Việc phát triển mạnh mô hình kinh tế trang trại ở Kim Thành đã góp phần tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xa khu dân cư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
|
Trang trại nuôi ba ba của gia đình ông Nguyễn Văn Cạnh (xã Phúc Thành) mỗi năm thu lãi 600-700 triệu đồng
|
Về thăm trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Cạnh ở thôn Dưỡng Thái Trung, xã Phúc Thành (Kim Thành), chúng tôi rất khâm phục sự táo bạo và chí làm giàu của người nông dân này.
Trang trại của ông Cạnh được quy hoạch khá bài bản: những ao nuôi ba ba được kè bờ, rào lưới B40. Xen giữa là những bán đảo nhỏ được kết hợp để trồng cây cảnh và cây ăn quả. Dọc những con đường rộng 3-4 mét chạy theo ô bàn cờ, những hàng cau vua gần chục năm tuổi đang vươn mình trong nắng sớm. Ông Cạnh hiện có 2 trang trại: 1 trang trại rộng 8.000 m2, một trang trại rộng gần 6,5 ha. Ở trang trại gần 6,5 ha, ông có 3.500 m2 mặt nước dành để nuôi ba ba. Ông phân chia ba ba ra các ao tùy theo lứa tuổi, trọng lượng và tỷ lệ con đực, con cái để phù hợp với khả năng sinh sản của chúng. Mọi việc từ nghiền thức ăn, xử lý môi trường nước đều được cơ giới hóa. Trang trại 8.000 m2 cũng dành để nuôi ba ba. Ước tính mỗi năm, các trang trại của ông xuất ra thị trường khoảng 4-5 tấn ba ba thương phẩm, thu lãi 600-700 triệu đồng. Theo giá thị trường, hiện nay, hai trang trại của ông ước tính trị giá hơn 40 tỷ đồng. Nhìn cơ ngơi của ông Cạnh ngày nay, thật khó có thể tưởng tượng ông đã từng một thời khốn đốn vì con ba ba. Ông vào nghề nuôi ba ba từ năm 1994 với 200 m2 diện tích mặt nước. Những năm 2002 và 2003 trong cả nước xảy ra dịch bệnh lạ trên đàn ba ba, cướp đi cơ nghiệp của không biết bao nhiêu người nông dân, trong đó có ông. Năm 2004, khi dịch ba ba đã bớt hoành hành, ông lại thế chấp toàn bộ tài sản để vay mượn tái đầu tư vào con ba ba. Cũng chính trong năm 2004, với sự giúp đỡ trực tiếp của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Kim Ngân, ông đã được cấp phép xây dựng trang trại mới trên quy mô gần 6,5 ha. Sự táo bạo, ý chí quyết tâm làm giàu của ông đã được đền đáp bằng thành quả hôm nay.
Rời trang trại của ông Cạnh, chúng tôi tới thăm trang trại của gia đình ông Trần Thanh Thao ở thôn Đồng Mỹ, xã Kim Anh. Đây là trang trại duy nhất ở Kim Thành chỉ chuyên nuôi lợn. Trang trại của ông Thao được xây dựng từ năm 2004 với tổng diện tích 4.500 m2, trong đó có 2.000 m2 chuồng trại. Lúc mới hình thành, trang trại của ông chỉ có 4 con lợn nái ngoại sinh sản nhưng đến nay số lợn nái ngoại đã tăng lên 50 con. Toàn bộ lợn con sinh ra được giữ lại nuôi làm lợn thương phẩm. Bởi vậy, trong trang trại của gia đình ông luôn có từ 350 đến 400 con lợn thịt. Lợn được nuôi trong lồng sàn, nguồn nước ăn cho lợn đều là nước máy được lọc sạch, thức ăn sạch và tiêm phòng đầy đủ. Hiện tại, trang trại của gia đình ông tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, gia đình ông Thao xuất ra thị trường khoảng hơn 80 tấn thịt lợn hơi. Năm 2010, trừ chi phí gia đình ông thu lãi 350 triệu đồng.
Gia đình ông Cạnh và ông Thao chỉ là hai trong số nhiều điển hình của huyện Kim Thành trong phát triển kinh tế trang trại. Ông Phạm Viết Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành cho biết: Những năm trước, tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp huyện chậm chủ yếu do tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá thịt gia súc, gia cầm, thủy sản thương phẩm thấp, dịch bệnh phát triển, đặc biệt là dịch tai xanh ảnh hưởng tới tâm lý người chăn nuôi. Trong các năm 2007-2008, đàn lợn của huyện giảm rõ rệt, nhất là đàn lợn nái. Năm 2008, tổng đàn lợn nái của toàn huyện chỉ còn hơn 12 nghìn con, giảm 41% so với năm 2006. Các trang trại phát triển chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa có sự trợ giúp của huyện; công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng cho các trang trại chưa được quan tâm. Do vậy, từ năm 2000 đến năm 2006, toàn huyện chỉ có 6 trang trại được hình thành. Từ năm 2006 đến năm 2008, huyện chỉ phát triển thêm được 6 trang trại nữa. Năm 2009, UBND huyện đã triển khai dự án “Khôi phục đàn lợn nái và phát triển trang trại trong hai năm 2009, 2010”. Theo đó, huyện đã tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật nuôi lợn nái, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt, cách xây dựng ao nuôi thủy sản và lập vườn trồng cây ăn quả… Hàng loạt biện pháp chỉ đạo, khuyến khích phát triển chăn nuôi được huyện triển khai. Năm 2009 và 2010, huyện có chính sách hỗ trợ 100 nghìn đồng cho mỗi con lợn nái mới được nhân giống. Huyện cũng hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng cho các chủ trang trại đạt tiêu chí được huyện cấp giấy chứng nhận trang trại. Tổng kinh phí hỗ trợ của huyện cho phát triển đàn lợn nái và phát triển trang trại trong 2 năm gần 550 triệu đồng. Đây thực sự là một “cú hích” đối với kinh tế trang trại ở huyện Kim Thành. Chỉ trong vòng 2 năm triển khai thực hiện dự án, toàn huyện đã phát triển thêm 105 trang trại mới.
Việc phát triển mạnh mô hình kinh tế trang trại ở Kim Thành đã góp phần tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xa khu dân cư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
MAI LIÊN