Bác Nguyễn Ngọc Quý, Chủ nhiệm HTX Nước sạch xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) vẫn miệt mài với công việc có nhiều ý nghĩa - đưa nước sạch về nông thôn.
Trong sản xuất, kinh doanh, bác Quý luôn quan tâm đến chất lượng nước cung ứng cho nhân dân
Mặc dù tuổi cao nhưng với phẩm chất người lính Cụ Hồ, bác Nguyễn Ngọc Quý, Chủ nhiệm HTX Nước sạch xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) vẫn miệt mài với công việc có nhiều ý nghĩa - đưa nước sạch về nông thôn.
Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ngọc Quý năm nay 72 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, tinh tường, mọi cử chỉ và hành động đều rất dứt khoát. Bác Quý từng có 10 năm làm y sĩ tại Trung đoàn 2, Tỉnh đội Hải Hưng. Năm 1973, bác rời quân ngũ về công tác trong ngành lương thực huyện Tứ Lộc, sau đó chuyển tới làm việc ở Công ty Xuất nhập khẩu Hải Hưng, trước khi nghỉ hưu năm 1991. Về quê, bác Quý làm nhà thầu xây dựng, chuyên thi công đường sá, cầu cống. Năm 2003, xã Kỳ Sơn được đầu tư xây dựng trạm cấp nước sạch tập trung với kinh phí 1,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí, 40% vốn còn lại xã phải đầu tư đối ứng. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương hạn hẹp nên UBND xã Kỳ Sơn đã phải kêu gọi các cá nhân có điều kiện tham gia đầu tư công trình. Lúc bấy giờ kinh tế của các gia đình trong xã đa phần còn khó khăn nên mặc dù chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, mời gọi trong suốt một thời gian dài nhưng không ai dám đứng ra đầu tư. Dự án xây dựng trạm cấp nước sạch xã Kỳ Sơn tưởng chừng đi vào ngõ cụt thì đúng lúc đó, bác Quý đã đứng lên nhận. Bác Quý cho biết, khi đó kinh tế gia đình bác cũng khó khăn lắm. Người nhà, bạn bè đều không đồng tình với quyết định của bác. Không ít người nói bác dại, chắc muốn ôm nợ nên mới dấn thân vào con đường đầu tư nước sạch. Nhưng bác Quý thì nghĩ khác, xã hội ngày càng phát triển, nước sạch sẽ rất cần thiết cho cuộc sống của người dân. Nghĩ sao làm vậy, ngay đầu năm 2003 bác Quý đã mạnh dạn vay ngân hàng và sử dụng nguồn vốn tự có để đầu tư gần 500 triệu đồng góp vốn xây dựng trạm cấp nước sạch Kỳ Sơn. Giai đoạn đầu xây dựng công trình, bác Quý gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc một bộ phận người dân trong xã chưa nhận thức đúng về nước sạch nên đã không cho đào đường thi công đường ống dẫn nước. Nhờ có sự tham gia tuyên truyền, giúp đỡ tích cực của Đảng ủy, chính quyền địa phương nên cuối cùng người dân cũng hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng công trình nước sạch nên đã đồng ý. Tháng 6-2004, trạm cấp nước sạch xã Kỳ Sơn với công suất thiết kế 25 m3/giờ hoàn thành và bắt đầu bơm nước phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với bác Quý lúc này là phần đông các gia đình trong xã vẫn chủ yếu quen sử dụng nước mưa, chưa chuộng dùng nước máy. Do đó, một thời gian khá dài cả xã Kỳ Sơn chỉ có khoảng 20% số hộ dân sử dụng nước máy. Không nản lòng, bác Quý tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Đảng ủy, UBND, các ban, ngành, đoàn thể trong xã để tuyên truyền, giúp người dân trong xã hiểu đúng, hiểu đủ về nước sạch. Vì thế, chỉ khoảng 1-2 năm sau, hầu hết các hộ dân trong xã đều chuyển sang sử dụng nước máy.
