời điểm này, vải sớm đã cuốc vành tán, khoanh cành xong để hạn chế chất dinh dưỡng, không để lộc phát triển quá dài mà tập trung ra hoa. Nếu trong vườn vải phát hiện cây ra hoa ở giai đoạn này cần ngắt bỏ ngay. Do vải sớm cho thu hoạch sớm hơn vải muộn khoảng nửa tháng nên các khâu chăm sóc cũng phải sớm hơn.    

Xã Thanh Bính có 250 ha vải sớm, trong đó 20 ha được áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất. Tuy nhiên, diện tích vải còn lại cũng được nông dân ở đây sản xuất theo quy trình VietGAP. Nhằm hướng đến sản xuất vải sạch, nông dân Thanh Bính ngày càng chú ý đến quy trình sản xuất. Nhiều nhà cẩn thận ghi nhật ký theo dõi, chăm bón vải hằng ngày. Ngoài những kỹ thuật khoa học được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn, nông dân còn vận dụng linh hoạt kinh nghiệm vốn đã chắt chiu từ lâu để sản xuất vải. Thời điểm này, nông dân xã Thanh Bính còn tranh thủ dọn dẹp vườn, phun thuốc trừ sâu dưới gốc cây để diệt mầm mống gây bệnh, đặc biệt là sâu đục thân cây vải. 

Ông Lê Sỹ Tín, Chủ tịch UBND xã Thanh Bính cho biết do đất đai màu mỡ nên cây vải sớm phát triển tốt. Giá vải sớm thường cao hơn vải chính vụ nên người dân chăm chút hơn. Nhiều năm nay, tỉnh và huyện đều quan tâm phát triển cây vải sớm nên nông dân ngày càng đầu tư, chú ý chăm sóc. Xã thường xuyên mời cán bộ nông nghiệp, những đơn vị cung cấp thuốc bảo vệ thực vật có uy tín để giới thiệu cho nông dân, giúp mọi người sản xuất vải sớm tốt hơn. Bên cạnh đó, khi gặp thời tiết cực đoan, xã cũng chủ động khuyến cáo, hướng dẫn nông dân cách khắc phục. 

HIỂU LAM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh nghiệm chăm sóc vải sớm ở Thanh Bính