Năm 2015 sẽ là một dấu mốc lịch sử khi Kinh Môn lên thị xã. Người Kinh Môn đặt vào mốc son tuyệt đẹp ấy biết bao kỳ vọng, niềm tin về một sự đổi đời.
Kinh Môn có địa thế, tài nguyên thuận lợi cho phát triển công nghiệp
Từ huyện vùng xa ...Năm 1960, khi tôi cầm quyết định về công tác ở Kinh Môn có người bạn "xui" đổi quyết định chứ "Kinh Môn xa xôi, toàn núi rừng, vắng vẻ, buồn lắm". Nhiều người cùng có khái niệm ấy và thực tế cũng đúng như vậy. Ở Kinh Môn sông ngòi chằng chịt. Sông bao quanh sông. Nào là sông Kinh Thầy, sông Kinh Môn, sông Đá Vách với hàng chục sông nhánh chỉ có trên thực tế mang tên làng, tên xã mà chưa đủ tiêu chuẩn ghi trên bản đồ của tỉnh. Có khu vực sông bao quanh tạo nên hòn đảo như 5 xã khu Nhị Chiểu. Sông ảnh hưởng lớn đến việc đi lại. Muốn qua sông thì phải có đò. Từ quốc lộ 5 vào Kinh Môn dứt khoát phải "lụy" đò Thái, đò Tuần Mây hay đò Thượng Quận, đò Nống. Muốn sang huyện Thuỷ Nguyên phải "lụy" đò Dinh, đò Ba Ngả, muốn sang Quảng Ninh phải "lụy" đò Triều, đò Hạ Chiểu... Đấy là những đò lớn có tên tuổi, nếu tính cả huyện thì có tới 27 bến đò. Mà đã đò giang sông nước thì đừng nói mạnh, sợ lắm. Không những thế nhiều sông thì cũng hay lụt lội. Cả huyện có tới 88 km đê mà người dân hằng năm phải bảo vệ để chống lũ lụt.
Tuy vậy nét nổi bật của Kinh Môn phải là núi rừng. Cả tỉnh Hải Dương chỉ có hai nơi có núi rừng là Chí Linh và Kinh Môn. Kinh Môn có cả núi đất và núi đá vôi. Dãy An Phụ chạy dọc huyện theo hướng tây bắc - đông nam với hàng trăm quả đồi gối vào nhau như bát úp. Cao nhất là đỉnh An Phụ 246m, nhiều hôm mây phủ trắng làm cho núi bạc đầu. Núi đá có ở 6 xã hiểm trở bởi vách đá tai mèo và vô số hang động. Có những hang động nổi tiếng như động Kính Chủ (xã Phạm Mệnh), động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít (xã Minh Tân), hang Thánh Hóa (xã Duy Tân), hang Chùa Mộ (xã Tân Dân)... và hàng trăm hang lớn nhỏ khác. Có núi ắt phải có đèo để con người qua lại. Những con đèo nổi tiếng như đèo Mông, đèo Vù, đèo Nẻo, đèo Ngựa, đèo Gai... đã làm ngao ngán lòng người hàng ngàn năm về trước. Leo đèo lội suối đâu phải chuyện đùa. Đã có đồi núi ắt phải có rừng. Có hiểm trở, rậm rạp thì giữa thế kỷ 14 (đời nhà Trần), Ngô Bệ mới chọn núi An Phụ làm căn cứ địa để khởi binh và Đốc Tít mới chọn vùng núi đá Tử Lạc làm nơi chỉ huy khởi nghĩa chống Pháp vào cuối thế kỷ 19.
Chính núi rừng và sông suối, hồ đầm nói trên tạo cho giao thông Kinh Môn rất nhiều khó khăn và kém phát triển. Cách đây 55 năm, cả huyện chỉ có đường 186 là quốc lộ và hai đường 188, 189 là tỉnh lộ, nhưng đường vẫn nhỏ, trải nhựa từ lâu, hư hỏng nặng. Ngoài ra có 24 km đường huyện đều là đường đất hoặc trải đá dăm. Liên xã thường là đường mòn do dân tự đi lại mà thành. Giao thông kém thì kinh tế làm sao phát triển. Vì thế toàn huyện vẫn lấy nông nghiệp làm kế sinh nhai. Địa hình chia làm ba nấc: cao, vàn, trũng nên trồng lúa khá vất vả mà năng suất vẫn thấp. 18 trong tổng số 25 xã, thị trấn có đồi núi nên ruộng đất hẹp, manh mún, gần như không có những cánh đồng cò bay mỏi cánh. Núi đất thì trọc vì rừng núi bị tàn phá, những vạt sắn nham nhở xuất hiện bên những vạt cây dại, cỏ hoang trông xa như tấm áo vá khổng lồ của người nghèo. Phố huyện lèo tèo lại phải nhập với huyện Kim Thành, cơ quan huyện chuyển sang Phú Thái nên từ năm 1979 đến 1997, phố huyện Kinh Môn thành "phế tích". Đường vắng, chợ búa lèo tèo.
