Phát huy truyền thống “Kính lão đắc thọ”, “Kính già, già để tuổi cho”, thời gian qua Hải Dương đã có nhiều chính sách tăng phúc lợi cho người cao tuổi, giúp họ sống an vui lúc tuổi già.
Kính lão, trọng thọ
Ở Hải Dương, mỗi dịp đầu năm mới, phong trào chúc thọ, mừng thọ lại được nhiều địa phương, dòng họ trong tỉnh triển khai, tạo không khí vui tươi, phấn khởi không chỉ cho người cao tuổi mà còn lan tỏa lối sống tích cực đến nhiều người.
Anh Nguyễn Văn Quý ở thôn Phương Khê, xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện) tự hào khoe quê hương mình có nhiều người tuổi cao. Riêng năm 2024, thôn Phương Khê có 2 cụ tròn 100 tuổi được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi thiếp mừng. Anh Quý cho biết: “Quê tôi vẫn duy trì tục lên lão được tổ chức vào mùng 6 tháng giêng hằng năm. Lễ lên lão ở Phương Khê không chỉ là dịp nhớ ơn Thành hoàng làng Vũ Vị Phủ mà còn là lúc để tôn vinh những người cao tuổi của địa phương. Từ tục lên lão, nhiều gia đình răn dậy con cháu kính trọng người già. Người trẻ chúng tôi được tiếp nhận lối sống và bí quyết trường thọ của nhiều người cao tuổi trong thôn”.
Mùa xuân này, cụ Phạm Thị Lứu ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc) tròn 105 tuổi. Mùng 2 Tết con cháu sum vầy đông đủ, cụ phấn khởi mùng tuổi cho cháu, chắt. Anh Nguyễn Đức Hạnh, con trai cụ Lứu chia sẻ: “Mẹ tôi thường dạy con cháu phải luôn biết kính già, yêu trẻ. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, mẹ thường nhắc chúng tôi không chỉ đến chúc Tết các bậc cao niên trong dòng họ mà còn quan tâm, thăm hỏi và tặng quà nhiều cụ già trong làng, nhất là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”.
Truyền thống "Kính lão đắc thọ" luôn được duy trì trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Theo nhà sử học Tăng Bá Hoành, xưa kia khi làng có hội hoặc có sự kiện lớn thì ở giữa đình thường trải chiếu hoa để mời các cụ cao tuổi họp bàn hoặc ngồi ăn cỗ. Xưa các cụ cao tuổi được gọi là "quan lão". Các quan lão được xếp theo thứ tự từ cao đến thấp. Nhiều làng quê xưa còn có phong tục tặng ruộng lão. Làng thường trích ra mười hai phần ruộng, mỗi phần hai sào, trong đám "nhất đẳng điền" (ruộng tốt nhất) để tặng 12 vị lão làng. Người được tặng ruộng lão, nhất là ruộng lão bậc cao thì không những gia đình mà cả họ hàng, xóm giềng vui mừng nể trọng. Người xưa cũng quan niệm kính trọng, chăm sóc người già để họ sống thọ thì con cháu sẽ được hưởng phúc phần.
Năm nay, Hải Dương có hơn 40.000 người 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên được tổ chức chúc thọ, mừng thọ, trong đó có 332 người tròn 100 tuổi. Ngay từ đầu xuân mới, nhiều người cao tuổi của tỉnh đã nhận được thiếp chúc mừng của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Bà Nguyễn Thị Mừng ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) năm nay tròn 80 tuổi phấn khởi khi vừa được địa phương tổ chức mừng thọ: “Gần đây, tỉnh có nhiều chính sách quan tâm đến người cao tuổi. Nhận được sự chăm lo này, chúng tôi nhận thấy càng phải có trách nhiệm, sống mẫu mực làm gương cho con cháu”.
Tăng phúc lợi
Hải Dương là một trong những tỉnh có số người cao tuổi đứng vào tốp đầu cả nước với hơn 340.000 người, chiếm khoảng 18% số dân, cao hơn trung bình cả nước (cả nước 12%). Với số lượng người cao tuổi đông đảo nên thời gian qua tỉnh đã có nhiều chính sách, huy động nhiều nguồn lực chăm lo đời sống người cao tuổi.
Trong tổng số 41 nghị quyết được HĐND tỉnh khóa XVII thông qua tại Kỳ họp thứ 19 cuối năm 2023 có không ít chính sách an sinh dành cho người cao tuổi, trong đó phải kể đến chương trình hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi. Từ ngày 1/1/2024, người từ đủ 77 đến dưới 80 tuổi ở Hải Dương được hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm.
Mức quà tặng mừng thọ, chúc thọ nhân Ngày Quốc tế người cao tuổi trong năm 2024 cũng đã được HĐND tỉnh điều chỉnh tăng lên so với năm 2023. Hải Dương cũng là một trong số ít tỉnh, thành phố dùng ngân sách nhà nước để tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi theo chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trước đó, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết 01 tăng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng người cao tuổi được trợ cấp hằng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên mức 380.000 đồng/người/tháng.
Ông Phạm Quang Sản, Phó Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh khẳng định những chính sách trên chính là tấm “nệm hơi” giúp người cao tuổi của Hải Dương có cuộc sống tốt hơn ở tuổi xế chiều. Tại nhiều địa phương, hoạt động chăm lo cho người cao tuổi đã được triển khai. Người cao tuổi được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của người cao tuổi được thành lập ở hầu khắp các địa phương.
Chăm lo cho người cao tuổi là trách nhiệm của toàn xã hội, tại Hải Dương truyền thống này tiếp tục được duy trì và đã được xác định là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của nhiều địa phương.
BẢO ANH