Thị xã Kinh Môn đã thực hiện nhiều biện pháp để quản lý các loại khoáng sản tốt hơn, tránh để lãng phí.
UBND phường Tân Dân dùng dây thép gai chắn lối đi lên mỏ tây bắc núi Cúc Tiên
Những năm gần đây, thị xã Kinh Môn đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp để quản lý khai thác các loại khoáng sản, từng bước khắc phục tình trạng lãng phí, khai thác không đúng mục đích.
Cơ sở tích cực vào cuộc
Xí nghiệp Công nghiệp xây dựng số I (phường Minh Tân) được UBND tỉnh cho phép khai thác đất sét làm vật liệu xây dựng tại phía tây bắc núi Cúc Tiên (phường Tân Dân) trong thời gian 5 năm. Sau khi giấy phép hết hạn, xí nghiệp này vẫn tiến hành khai thác. Vì vậy, UBND phường Tân Dân (trước đây là UBND xã Tân Dân) đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu xí nghiệp ngừng khai thác và thực hiện thủ tục gia hạn. Sau một thời gian ngừng hoạt động, tháng 9.2017, đơn vị này lại cho máy móc vào khai thác mỏ. UBND phường Tân Dân cũng đã yêu cầu đơn vị dừng khai thác theo quy định. Thế nhưng đến tháng 2.2019, xí nghiệp lại cho máy móc khai thác đất đồi vào ban đêm.
"Sau nhiều lần địa phương nhắc nhở, ngày 10.8.2019, Xí nghiệp Công nghiệp xây dựng số I có văn bản xin đóng cửa mỏ. Trong thời gian đơn vị làm thủ tục đóng cửa, phường đã chăng dây thép gai đường lên núi, không cho người dân cũng như xí nghiệp vào khai thác tài nguyên trong khu vực này", ông Cao Văn Hậu, Chủ tịch UBND phường Tân Dân cho biết.
Cũng tại phường Tân Dân, đầu năm 2020, trong quá trình làm đường đi lên mỏ Kim Trà, do thừa một số đất đồi, Công ty TNHH Phú Tân đã tận dụng chở về nhà máy để làm chất phụ gia sản xuất. Khi phát hiện sự việc, UBND phường đã yêu cầu doanh nghiệp dừng ngay việc vận chuyển đất.
Không chỉ phát hiện, ngăn chặn vi phạm, các phường, xã còn chủ động giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. Ông Trần Hồng Túc, Chủ tịch UBND phường Duy Tân cho biết: "Sau khi Công ty Xi măng Phúc Sơn phản ánh có người san lấp mặt bằng, trồng cây ở khu vực núi Nhẫm Dương thuộc nơi doanh nghiệp được cấp quyền khai thác, chúng tôi đã yêu cầu người dân nhổ bỏ, tháo dỡ hàng rào".
Ngoài sự tích cực, chủ động vào cuộc của các phường, xã, thị xã đã chú trọng kiểm tra, xử lý khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của thị xã đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 4 trường hợp khai thác cát trái phép, xử phạt 1 trường hợp với số tiền 30 triệu đồng.
Dần đi vào nền nếp
So với những địa phương khác, Kinh Môn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều loại khoáng sản như đá, đất cao lanh, đá phiến sét... Những năm trước đây, việc quản lý khoáng sản ở đây có lúc chưa tốt; doanh nghiệp khai thác nhưng không có giấy phép, khai thác quá giấy phép hoặc khai thác xong nhưng không hoàn thổ...
Để khắc phục tình trạng đó, thị xã Kinh Môn đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh thực hiện nhiều biện pháp quản lý. Ông Nguyễn Văn Đảo, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Kinh Môn cho biết hằng năm, phòng đều quan tâm tuyên truyền, phổ biến các quy định về khai thác khoáng sản; phối hợp kiểm tra giấy phép hoạt động của các đơn vị; cử cán bộ kiểm tra thực địa để phát hiện vi phạm. Khi người dân, tổ chức có ý kiến về khai thác khoáng sản không đúng quy định, thị xã đều trực tiếp giải quyết hoặc đề nghị các đơn vị liên quan kịp thời giải quyết các vướng mắc.
Ý thức thực hiện pháp luật về khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đã có những chuyển biến rõ rệt. Ông Đoàn Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty CP Khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương cho biết: "Doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản tại các mỏ Tân Sơn, Hàm Long, Phúc Sơn, Áng Dâu, Áng Rong, Áng Bắc và Bắc Tân Sơn. Cuối năm nay, công ty sẽ làm thủ tục đóng cửa 5 mỏ do hết thời hạn và hết trữ lượng được phép khai thác. Trong quá trình khai thác, công ty luôn tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý khoáng sản, khai thác đúng trữ lượng được cấp phép, đúng thời gian, bảo vệ môi trường, an toàn lao động. Với những mỏ khai thác xong, công ty đều hoàn thổ theo quy định".
Thời gian tới, thị xã Kinh Môn yêu cầu các phường, xã tiếp tục rà soát, tổng hợp lại các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, xác định cụ thể các mỏ có hoặc chưa có trong quy hoạch, các khu vực có khả năng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Đề nghị các chủ đầu tư dự án mỏ khai thác làm vật liệu xây dựng khai báo về tình trạng của các mỏ... Trên cơ sở đó, thị xã tiếp tục có các biện pháp để tăng cường quản lý việc khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn.
THANH HÀ