Huyện Kinh Môn chú trọng sắp xếp cán bộ, sớm ổn định các vị trí để bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả sau sáp nhập.
Nếu không sắp xếp được cán bộ làm việc ngay tại các xã, phường mới sáp nhập thì huyện sẽ bố trí sang các phường, xã khác còn thiếu biên chế. Trong ảnh: Công chức xã Quang Trung tiếp công dân
Cùng với đẩy nhanh tiến độ sáp nhập các đơn vị hành chính để thuận lợi cho việc thành lập thị xã, huyện Kinh Môn còn chú trọng sắp xếp cán bộ, sớm ổn định các vị trí để bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả sau sáp nhập.
Chưa cần thiết, vẫn sáp nhập
Trong quá trình xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn, UBND huyện Kinh Môn đã tiến hành rà soát các đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn trong huyện. Mặc dù các xã Phạm Mệnh, Thái Sơn, Phúc Thành và Quang Trung không nằm trong diện phải sắp xếp lại các đơn vị hành chính giai đoạn1 (2019-2021) theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do cả 2 tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên chưa đạt 50%, song huyện vẫn phối hợp với các sở, ngành liên quan chủ động xây dựng phương án sáp nhập 4 xã trên. Việc sáp nhập các xã sẽ thuận lợi khi lập đề án, lộ trình các bước sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp với các nghị quyết của cấp trên và tiến tới Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Các đơn vị hành chính trên được sắp xếp trên cơ sở bảo đảm sự đồng nhất về các yếu tố: truyền thống, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư... Đồng thời góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Cụ thể huyện sẽ tổ chức sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Thái Sơn và xã Phạm Mệnh để thành lập đơn vị hành chính mới là phường Phạm Thái. Phường Phạm Thái sẽ có diện tích tự nhiên trên 9,7 km2 và dân số 10.322 người. Xã Quang Thành được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của các xã Phúc Thành, Quang Trung. Xã Quang Thành có diện tích 11,4 km2, dân số tự nhiên 11.097 người.
Việc sáp nhập các xã và thành lập phường Phạm Thái nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của cử tri các xã trên (có từ 96% số cử tri trở lên tham gia bỏ phiếu đồng ý việc sáp nhập xã và thành lập phường).
Chủ động sắp xếp cán bộ
Việc sáp nhập các xã sẽ tác động đến tư tưởng của cán bộ công chức, viên chức ở nơi sáp nhập. Bởi khi đó một bộ phận cán bộ sẽ được lựa chọn tiếp tục công tác, một số sẽ được điều chuyển vị trí khác hoặc phải tinh giản biên chế. Một trong những vấn đề được huyện Kinh Môn quan tâm sau sáp nhập là việc bố trí, sắp xếp cán bộ, nhân sự thế nào cho hợp lý và giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách đối với những người không được làm việc trong bộ máy. Ông Trương Đức San, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Kinh Môn cho biết: "Theo Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 12.3.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì sau 5 năm kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực, số lượng lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị hành chính mới bảo đảm theo đúng quy định. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, huyện đã xây dựng các phương án nhân sự trình cấp có thẩm quyền phê duyệt".
Xã Quang Trung đang có 21 cán bộ, các xã Phúc Thành, Phạm Mệnh mỗi nơi có 19 cán bộ và xã Thái Sơn có 18 cán bộ. Khi sáp nhập, xã Quang Thành sẽ có 40 cán bộ. Trong khi đó, số cán bộ được giao là 23 người, sẽ dư thừa 17 người. Tương tự, phường Phạm Thái có 37 cán bộ. Số cán bộ được giao là 23 người, sẽ thừa 14 người, trong đó có 5 cán bộ hợp đồng.
Để giải quyết số cán bộ, nhân viên dôi dư, UBND huyện Kinh Môn đang thực hiện đồng bộ nhiều phương án. Đó là động viên các đồng chí có đủ điều kiện nghỉ chế độ theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP ngày 9.3.2015 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ và Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20.11.2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Qua tìm hiểu, sẽ có từ 4-6 người của xã Quang Thành nghỉ theo các chế độ này. Trong 3 năm đầu sau sáp nhập, xã Quang Thành và phường Phạm Thái đều có 2 phó bí thư thường trực, 2 phó chủ tịch HĐND, 2 phó chủ tịch UBND. Huyện Kinh Môn cũng xây dựng phương án, nếu không bố trí, sắp xếp được cán bộ làm việc ngay tại các xã, phường mới sáp nhập thì sẽ bố trí sang các phường, xã khác còn thiếu biên chế hoặc xem xét điều chuyển về các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc huyện. Đối với 5 cán bộ hợp đồng của phường Phạm Thái, trong trường hợp không chuyển được đến các phường, xã còn thiếu thì sẽ chấm dứt hợp đồng.
Một trong những khó khăn lớn nhất của huyện Kinh Môn hiện nay là việc bố trí hợp lý các vị trí cho người đứng đầu 5 tổ chức chính trị- xã hội. Theo đó, sau khi sáp nhập sẽ có 10 người đứng đầu các tổ chức này ở mỗi phường, xã; sẽ dư 5 người. Huyện đang bố trí vị trí việc làm cho phù hợp.
Với việc chủ động vào cuộc, huyện Kinh Môn sẽ sớm bố trí, sắp xếp hợp lý các vị trí, bảo đảm bộ máy chính quyền ở những xã, phường mới sáp nhập hoạt động hiệu quả nhất.
NGỌC THỦY