... thành huyện công nghiệpTừ một huyện thuộc vùng sâu vùng xa, Kinh Môn bước vào công nghiệp hóa trước hết phải nói là nhờ thiên nhiên ưu ái cho rất nhiều khoáng sản. Đầu tiên phải nói đến là đá vôi. Những quả núi đá vôi nằm nối nhau thành từng dãy, trùng điệp ở 6 xã, đặc biệt là 5 xã khu Nhị Chiểu có trữ lượng ước tính tới 300 triệu tấn đá vôi là nguồn nguyên liệu chính để làm ra xi-măng. Bên cạnh đó còn có đá silic mà xi-măng không thể thiếu nó. Những quả núi đá vôi này lại nằm ngay trên bờ các sông lớn: sông Kinh Thầy và Đá Vách, thật vô cùng tiện lợi cho khai thác sản xuất và chuyên chở. Kinh Môn còn có quặng boxit mà ngành sản xuất nhôm và đá mài không thể thiếu. Đặc biệt là cao lanh - một thứ đất sét trắng có nhiều ở thôn Tử Lạc. Cao lanh Kinh Môn là nguyên liệu quyết định của các nhà máy gốm sứ. Kinh Môn còn nguồn cát đen, cát trắng và đất đồi. Có loại dùng làm đường. Có loại dùng sản xuất bê-tông, dùng trong xây dựng...
Thị trấn Kinh Môn phát triển nhanh
Chính vì thế cách đây hơn nửa thế kỷ, một số cơ sở công nghiệp đã ra đời. Năm 1958, mỏ đá vôi Thống Nhất được thành lập ở xã Phú Thứ. Mặc dù hàng chục năm vẫn khai thác kiểu sản xuất nhỏ, máy móc không hiện đại nhưng đã làm cho tư duy những nông dân ở đây bước đầu có nhận thức mới. Cùng năm ấy, mỏ cao lanh ở Tử Lạc được thành lập do Bộ Công nghiệp nặng quản lý, với gần 500 công nhân và cán bộ, kỹ sư. Cũng vào những năm ấy Xí nghiệp vôi của Ty Kiến trúc cũng đặt ở bờ sông Đá Vách thuộc xã Phú Thứ. 6 khẩu lò gồm 12 lò sừng sững mọc lên và tỏa khói. Không khí làm việc của xí nghiệp thật sôi động. Ô-tô chở đá đến, thuyền chở vôi đi tấp nập ngày đêm. Nhớ rằng những năm ấy, vôi là yếu tố rất quan trọng trong xây dựng vì xi-măng hiếm và quý như vàng.
