Kim Thành tập trung khai thác hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững

21/07/2010 06:05

Nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng bộ và nhân dân huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH, giải quyết có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội... góp phần xây dựng Kim Thành phát triển trên nhiều lĩnh vực.


Sản xuất công nghiệp, xây dựng hiện chiếm 37,35% tổng giá trị sản phẩm của huyện Kim Thành. Ảnh: Thành Chung


Trong nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Thành đã phát huy tiềm năng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội... góp phần xây dựng huyện Kim Thành phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng giá trị ngành nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ đạt 33,35% - 37,35% - 29,6%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10,94%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 12 triệu đồng/người/năm, tăng 5,4 triệu đồng so với năm 2005. Lĩnh vực nông nghiệp có sự phát triển tương đối toàn diện. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,66%/năm. Huyện thực hiện chủ trương giảm diện tích lúa, tăng diện tích trồng màu, chú trọng chuyển đổi cơ cấu trà, vụ, cơ cấu giống cây trồng như tăng nhanh diện tích cấy lúa lai, lúa chất lượng cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung thâm canh, chuyên canh có sự gắn kết với thị trường. Điển hình là các mô hình thâm canh rau màu tập trung ở các xã Đồng Gia, Tam Kỳ, Kim Tân... Huyện đã chuyển 310 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang lập vườn trồng cây ăn quả. Triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án trong chăn nuôi theo hướng tăng mạnh đàn bò thịt, đẩy nhanh việc phát triển kinh tế trang trại. Toàn huyện hiện có 107 trang trại, tăng 101 trang trại so với năm 2005. Cơ bản hoàn thành dự án cải tạo và đưa vào sử dụng khu nuôi trồng thủy sản tập trung ở 2 xã Tam Kỳ và Đại Đức. Nhờ đó, sản lượng thủy sản tăng 82% so với năm 2005. Mở rộng các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 74%, tuốt lúa 95%, chủ động tưới tiêu 70% diện tích, hơn 98% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt gần 57 triệu đồng, vượt gần 10 triệu đồng so với mục tiêu đề ra. Với nhiều giải pháp tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, quy hoạch và hình thành khu, cụm công nghiệp mới nên lĩnh vực công nghiệp của huyện tăng trưởng mạnh. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hơn 16%/năm. Đến nay, toàn huyện có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp, 11 điểm công nghiệp. Tổng vốn đầu tư ước đạt 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 40%; số dự án tăng gần 50%; thu hút hơn 9.600 lao động, tăng gần 24% so với năm 2005. Toàn huyện có trên 3.000 cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực cơ khí, đóng mới phương tiện vận tải thủy... Hầu hết các hạng mục công trình xây dựng trọng điểm đề ra trong nhiệm kỳ cơ bản đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư hơn 213 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho phát triển nông nghiệp hơn 56 tỷ đồng, phát triển giao thông nông thôn 39 tỷ đồng, giáo dục - đào tạo hơn 58 tỷ đồng... Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, đặc biệt là dịch vụ vận tải, bưu chính - viễn thông. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng bình quân gần 15 %/năm.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Hệ thống các trường học trong huyện được quan tâm đầu tư cả về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Thành tích thi học sinh giỏi tỉnh, kết quả học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng của huyện hằng năm luôn xếp trong tốp đầu của tỉnh. Một số chỉ tiêu tăng khá như: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT, bổ túc THPT, dạy nghề đạt 80%, tăng 17%; tỷ lệ phòng học kiên cố của huyện đạt hơn 80%, tăng 11% so với năm 2005; tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 40,2%, vượt so với mục tiêu đề ra. Mạng lưới y tế từ huyện tới cơ sở được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, đẩy mạnh phong trào xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế. Đến nay, đã có 19 trong tổng số 21 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tăng 13 xã so với năm 2005. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 17,9%, giảm hơn 6%; tỷ suất sinh thô hằng năm giảm 0,3%0. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa phát triển mạnh. Toàn huyện có 60,5% số làng, khu dân cư văn hóa, 84% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, vượt chỉ tiêu đề ra. Các thiết chế văn hóa được xây dựng tương đối đồng bộ, xây dựng nông thôn mới gắn với quản lý đầu tư xây dựng, quản lý hoạt động lễ hội. Đến nay, đã có 90% số thôn có nhà văn hóa, 96,5% số thôn có sân thể thao và điểm vui chơi, 15 xã có sân vận động trung tâm, 70% số thôn có tủ sách. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được đẩy mạnh. Toàn huyện có hơn 22% số dân tham gia luyện tập thể dục, thể thao. Công tác giảm nghèo, giải quyết chính sách xã hội, giải quyết việc làm có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 7,5%, bình quân giảm 2%/năm. Hằng năm tạo việc làm mới cho 1.700 lao động. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng trong cộng đồng xã hội. Từ cuộc vận động xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác… Phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh đi vào nền nếp và thực chất hơn. Số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh hằng năm đạt hơn 70%, không còn tổ chức cơ sở đảng yếu kém toàn diện. Số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt trên 75%. Công tác tổ chức cán bộ, đào tạo cán bộ được quan tâm. Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện đề án “một cửa”, “một cửa liên thông”… đạt nhiều kết quả tiến bộ, góp phần nâng cao hiệu lực điều hành của chính quyền các cấp. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt công tác…

