Để bảo đảm an ninh lương thực, tránh những ''bờ xôi, ruộng mật'' bị sử dụng vào mục đích khác, thị xã Kinh Môn đã có những giải pháp thiết thực bảo vệ diện tích đất nông nghiệp cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao.
Kinh Môn sẽ tiếp tục phát triển vùng cây ăn quả gồm cam, thanh long, ổi ở phường Thất Hùng và xã Bạch Đằng
Đất lúa giảm dần
Ngày 25.11.2020, UBND tỉnh quyết định thu hồi (đợt 1) 1.205 m2 đất tại phường Minh Tân cho Công ty TNHH một thành viên Tiến Hoàng thuê thực hiện dự án sơ chế kinh doanh than và vật liệu xây dựng. UBND tỉnh cũng cho phép chuyển mục đích sử dụng 16.416 m2 đất (gồm các loại đất công ty đã có trước đó), trong đó có 10.328 m2 đất trồng lúa, 4.289 m2 đất thủy sản, còn lại là đất giao thông, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp để thực hiện dự án này cũng như xây dựng công trình công cộng. Như vậy, trong diện tích đất để thực hiện dự án của Công ty TNHH một thành viên Tiến Hoàng, đất nông nghiệp chiếm đến 89%.
Dự án cầu Dinh kết nối thị xã Kinh Môn với huyện Thủy Nguyên được TP Hải Phòng phê duyệt từ tháng 10.2019, có tổng kinh phí 269 tỷ đồng. Để thực hiện các hạng mục liên quan đến công trình, thị xã thu hồi 25.000 m2 đất của nhiều tổ chức, cá nhân ở các phường Thái Thịnh, An Lưu, trong đó có 8.000 m2 đất trồng lúa.
Những năm gần đây, diện mạo phường An Phụ đã có nhiều thay đổi. Để có được điều đó, năm 2018, UBND tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư dự án khu dân cư (KDC) mới An Phụ rộng trên 90.500 m2 và KDC Đông An Phụ rộng 112.000 m2. Ngoài 2 dự án KDC trên, phường An Phụ cũng quy hoạch một số điểm dân cư nhỏ lẻ khác làm nơi giãn dân. UBND tỉnh đã quyết định thành lập cụm công nghiệp (CCN) An Phụ với diện tích gần 50 ha. Qua khảo sát, phần lớn diện tích đất xây dựng các KDC, CCN ở phường An Phụ là đất nông nghiệp.
Theo thống kê, từ năm 2015-2021, Kinh Môn dành 374 ha đất cho phát triển CCN, 281 ha đất quy hoạch KDC, điểm giãn dân. Bên cạnh đó, thị xã dành nhiều diện tích đất cho phát triển công nghiệp ngoài CCN, giao thông, công trình công cộng...
Quy hoạch phù hợp
Trước thực trạng đất nông nghiệp ngày càng giảm dần và nhận thấy vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, thị xã Kinh Môn xác định diện tích đất lúa năng suất, chất lượng cần giữ ổn định, lâu dài. Theo thống kê, thị xã hiện có trên 10.000 ha đất nông nghiệp. Kinh Môn xác định diện tích đất cần giữ ổn định, lâu dài là 7.376 ha (gồm 3.989 ha đất lúa, 589,5 ha trồng cây hằng năm, trên 1.169 ha trồng cây lâu năm, còn lại là đất thuỷ sản và đất lâm nghiệp). Như vậy, trong những năm tới, thị xã sẽ chuyển trên 2.624 ha sang các mục đích phát triển công nghiệp, giao thông, đô thị... Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã cho biết: "Khi dịch Covid-19 tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thì càng thấy vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp. Đó là việc bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân trong mọi hoàn cảnh. Thậm chí, nếu công nghiệp bị ảnh hưởng, người dân không có việc làm thì có thể quay trở lại sản xuất nông nghiệp".
Cùng việc xác định diện tích đất nông nghiệp, năng suất, chất lượng, Kinh Môn đã có quy hoạch phù hợp trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng. Trong đó, nếp cái hoa vàng tiếp tục được gieo cấy ở các phường, xã An Phụ, Hiệp An, Hiến Thành, Long Xuyên, An Sinh, Phạm Thái, Hoành Sơn, Duy Tân. Rau màu tập trung tại Hiến Thành, Thái Thịnh, Hiệp An, Long Xuyên, Thượng Quận, An Phụ, Phạm Thái, An Sinh. Các phường, xã Thất Hùng, Lê Ninh, Bạch Đằng phát triển cam, ổi, thanh long. Thị xã xây dựng vùng rươi, cáy, lúa hữu cơ chất lượng cao kết hợp du lịch sinh thái tại Phú Thứ, Hiến Thành, Minh Tân...
Để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, những năm tới, thị xã Kinh Môn tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung sản xuất nông nghiệp quy mô lớn để đưa cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng nông sản, có sức cạnh tranh phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu. Thị xã phấn đấu trong 5 năm tới có ít nhất 1 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 3 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, 6 chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm...
Bạch Đằng có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp với vùng trồng thanh long mang lại hiệu quả, chất lượng cao. Ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Địa phương sẽ giữ đất nông nghiệp ổn định ở mức 423 ha gồm trên 242 ha đất trồng lúa, 77 ha trồng cây lâu năm... Năm 2020, giá trị sản xuất 1 ha đất nông nghiệp của xã đạt 325 triệu đồng, tăng 40 triệu đồng so với năm 2019. Nhưng năm tới, khi cây thanh long cho thu hoạch nhiều hơn, giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương sẽ tiếp tục tăng cao.
Với những định hướng cụ thể, rõ ràng, chắc chắn diện tích đất nông nghiệp năng suất, chất lượng của Kinh Môn sẽ được bảo vệ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn được bền vững.
THANH HÀ