Khi đất nước đã thống nhất, ngày 19-5-1977, Nhà máy Xi-măng Hoàng Thạch được khởi công xây dựng trên đất thôn Tử Lạc xa xôi và heo hút. Hàng vạn công nhân khắp nơi đổ về đây. Chuyên gia Đan Mạch có cả hàng trăm người cũng về đây. Xe lớn xe bé, máy lớn máy nhỏ, cả khu Bích Nhôi, Tử Lạc bừng lên trong không khí sôi động công nghiệp. Ngày 15-1-1984, mẻ xi-măng Hoàng Thạch đầu tiên ra đời. Chín năm sau dây chuyền 2 của Xi-măng Hoàng Thạch được khởi công xây dựng với công suất 3.300 tấn/ngày. Hoàng Thạch trở thành nhà máy xi-măng hiện đại nhất Đông Nam Á. Rồi năm 1996, Nhà máy Xi-măng Duyên Linh (xã Duy Tân) cũng đưa dây chuyền mới vào sản xuất, nâng công suất lên 249 tấn/ngày. Xi-măng gọi xi-măng, từ khi mở cửa, hàng chục công ty xi-măng tư nhân được phép sản xuất. Chưa hết, gần đây trên cánh đồng thôn Vạn Chánh (xã Phú Thứ), nhà máy xi-măng đồ sộ của Công ty Xi-măng Phúc Sơn mọc ngay trên bờ sông Đá Vách. Kinh Môn thành trung tâm xi-măng của cả nước. Rồi Nhà máy Thép Hòa Phát mọc lên trên đất Hiệp Sơn, nhà máy giầy da ở Hiệp An, nhà máy bê-tông dự ứng lực trên đất Long Xuyên... đều đã bước vào sản xuất. Rồi đây một nhà máy nhiệt điện lớn sẽ ra đời trên đất 3 xã Phúc Thành, Quang Trung, Lê Ninh... Công nghiệp phát triển thì giao thông mở mang. Năm 2003 đường 388 nối từ quốc lộ 5 (Phú Thái) đi Mạo Khê được khởi công. Đường mới, rộng cho 2 làn xe xuôi ngược. Những ô-tô tải cỡ lớn rầm rập chở máy móc, nguyên liệu cho khu công nghiệp Minh Tân và Mạo Khê. Hai cây cầu lớn: cầu Hiệp Sơn bắc qua sông Kinh Thầy và cầu Đá Vách qua sông Đá Vách (còn gọi là Đá Bạc, Đá Bạch). Trước đó, năm 2000 đã thông xe cầu An Thái qua sông Kinh Môn nối Kinh Môn với Kim Thành và quốc lộ 5. Cả một hệ thống từ đường tỉnh, đường huyện đến đường liên xã được nâng cấp, trải nhựa hoặc đổ bê-tông.
Nhờ có công nghiệp và giao thông phát triển làm cho kinh tế phát triển. Thị tứ ra đời. Thị trấn An Lưu được mang tên là thị trấn Kinh Môn năm 2004 cùng với việc thành lập hai thị trấn mới là Phú Thứ và Minh Tân. Mầm mống đô thị xuất hiện. Vì thế việc Kinh Môn phát triển lên thị xã là điều tất yếu.
Chuyển mình lên thị xãNgay từ năm 2012, cái tin đến năm 2015 Kinh Môn trở thành thị xã đã lan ra toàn huyện. Vui mừng, háo hức cũng nhiều nhưng không ít người dân phân vân. Huyện thành thị xã, làng thành phố, xã lên phường thì người dân được gì? Thế nhưng mọi người lại tin rằng với tầm nhìn của Trung ương, của tỉnh, chắc chắn khi huyện lên thị xã chỉ có hơn lên về mọi mặt chứ không thể kém đi. Và việc đô thị hóa nông thôn là bước đi tất yếu của lịch sử.
Nguồn tin đã thành sự thật. Các văn bản của Trung ương, của tỉnh, của huyện liên tục được ban hành để triển khai thực hiện. Cả tỉnh, cả huyện bắt tay vào thực hiện nâng cấp Kinh Môn thành thị xã, với kế hoạch chia làm 3 giai đoạn: 2012-2015, 2016-2020 và 2021-2030. Trước mắt phấn đấu nâng cấp thị trấn Kinh Môn mở rộng lên đô thị loại IV để làm lõi cốt cho thị xã Kinh Môn. Điều này vừa đạt được cuối năm 2014. Thị trấn Kinh Môn mở rộng gồm 3 thị trấn: Kinh Môn (An Lưu cũ), Phú Thứ và Minh Tân, có diện tích 25,37 km2, dân số năm 2013 là 32.215 người. Nơi đây đã hình thành tổ hợp công nghiệp sản xuất xi-măng, thép, vật liệu xây dựng... mà giá trị sản xuất chiếm trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kinh Môn là một trong 3 cụm đô thị là động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Theo chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt thì từ nay đến năm 2030 đô thị Kinh Môn cần 5.943 tỷ đồng để đầu tư phát triển nâng cấp lên đô thị loại III. Nguồn ngân sách ấy gồm ngân sách đầu tư của trung ương, của tỉnh, của huyện và một phần nhỏ của xã hội hóa. Vượt qua những khó khăn, phát huy thế mạnh sẵn có với sự lãnh đạo của tỉnh, cả hệ thống chính trị và toàn dân Kinh Môn đã vào cuộc để đưa huyện miền núi nghèo khó ngày nào vững bước đi lên.
VĂN DUY