Kinh doanh nước sạch nông thôn còn tự phát

29/10/2012 09:40

Tỉnh cần hoàn thiện quy hoạch chi tiết, đồng thời phân cấp quản lý cụ thể trong đầu tư thực hiện quy hoạch nhằm hạn chế những bất cập...



Hầu hết các nhà máy nước sạch tập trung đều tự lấy mẫu để gửi đi kiểm tra


Nhiều nhà đầu tư


Từ đầu năm đến nay, từ vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh ta có hàng loạt trạm cấp nước sạch tập trung (NSTT) mới được hoàn thành, đưa tổng số lên hơn 50 trạm đang hoạt động. Hầu hết các trạm đều cấp NSTT liên xã như các trạm An Thanh - Tứ Xuyên (Tứ Kỳ), Lê Lợi - Yết Kiêu (Gia Lộc), Cổ Bì - Nhân Quyền (Bình Giang), Thái Tân - Minh Tân (Nam Sách), Quyết Thắng - Nghĩa An (Ninh Giang)... Nhiều trạm đã nâng cấp, mở rộng hoạt động sang các địa bàn liền kề như trạm cấp NSTT xã Hưng Đạo, Kỳ Sơn (Tứ Kỳ), Cổ Dũng (Kim Thành)... Hiện nay còn 10 công trình cấp nước sạch tại 14 xã khác trong tỉnh đang được đồng loạt thi công, dự kiến đưa vào sử dụng trong quý II - 2013.

 Năm qua, Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương tập trung nâng công suất các nhà máy sản xuất nước sạch, mở rộng mạng lưới theo quy hoạch phát triển của tỉnh, thực hiện cấp nước theo chuỗi, theo vùng. Công ty đã đầu tư nâng cấp công suất các nhà máy nước sạch ở thị trấn của các huyện Thanh Miện, Gia Lộc, Thanh Hà và trạm Minh Tân, Phú Thứ (Kinh Môn), chuẩn bị nâng cấp nhà máy nước Việt Hòa (TP Hải Dương), xây dựng các nhà máy tại thị xã Chí Linh, xã Tây Kỳ (Tứ Kỳ)... để mở rộng cấp nước sạch sang các khu vực nông thôn lân cận. Xí nghiệp Nước sạch Ninh Giang mở rộng mạng lưới đường ống, nâng áp lực cấp nước sạch cho 6 xã Hiệp Lực, Đồng Tâm, Hồng Dụ, Hồng Thái, Vĩnh Hòa, Ninh Thành. Từ giữa năm nay, dự án xây dựng hệ thống cấp NSTT liên xã: Đoàn Thượng - Thống Kênh - Toàn Thắng - Hoàng Diệu - Hồng Hưng - Liên Hồng (Gia Lộc) - Dân Chủ (Tứ Kỳ) đã được triển khai thi công...

Hiện nay, trong tỉnh đã xuất hiện một số mô hình tư nhân tự đầu tư xây dựng nhà máy cấp NSTT ở nông thôn.  



Nhà máy Nước sạch tập trung Nam Đồng - Ái Quốc (TP Hải Dương)
 thực hiện chế độ xả cặn đáy bể xử lý



Bất cập nảy sinh    

Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, Quy hoạch cấp nước nông thôn tỉnh giai đoạn từ năm 2015 và đến năm 2020 đã được rà soát, điều chỉnh phù hợp với mục tiêu mới. Tuy nhiên, việc kéo đường ống cấp nước liên xã đang hình thành tự phát. Một số tư nhân sau khi nhận thầu của chính quyền cấp xã đã tự ý kéo đường ống cấp nước sang các khu vực lân cận. Tại nhà máy, họ tự ý thay máy bơm có công suất cao hơn để đẩy nước đi xa, nhưng hệ thống xử lý nước mặt thành nước sạch thường ít được đầu tư cải tạo và nâng cấp cho phù hợp. Điển hình như Nhà máy NSTT Hưng Đạo (Tứ Kỳ) từ quy mô 1 xã (dưới 2.000 hộ) nay đã nâng cấp để cấp nước cho 5 xã, với khoảng 7.500 hộ và 15 doanh nghiệp. Điểm cấp nước xa nhất cách nhà máy khoảng 8 km. Có nơi còn thực hiện "quy trình" tiết kiệm dung dịch sát khuẩn Cl để giảm giá thành sản xuất...

Cũng do cạnh tranh để giành thị trường, quy hoạch một số dự án đã bị phá vỡ trong quá trình thi công. Nhà máy NSTT xã Yết Kiêu (Gia Lộc) xây dựng xong mới phát hiện bị mất khách hàng thôn Buộm do nhà máy NSTT Trùng Khánh kế bên đã "nhảy dù" vào. Nhà máy NSTT Nam Đồng - Ái Quốc đang lo phải dỡ đường ống chính vào 3 thôn phía đông của xã Ái Quốc (thuộc quy mô dự án được duyệt) cũng vì bị nhà máy cấp nước cho khu công nghiệp Nam Sách "đánh" sang... Theo một số người trong cuộc, việc tự ý "bành trướng" nêu trên chủ yếu do các chủ đầu tư muốn huy động vốn qua đóng góp ban đầu của người đăng ký mua nước (thường từ  1,7 - 3 triệu đồng/hộ), trong khi một cụm đồng hồ hoàn thiện thường chỉ khoảng 1 triệu đồng.

Một hạn chế khác bộc lộ trong quản lý, vận hành, quản lý chất lượng sản phẩm. Do hoạt động liên xã, các nhà máy NSTT đều được nâng công suất, số lượng đường ống cấp nước nhiều và trải trên địa bàn rộng, nhưng lực lượng lao động đều yếu và thiếu. Ở các nhà máy có nguồn gốc chủ đầu tư là chính quyền xã, đa số công nhân chưa học bài bản qua các lớp chuyên môn. Một số nhà máy tư nhân, công nhân phần nhiều là người nhà của chủ nhà máy, thậm chí là những người lớn tuổi, đã nghỉ hưu... Việc quản lý chỉ theo kinh nghiệm và vận dụng tình cảm của khách hàng là anh em "trong họ, ngoài làng" để giám sát hệ thống, phát hiện sự cố trên các tuyến đường ống. Việc xử lý nước chỉ thực hiện áng chừng... Hiện tại, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế huyện chỉ kiểm tra định kỳ đôi ba lần trong năm. Việc kiểm tra chất lượng nước hằng tháng chủ yếu do các nhà máy tự lấy mẫu mang lên các phòng thí nghiệm chuyên ngành.

Nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cần hoàn thiện quy hoạch chi tiết, đồng thời phân cấp quản lý cụ thể trong đầu tư thực hiện quy hoạch nhằm hạn chế những bất cập. Cần tránh việc cải tạo, nâng cấp tự phát một số nhà máy NSTT đang "đắp chiếu", khai thác chưa hiệu quả... thành mô hình cấp NSTT liên xã kém chất lượng hoặc chỉ nhằm huy động vốn kéo đường ống từ người dân. Trong quản lý, vận hành kỹ thuật, khai thác công trình cần có quy trình kỹ thuật thống nhất. Bên cạnh đó cần tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và thực hiện hiệu quả các hoạt động cấp nước sạch, bảo vệ môi trường.

TRANG LÂM

(0) Bình luận
Kinh doanh nước sạch nông thôn còn tự phát