Xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung là biện pháp tốt nhất nhằm giải quyết triệt để lượng rác thải sinh hoạt phát sinh của thị xã Kinh Môn.
Lượng rác thải sinh hoạt của thị xã Kinh Môn rất lớn nhưng chủ yếu mới chỉ chôn lấp tập trung
Việc thành lập thị xã Kinh Môn đã và đang tạo áp lực xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) cho khu vực đô thị. Trong tương lai không xa, công tác xử lý RTSH ở Kinh Môn không thể dừng ở việc chôn lấp tạm thời mà phải hướng đến các mô hình xử lý bền vững.
Hết quỹ đất
Thị xã Kinh Môn hiện có 23 đơn vị hành chính gồm 14phường và 9 xã. Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng RTSH phát sinh hằng ngày khá lớn trong khi công nghệ xử lý lạc hậu khiến địa phương phải đối mặt với bài toán nan giải.
Phường An Lưu được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số thị trấn Kinh Môn. Phường là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của thị xã nên lượng RTSH phát sinh hằng ngày tương đối lớn.
Hằng ngày, RTSH được tổ thu gom vận chuyển, tập kết tại bãi rác tập trung của phường. Trước đây, một lò đốt rác quy mô nhỏ đã được xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả nên rác vẫn được đổ thành từng đống lớn rồi đốt, phát sinh mùi khó chịu, người dân bức xúc.
“Chúng tôi vẫn chưa tìm ra biện pháp nào khác vì phường không còn quỹ đất để bố trí bãi rác xa khu dân cư hoặc xây lò đốt bảo đảm quy chuẩn môi trường”, ông Đặng Văn Đức, Chủ tịch UBND phường An Lưu chia sẻ.
Cùng chung cảnh này, phường Hiệp Sơn cũng đang gặp khó khăn trong xử lý RTSH phát sinh hằng ngày. Ông Trần Văn Chương, Chủ tịch UBND phường Hiệp Sơn cho biết phường hiện có 2 bãi chôn lấp RTSH ở các khu dân cư (KDC) Hiệp Thượng và An Cường.
Bãi chôn lấp ở KDC Hiệp Thượng đã quá tải. Mỗi ngày, lượng RTSH phát sinh trên địa bàn khoảng 30 tấn. Nếu không tiếp tục tận dụng bãi chôn lấp ở KDC Hiệp Thượng thì chỉ vài năm nữa phường sẽ không còn nơi chứa rác.
“Xây dựng nhà máy xử lý tập trung rất cần thiết trong bối cảnh quỹ đất cho xây dựng bãi rác của phường không còn. Xử lý rác bằng hình thức chôn lấp hay đốt cũng không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay nữa”, ông Chương nói.
Bãi rác ở khu dân cư Hiệp Thượng, phường Hiệp Sơn đã đầy nhưng vẫn phải tiếp nhận rác
Chưa có hướng đi cụ thể
Mỗi ngày, thị xã Kinh Môn phát sinh khoảng 130 tấn RTSH các loại. Khoảng 85% lượng rác đã được thu gom, vận chuyển, chôn lấp tập trung. Phần lớn bãi rác đã được lấp đầy khoảng 60%. Nhiều bãi đã lấp đầy trên 90% nhưng chưa thể quy hoạch mở rộng vì không thể tìm được vị trí phù hợp. Chôn lấp tại các bãi rác tập trung tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Ông Nguyễn Văn Đảo, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Kinh Môn cho biết việc quy hoạch bãi chôn lấp RTSH, xây dựng và hoàn thiện các bãi chôn lấp theo quy hoạch được UBND thị xã chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, do quỹ đất có hạn, vị trí quy hoạch phải bảo đảm tiêu chuẩn và xin ý kiến thẩm định của các sở, ngành nên việc xây dựng khu xử lý chất thải tập trung của thị xã chưa thực hiện được.
Trong khi đó, việc xây dựng, bố trí điểm chôn lấp rác ở các phường, xã hiện còn nhỏ lẻ. Các bãi chôn lấp thường nằm cạnh đường giao thông chính, không bảo đảm khoảng cách tới KDC, quy trình vận hành chưa đúng với hướng dẫn nên hiệu quả xử lý thấp, chưa phù hợp với xu thế tái chế, tái sử dụng hiện nay.
Trước thực trạng đó, xây dựng khu xử lý rác thải chung của thị xã hoặc theo cụm là rất cần thiết, góp phần giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do RTSH gây ra. Thị xã đang xem xét, lựa chọn xây dựng khu xử lý RTSH tập trung tại phường Duy Tân.
Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ xây dựng khu liên hợp xử lý RTSH tại TP Chí Linh để xử lý RTSH, chất thải rắn công nghiệp, y tế, nông nghiệp, xây dựng cho TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn và huyện Nam Sách.
Dù vậy, do nhiều nguyên nhân, khu liên hợp này vẫn chưa được thực hiện. Không biết đến bao giờ RTSH trên địa bàn thị xã mới được xử lý theo hướng hiện đại, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Đảo cho biết thêm, các cơ quan chuyên môn đang tham mưu, đề xuất với UBND thị xã lựa chọn vị trí và công nghệ phù hợp để xây dựng khu xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch đã được duyệt.
Việc xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung là biện pháp tốt nhất nhằm giải quyết triệt để, bền vững lượng RTSH phát sinh trên địa bàn, bảo đảm môi trường sống trong lành cho người dân.
VỊ THỦY