Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là người văn võ song toàn, được trọng dụng qua 4 đời vua Trần.
Các đồng chí lãnh đạo thị xã Kinh Môn dâng hương tưởng niệm 722 năm ngày mất Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn
Chiều 15.9 (20 tháng 8 âm lịch), tại đền Cao An Phụ (thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương), thị xã Kinh Môn tổ chức dâng hương tưởng niệm tưởng niệm 722 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (20.8.1300 - 20.8.2022 âm lịch).
Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, là con trai của An Sinh vương Trần Liễu. Từ nhỏ, Trần Quốc Tuấn đã nổi tiếng là người có dung mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, văn võ song toàn. Qua 4 đời vua Trần, ông đều được trọng dụng, để tiếng thơm lưu truyền, hậu thế tôn vinh, thờ phụng. Sau 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, giữ gìn non sông bền vững, ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý 1300, ông mất tại phủ đệ Vạn Kiếp. Triều đình tiến phong "Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công nhân vũ Hưng Đạo Đại vương"; nhân dân Đại Việt suy tôn ông là "Đức Thánh Trần cửu thiên vũ đế", lập đền thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của người đối với non sông, đất nước.
Tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trên núi An Phụ
Ngày 5.10.1993, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt phiến đá đầu tiên tại nơi xây dựng tượng đài Đại vương đã khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta quyết định xây dựng tượng đài của vị Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn tại đây, trên núi An Phụ, gần nơi an nghỉ của An Sinh vương Trần Liễu, một địa điểm không xa Vạn Kiếp và sông Bạch Đằng”.
Tượng đài Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được tạc bằng đá xanh, cao 12,7 m. Tượng ở thế đứng, tay trái tì đốc kiếm, biểu hiện sự cảnh giác trước họa xâm lăng. Tay phải cầm cuốn thư, thể hiện tầm nhìn chiến lược, văn võ song toàn. Chân dung quắc thước nhân hậu, thể hiện tinh thần anh dũng, hướng nhìn về phía Đông, nhắc nhở các thế hệ mai sau phải cảnh giác và tự tin, giữ lấy biển trời cùng giang sơn. Bên cạnh tượng đài là bức tranh truyện khổng lồ, kể về cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện chống Nguyên Mông đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập kỷ lục năm 2013.
Vị trí đặt tượng Đại vương thấp hơn đền thờ An Sinh vương Trần Liễu và tiến về phía trước, phù hợp với luân thường đạo lý dân tộc: Cha đứng trên, con đứng dưới và tiến lên phía trước, vị trí còn tạo nên sự ấm cúng, thiêng liêng thể hiện sự trung hiếu của một gia đình truyền thống Việt Nam.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, khu di tích đền Cao An Phụ đón gần 5 vạn lượt khách đến dâng hương, hành lễ.
BẢO THANH