Kinh Môn sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch trải nghiệm.
Vùng trồng cam, ổi ở xã Thất Hùng có thể trở thành địa điểm du lịch trải nghiệm cho du khách sau khi tham quan di tích đền Cao An Phụ
Huyện Kinh Môn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trải nghiệm. Nếu được quan tâm đầu tư đúng hướng, du lịch hoàn toàn có thể trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng của địa phương này trong tương lai.
Giàu sản vật
Những ngày này, vùng trồng cam Vinh rộng 45 ha ở 2 thôn Vũ Xá và Phượng Hoàng, xã Thất Hùng (Kinh Môn) đang bước vào vụ thu hoạch. Hàng nghìn gốc cam được trồng gọn gàng theo luống, quả vàng mọng, sai trĩu trịt. Gần vùng trồng cam còn có những vạt ổi rộng với tổng diện tích 19 ha của 2 thôn cũng đang chuẩn bị đến ngày thu hái. Cách vùng trồng cam, ổi này 2-3 km là đền Cao An Phụ và động Kính Chủ (thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương). Bí thư Đảng ủy xã Thất Hùng Nguyễn Văn Trung tin rằng vùng trồng cam, ổi của địa phương ông hoàn toàn có thể trở thành một địa điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn nếu có sự quan tâm đầu tư đúng hướng.
Theo ông Trung, sau khi dâng hương, chiêm bái ở 2 di tích, chỉ mất khoảng 10 phút đi ô tô xuôi theo đường tỉnh 389 là du khách đã về được vùng trồng cam, ổi. Giao thông từ trung tâm xã vào vùng trồng cam đã được trải bê tông rộng rãi nên ô tô có thể tới tận ruộng. Tại đây, du khách có thể thăm, trải nghiệm quá trình thu hoạch, thưởng thức cam ngay tại vườn và mua về làm quà cho người thân. Năm 2017, qua lời giới thiệu của người dân địa phương, có 4 đoàn khách trong nước và quốc tế sau khi chiêm bái tại đền Cao An Phụ đã tới vùng trồng cam, ổi của xã Thất Hùng tham quan. "Họ tỏ ra rất thích thú và mua rất nhiều cam về làm quà. Điều đó cho thấy vùng trồng cam, ổi này hoàn toàn có thể trở thành một địa điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn", ông Trung nhận định.
Kinh Môn sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch trải nghiệm. Mật độ di tích lịch sử văn hóa ở đây khá dày, mà nổi bật là quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương với cảnh quan thiên tạo kỳ thú và hệ thống các công trình, hang động mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa... Kinh Môn có nhiều sản vật, đặc sản nổi tiếng có thể xây dựng thành các sản phẩm du lịch. Có 4 loại nông sản của địa phương này đã được Tổng Hội Nông nghiệp Việt Nam vinh danh "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam", gồm: nếp cái hoa vàng, sắn dây, hành, tỏi. Những loại nông sản này được trồng ở khắp nơi trong huyện với diện tích lớn. Hiệp hội Nếp cái hoa vàng Kinh Môn có trụ sở bán và giới thiệu sản phẩm ở xã An Phụ. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số doanh nghiệp, cơ sở chế biến, kinh doanh sản phẩm sắn dây, hành, tỏi đen ở các xã Thượng Quận, Hiệp Sơn, Hiệp An, An Phụ, Quang Trung...
Kinh Môn có trang trại đà điểu nuôi khoảng 2.000 con, vùng khai thác rươi ở đảo Ngọc (thị trấn Minh Tân), trang trại nuôi chim trĩ, chim công ở xã Long Xuyên, mô hình nuôi ba ba ở các xã Thăng Long, Quang Trung, Lạc Long, khu nuôi cá lồng ở xã Minh Hòa. Một số hộ có nhà màng, nhà lưới trồng dưa Nhật, dưa Long Phụng, cà chua, dưa chuột... Ẩm thực ở huyện Kinh Môn cũng rất phong phú với đặc sản dê núi, chả rươi, ốc thuốc và nhiều món ăn mang hương vị đồng quê được chế biến từ cá sông, ếch, ba ba, lươn...
Xây dựng sản phẩm đặc thù theo chuỗi
Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh sản phẩm du lịch tại các di tích ở huyện Kinh Môn còn đơn điệu, nghèo nàn thì việc tận dụng các sản vật, đặc sản sẵn có để kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm sẽ níu chân được du khách thay vì họ chỉ đến dâng hương, chiêm bái xong rồi ra về. Điều quan trọng là huyện, ngành du lịch phải vào cuộc thực sự để mời gọi được các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia khảo sát, bàn giải pháp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù theo chuỗi để hút du khách. Làm sao để sau khi du khách đến tham quan, chiêm bái tại các di tích họ sẽ tiếp tục ở lại tham gia trải nghiệm tại các vùng sản xuất, trang trại, cơ sở chế biến nông sản và thưởng thức sản vật, đặc sản...
Để thực hiện được những việc trên không hề dễ dàng khi việc phát triển du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hạ tầng giao thông, kinh phí, nguồn nhân lực... Do đó, trước khi tính đến những mục tiêu dài hơi, huyện Kinh Môn cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá về những sản vật tại các di tích. Được biết tại di tích đền Cao An Phụ cũng đã bố trí một gian hàng giới thiệu, bày bán một số đặc sản địa phương cho du khách. Hoạt động này cần được tăng cường ở các di tích khác. Anh Phạm Văn Hoàn, hướng dẫn viên một doanh nghiệp lữ hành ở TP Hải Phòng nhiều lần đưa khách tới Kinh Môn cho rằng: "Ngoài việc hình thành các chuỗi cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm, tôi nghĩ huyện Kinh Môn cần dựng biển quảng cáo, chỉ dẫn địa lý và lập thêm trạm thông tin du lịch tại các di tích để tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ thông tin cho du khách về những nơi trong huyện mà họ có thể tham quan, trải nghiệm. Tại các khu vực mà huyện dự kiến hướng khách tới tham quan cũng cần có cửa hàng bán, giới thiệu sản phẩm và nhân viên thuyết minh".
Mục tiêu của huyện Kinh Môn là từng bước đưa du lịch trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng. Muốn thực hiện thành công mục tiêu này, huyện cần sớm có biện pháp cụ thể để đánh thức những tiềm năng, lợi thế sẵn có thành các sản phẩm du lịch.
TIẾN MẠNH