Nông dân Kinh Môn với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo đã tạo ra nhiều sản vật ngon nổi tiếng như hành, tỏi, mủa, nếp cái hoa vàng, sắn dây...
Trưng bày sản phẩm nông sản chủ lực tại động Kính Chủ
Đồng đất Kinh Môn được bao bọc bởi bốn con sông lớn Kinh Thầy, Kinh Môn, Đá Vách và sông Hàn Mấu với những cánh đồng phù sa màu mỡ. Bao đời nay, nông dân Kinh Môn với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo đã tạo ra nhiều sản vật ngon nổi tiếng như hành, tỏi, mủa, nếp cái hoa vàng, sắn dây... Trong đó, sản phẩm hành, tỏi và nếp cái hoa vàng đã được bình chọn Thương hiệu vàng Việt Nam năm 2017.
Sản phẩm đặc trưng
Với trên 6.800 ha đất trồng cây hằng năm, mỗi năm Kinh Môn sản xuất trên 75.600 tấn lúa hàng hóa, trong đó có trên 600 tấn nếp cái hoa vàng. Dưới sự điều hành của Hiệp hội Nếp cái hoa vàng Kinh Môn, sản phẩm nếp cái hoa vàng được chọn lọc, đóng gói đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao. Nhờ đó diện tích và sản lượng nếp cái hoa vàng của huyện ngày càng phát triển.
Thời điểm này, về Kinh Môn dễ dàng bắt gặp những cánh đồng với bạt ngàn màu xanh của hành, tỏi. Không biết tự bao giờ, cây hành, tỏi đã được người dân Kinh Môn đem về trồng trên đồng đất quê hương. Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu, cây hành, tỏi đã bén rễ và phát triển thuận lợi, chất lượng hơn hẳn các nơi khác. Với sản lượng trên 437.000 tấn/năm, hành, tỏi đã trở thành cây trồng làm giàu cho người dân địa phương.
Phát huy hiệu quả vùng đất bãi bồi ven đê, nông dân các xã An Phụ, Thượng Quận, Lạc Long, Hoành Sơn đã phát triển mở rộng trên 350 ha cây sắn dây. Huyện Kinh Môn triển khai sản xuất sắn dây theo quy trình thâm canh đồng bộ, nâng cao năng suất, sản lượng, tăng thu nhập cho người nông dân. Để đáp ứng thị yếu của người tiêu dùng, không ít hộ dân đã đầu tư máy móc làm bột sắn dây, góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho loại cây trồng này.
Đa dạng hóa các mặt hàng
Thực hiện sản xuất đa đạng hóa các mặt hàng nông sản theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, chú trọng phát triển cây trồng có thế mạnh, những năm gần đây, đời sống của người dân xã Thất Hùng được cải thiện đáng kể do giá trị kinh tế mang lại từ khu vực chuyển đổi trồng ổi và cam. Xã có vùng trồng ổi, cam với quy mô 60 ha, trong đó gần 50% diện tích được sản xuất theo quy trình VietGap. Hầu hết sản phẩm ổi và cam Vinh của Thất Hùng đều được các thương lái ký hợp đồng thu mua lâu dài, nên diện tích trồng ổi và cam trong xã ổn định, tạo việc làm và thu nhập khá cho hàng trăm lao động địa phương.
Người dân tham quan khu trưng bày các sản phẩm nông sản chủ lực tại động Kính Chủ
Cùng với các cây hành, tỏi, sắn dây, sản phẩm mỳ gạo của Kinh Môn cũng được người tiêu dùng ưa chuộng. Làng nghề sản xuất mỳ gạo Tống Buồng (xã Thái Thịnh) hiện có 20 cơ sở sản xuất, mỗi ngày đưa ra thị trường 2 tấn mỳ thành phẩm. Nguyên liệu chủ yếu để tạo ra các sợi mỳ là gạo tẻ chất lượng cao. Qua công đoạn sơ chế, gạo được đưa vào máy xay thành bột, tráng thành bánh rồi phơi và thái sợi. Công đoạn cuối cùng cuộn mỳ thành từng nắm nhỏ và phơi khô tự nhiên. Sản phẩm mỳ gạo của làng nghề Tống Buồng bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếm được cảm tình và sự tin tưởng của khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Những năm gần đây, Kinh Môn tập trung từng bước xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực của huyện. Huyện ủy, UBND huyện tích cực chỉ đạo các ban, ngành liên quan đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường quảng bá sản phẩm thông qua hội trợ triển lãm quy mô vùng và quốc gia. Huyện yêu cầu nông dân thực hiện sản xuất theo quy trình khoa học để có sản phẩm đủ tiêu chuẩn tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nhằm giữ vững uy tín của thương hiệu.
... và chùa Nhẫm Dương
Nằm trong các chuỗi hoạt động tổ chức Lễ đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương và công nhận huyện Kinh Môn đạt chuẩn nông thôn mới, từ ngày 6.12, UBND huyện Kinh Môn tổ chức trưng bày các sản phẩm nông sản nổi tiếng của huyện như nếp cái hoa vàng, hành tỏi, sắn dây, cam, ổi… tại trung tâm huyện, cổng tam quan đền Cao An Phụ, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương. Việc trưng bày nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện, mở ra hướng đi mới, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của huyện ngày càng phát triển.
VỊ THỦY