Kinh Môn tái cơ cấu nông nghiệp

26/10/2016 08:09

Mặc dù là huyện có ưu thế lớn trong phát triển sản xuất công nghiệp, nhưng những năm qua Kinh Môn vẫn luôn quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp.



Huyện Kinh Môn xác định hành, tỏi là những cây trồng chủ lực trong vụ đông


Trước yêu cầu mới, huyện đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Phát huy thế mạnh của từng địa phương

Mặc dù mới thực hiện được gần 1 năm, song Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020" của huyện Kinh Môn đã tạo những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Lậm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Duy Tân cho biết: "Theo đề án, Duy Tân là một trong những xã trọng điểm sản xuất lúa nếp cái hoa vàng. Để làm được điều này, chúng tôi đã phân tích những điều kiện thuận lợi về tự nhiên như chất đất, nguồn nước tưới, thị trường, cơ chế hỗ trợ... cho nông dân để họ hiểu và mở rộng diện tích lúa. Vụ mùa này, lúa nếp cái hoa vàng của xã đạt 200 ha, tăng gần 150 ha so với những năm trước".

Đây là năm đầu tiên huyện Kinh Môn xây dựng được hơn 40 vùng lúa tập trung với tổng diện tích 500 ha, quy mô từ 30 ha/vùng trở lên có bao tiêu sản phẩm cho nông dân ở các xã Duy Tân, An Sinh, Hiệp Hòa, Lê Ninh, Thái Sơn, Hiệp An và thị trấn Minh Tân. Khi tham gia mô hình này, nông dân được các Công ty CP: Giống cây trồng Kiên Giang, Đầu tư thương mại Đại Dương, Thương mại Làng Việt (đều ở TP Hải Dương)... hỗ trợ 30% giá giống, 1 triệu đồng/ha cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm cho nông dân. Theo đánh giá ban đầu, việc sản xuất lúa tập trung mang lại nhiều lợi ích như quản lý dịch hại tốt hơn, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước tưới. Đặc biệt, thóc không bị pha tạp nên thường bán được giá cao hơn giống lúa cùng loại nhưng không sản xuất tập trung. Từ đó, lợi nhuận của nông dân ở vùng sản xuất lúa tập trung tăng từ 10-15%.

Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã có xã đưa được cây trồng mới vào sản xuất theo định hướng như mô hình trồng 3 mẫu chanh leo xen gừng ở xã Thượng Quận; củ đậu ở xã Thái Sơn, An Sinh. Bên cạnh đó, trên cơ sở các cây trồng đã có, một số địa phương cũng tập trung tuyên tuyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích cam đường canh, cam Vinh, ổi ở các xã Long Xuyên, Thất Hùng, Hiệp An...

Phát triển bền vững

Giai đoạn 2010-2015, cơ cấu nông nghiệp của huyện Kinh Môn có thay đổi đáng kể. Trong đó, diện tích trồng lúa còn 12.343 ha, giảm 128 ha so với năm 2011. Cơ cấu trà lúa cũng thay đổi theo hướng tăng diện tích trà xuân muộn, mùa sớm và trung lên 90%. Cùng với đó, nông dân chú trọng đưa các giống lúa năng suất, chất lượng, bán được giá như nếp cái hoa vàng, Bắc thơm số 7, BC 15... vào thay cho các giống trước đây. Các loại cây khác như ngô, sắn dây, khoai lang cũng giảm còn 272 ha. Tuy nhiên, diện tích các cây thực phẩm như hành, tỏi, rau xanh, cà chua... lại tăng mạnh.

Trong chăn nuôi, số lượng trâu, bò trên địa bàn huyện giảm mạnh, thay vào đó, nông dân chuyển sang nuôi gia cầm. Mặc dù số lượng lợn trên địa bàn giảm nhưng do ứng dụng tiến bộ khoa học, giống mới trong chăn nuôi nên sản lượng thịt thương phẩm tăng đáng kể. Diện tích thủy sản của huyện cũng tăng lên với các giống cá cho năng suất, chất lượng, bán được giá trên thị trường như cá chép giòn, chim trắng, vược... Toàn huyện có 126 trang trại, trong đó 17 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận.

Mặc dù cơ cấu trong sản xuất đã có chuyển biến tích cực nhưng sản xuất nông nghiệp Kinh Môn vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thường gặp tình trạng "được mùa, mất giá". Năng suất, chất lượng nhiều loại sản phẩm còn thấp, chưa có khả năng cạnh tranh, hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên chưa cao và chưa bền vững. Ông Mai Văn Hòa, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn cho biết: "Với mong muốn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, chúng tôi đã xây dựng Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững huyện Kinh Môn giai đoạn 2016-2020". Trong đó, huyện xác định rõ mục tiêu của đề án, phát huy thế mạnh cây trồng, vật nuôi của từng vùng trên cơ sở đánh giá cụ thể về đặc điểm thổ nhưỡng, nước tưới, giao thông của từng địa phương... Huyện cũng đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân".

Để đạt được kết quả trên của đề án, huyện Kinh Môn xác định đổi mới toàn diện HTX theo Luật HTX năm 2012. Phát triển mạnh gia trại, trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp có cơ hội đầu tư trên địa bàn huyện. Phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị thông qua hợp đồng kinh tế với nông dân. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích nhân dân đẩy mạnh  cơ giới hóa trong trồng trọt, bảo quản, chế biến nông sản.

THANH HÀ

Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Kinh Môn thì  khu nam An Phụ sẽ phát triển lúa nếp cái hoa vàng, sắn dây, hành, tỏi; hình thành và phát triển chăn nuôi tập trung tại các xã Thăng Long và Quang Trung. Khu bắc và khu Tam Lưu, bên cạnh việc phát triển trồng lúa đặc sản, huyện còn xây dựng vùng rau chuyên canh rộng từ 300-500 ha; phát triển thủy sản ở các vùng đất trũng cũng như chăn nuôi và duy trì vườn cây ăn quả cam, ổi... Khu Nhị Chiểu chủ yếu phát triển nếp cái hoa vàng và nuôi thủy sản, phát triển gia trại... Huyện phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 200 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm; tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, mang lại giá trị cao...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh Môn tái cơ cấu nông nghiệp