Kiên quyết xử lý xe công nông, xe tự chế

18/05/2023 06:02

Những chiếc công nông, xe tự chế… không bảo đảm tiêu chuẩn về kỹ thuật, chở hàng cồng kềnh gây mất an toàn giao thông là hình ảnh có thể gặp hằng ngày trên nhiều tuyến đường.


Đoàn kiểm tra của Ban An toàn giao thông tỉnh kiểm tra phương tiện vi phạm tại TP Chí Linh

Thời gian qua, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã xử lý nghiêm nhiều trường hợp xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh, xe lôi kéo xe khác, vật khác… tham gia giao thông gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Mất an toàn giao thông

Những chiếc xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh, xe lôi kéo xe khác… không bảo đảm tiêu chuẩn về kỹ thuật, chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông là hình ảnh có thể gặp hằng ngày trên nhiều tuyến đường trong tỉnh. Người dân sử dụng những chiếc xe này để chở vật liệu xây dựng, chén bát, nhà rạp phục vụ các đám cưới, hỏi, đám hiếu, chở đồ gỗ như bàn, ghế, giường, tủ… Các loại phương tiện này không được kiểm định, không bảo đảm về điều kiện an toàn kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông. Nhiều xe đã chở hàng cồng kềnh còn luồn lách trên đường, trên phố.

Tại Hải Dương đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe tự chế. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra cuối năm 2021 đã cướp đi sinh mạng của một nam thanh niên mới 22 tuổi. Khoảng 18 giờ ngày 5.12.2021, tại km 14+700 đường tỉnh 394 thuộc địa phận thôn Bá Thuỷ, xã Long Xuyên (Bình Giang), anh Bùi Thái Dương sinh năm 1999 ở xã Đắk Kan, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đi xe máy 82E1-184.67 hướng Gia Lộc - Long Xuyên va chạm với xe lôi tự chế đang đỗ ven đường do chị Đoàn Thị Huệ, sinh năm 1972 ở xã Thống Nhất (Gia Lộc) đi xe máy 34L1-1689 kéo. Sau đó anh Dương ngã văng ra đường thì bị xe ô tô 34C-202.48 do anh Nguyễn Văn Ngọc, sinh năm 1981 ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) lái đi ngược chiều đâm trúng...

Mặc dù sự nguy hiểm của các phương tiện xe công nông, xe tự chế, xe lôi kéo xe khác đã được cảnh báo rất nhiều nhưng nhiều người vẫn bất chấp quy định cấm sử dụng các phương tiện này vì lợi ích trước mắt. Dùng xe tự chế vận chuyển hàng hóa, vật liệu rẻ hơn so với vận chuyển bằng xe tải...


Hiện trường vụ tai nạn giao thông cuối năm 2021 liên quan đến xe tự chế

Mạnh tay xử lý

Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở Hải Dương đã tăng cường kiểm tra, mạnh tay xử lý xe công nông, xe tự chế với nhiều giải pháp đồng bộ. Tháng 4 vừa qua, Ban An toàn giao thông tỉnh đã triển khai đợt kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đối với xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh, xe lôi kéo xe khác, vật khác, xe hết niên hạn sử dụng, xe chuyên dùng trên địa bàn tỉnh. Ban An toàn giao thông tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại 6 huyện, thị xã, thành phố từ ngày 25 - 27.4. Đoàn kiểm tra đã xử lý 7 trường hợp vi phạm, phạt tiền 15,8 triệu đồng.

Là một trong những đơn vị điển hình, huyện Thanh Miện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm xe tự chế, xe lôi, xe kéo tại địa phương. UBND huyện Thanh Miện đã chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn chủ động vào cuộc, quản lý con người, phương tiện, nâng cao vai trò trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn huyện. Từ tháng 3 đến nay, Thanh Miện đã xử lý 16 trường hợp xe tự chế, xe ba bánh, xe lôi kéo tôn, xe kéo sắt. Riêng đợt cao điểm từ ngày 15.4 đến nay có 8 trường hợp bị Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an huyện Thanh Miện phát hiện, xử lý. Đơn vị đã tịch thu 2 xe công nông, 4 xe ba bánh tự chế, xử phạt 2 chủ xe kéo 14,5 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng công an các xã, thị trấn trong huyện đã yêu cầu 150 tổ chức, cá nhân có xe tự chế, xe 3-4 bánh, xe ô tô hết niên hạn không được sử dụng các loại phương tiện này tham gia giao thông, chủ động chuyển đổi sang các loại phương tiện phù hợp khác được luật cho phép. Cùng với kiên quyết xử lý, Công an huyện Thanh Miện còn tuyên truyền cho các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, cơ sở sản xuất tôn thép… ký cam kết không sử dụng loại phương tiện này.


Cảnh sát giao thông huyện Thanh Miện phát hiện 1 trường hợp xe tự chế lưu thông trên đường

Tại Gia Lộc, từ đầu năm đến nay, Đội Cảnh sát giao thông, trật tự (Công an huyện Gia Lộc) đã phát hiện, xử lý 12 trường hợp xe tự chế, xe lôi, xe kéo. Cùng với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với công an các địa phương thông báo, vận động các cá nhân, tổ chức có xe tự chế không sử dụng các loại phương tiện này, tự tháo dỡ hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác để tránh vi phạm pháp luật. Theo trung tá Phạm Quý Gia, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Gia Lộc, xe tự chế, xe lôi, xe kéo với nhiều "không": không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không đăng ký, đăng kiểm, không tín đèn hiệu, còi, không có gương chiếu hậu… nên khi lưu thông trên đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Để tiến tới hoàn toàn xóa bỏ tình trạng xe tự chế, xe lôi, xe kéo tham gia giao thông, cùng với tăng cường tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền các địa phương và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Trong năm 2022, toàn tỉnh có 353 trường hợp xe tự chế, xe lôi kéo bị xử lý, tổng số tiền xử phạt là 179,5 triệu đồng. Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 4, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 315 trường hợp xe lôi kéo theo xe khác, vật khác, phạt tổng số tiền là 158,7 triệu đồng.

HÀ ĐỖ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiên quyết xử lý xe công nông, xe tự chế