Năm 2008, nhu cầu sử dụng nước sạch ở những địa phương lân cận với xã Kỳ Sơn tăng cao, nhất là khi cụm công nghiệp Kỳ Sơn hình thành và đi vào hoạt động thì nhu cầu về nước càng lớn. Thấy đây là cơ hội tốt để mở rộng quy mô sản xuất, bác Quý tiếp tục đầu tư 1,5 tỷ đồng để nâng công suất trạm cấp nước sạch Kỳ Sơn lên 100 m3/giờ, đồng thời mở rộng lắp đặt hệ thống đường ống sang các xã Đại Đồng, Ngọc Sơn. Lợi nhuận hằng năm từ kinh doanh nước sạch mang lại được bác Quý sử dụng để đầu tư nâng cấp hệ thống máy móc, đường ống dẫn nước. Hiện nay, trạm cấp nước sạch Kỳ Sơn là một trong những trạm nước sạch có quy mô lớn ở huyện Tứ Kỳ, công suất 150 m3/giờ. Hệ thống đường ống dẫn nước có hơn 100 km, đưa nước tới hơn 4.000 khách hàng của 3 xã: Kỳ Sơn, Ngọc Sơn và Đại Đồng. Năm 2011, bác Quý tiếp tục góp vốn tham gia xây dựng công trình nhà máy nước sạch xã Tiên Động, công suất thiết kế 30 m3/giờ, tổng kinh phí xây dựng gần 7 tỷ đồng. Theo nguyện vọng của người dân, năm 2013, bác tiếp tục đầu tư 7 tỷ đồng nữa để thi công đường ống dẫn nước sạch từ xã Tiên Động sang xã Phượng Kỳ. Hiện tại, nhà máy nước sạch Tiên Động đang cung cấp nước sạch cho khoảng 1.200 hộ dân thuộc 2 xã này.
Trong sản xuất, kinh doanh, bác Quý luôn quan tâm đến chất lượng nước cung ứng cho nhân dân. Bởi vậy, khu vực trạm cấp nước sạch Kỳ Sơn lúc nào cũng được vệ sinh sạch sẽ từ ngoài cổng. Hệ thống bể lắng, bể lọc, bể chứa đều được quy hoạch gọn gàng, khoa học và được lợp bằng tôn. Trạm cấp nước sạch Kỳ Sơn lấy nguồn nước mặt từ sông Thái Bình, áp dụng công nghệ xử lý nước của Viện Khoa học - Công nghệ cao Hà Nội. Để bảo đảm nguồn nước có chất lượng tốt đến với người sử dụng, bác Quý còn đầu tư mua một máy xét nghiệm nước tại chỗ của Nhật Bản. Nước trước khi được bơm vào hệ thống đường ống, bác đều yêu cầu công nhân kiểm tra mẫu nước, nếu không bảo đảm các thông số theo tiêu chuẩn thì sẽ cho xử lý lại. Đều đặn hằng tháng, bác Quý gửi mẫu nước về Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh để kiểm tra và lần nào cũng được đánh giá cao. Năm 2010, bác Quý vinh dự được đi báo cáo điển hình về quản lý chất lượng nước tại TP Hải Dương do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tổ chức. Bác Quý tâm sự: "Từng làm quân y nên tôi hiểu rõ nước sạch quan trọng thế nào đối với sức khỏe con người. Trong sản xuất, kinh doanh ai cũng mong muốn có được lợi nhuận cao, nhưng nếu vì thế mà mình làm ẩu, làm bừa, không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng thì quả là điều nguy hiểm. Mình làm gì thì cũng phải có tâm, có trách nhiệm, nhất là với bà con nhân dân. Tôi luôn coi đó là kim chỉ nam trong quá trình sản xuất, kinh doanh nước sạch".
BÌNH MINH