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Kim Thành tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, phát triển nông nghiệp chất lượng gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao lên trên 60% tổng diện tích lúa, tăng diện tích cây màu ở cả 3 vụ. Hoàn thành và triển khai dự án vùng sản xuất rau quả sạch, an toàn ở xã Tam Kỳ, vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa ở các xã khu C. Mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh lên hơn 50 ha ở các xã như Cộng Hòa, Kim Đính, thị trấn Phú Thái… Tiếp tục hỗ trợ lãi suất vốn vay để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang trại tập trung, kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái. Phấn đấu đến năm 2015, đạt giá trị sản xuất bình quân hơn 82 triệu đồng/ha đất nông nghiệp; 20% số xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư, ưu tiên nhóm ngành sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Phát triển thêm 1 cụm công nghiệp mới. Phát triển đa ngành dịch vụ, chú trọng tiêu thụ nông sản thực phẩm của địa phương. Từng bước phát triển khu đô thị mới ở thị trấn Phú Thái, xây dựng thêm 2 thị trấn mới là Cộng Hòa và Đồng Gia. Hoàn thành khu Trung tâm Thương mại Đầm Chợ (thị trấn Phú Thái) và các chợ đầu mối ở các xã Cộng Hòa, Đồng Gia. Đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa phòng học và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho nhân dân ở các địa phương chuyển đổi đất cho phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh chương trình xuất khẩu lao động. Tích cực hỗ trợ về điều kiện sản xuất, giống, vốn, nâng cao kiến thức để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,8-2,5%/năm.

Với truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Thành vững tin bước vào nhiệm kỳ mới 2010-2015 với quyết tâm tận dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng huyện Kim Thành phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo sự thay đổi toàn diện.

Một số mục tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 (dự kiến)


- Cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ đến năm 2015: 21,24% - 43,57% - 35,19%.
- Thu nhập bình quân đầu người vào năm 2015: 26,08 triệu đồng.
- Thu ngân sách trên địa bàn hằng năm tăng 10% trở lên.
- Mỗi năm tạo việc làm mới 2.000 - 2.500 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghề đạt 60% vào năm 2015
- 100% số phòng học kiên cố cao tầng, 50% số trường mầm non, 85% số trường tiểu học, 45% số trường THCS, 2 trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
- 100% số xã có bác sĩ công tác.
- 100% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh; 100  số xã, thị trấn có sân vận động trung tâm; 100% số thôn, khu dân cư có nhà văn hóa.
- Hằng năm có 70% số tổ chức cơ sở đảng trở lên; 75% số chính quyền trở lên đạt trong sạch, vững mạnh.

ĐỖ HUY THỂ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kim Thành

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kim Thành tập trung khai thác hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững