Kiên quyết sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chí

19/04/2019 18:32

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải thực hiện tích cực, bám sát quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận hội nghị

Chiều 19.4, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường kỳ tháng 4 xem xét phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; sắp xếp sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư (KDC) và sửa đổi, bổ sung quy chế về tổ chức và hoạt động của các thôn, KDC do Ban Cán sự đảng UBND tỉnh trình.

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, tỉnh Hải Dương không có đơn vị hành chính cấp huyện phải tiến hành sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021. Toàn tỉnh có 27 trong tổng số 264 đơn vị hành chính cấp xã không đủ 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và quy mô dân số, phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021.

Kết luận về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải thực hiện tích cực, bám sát quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước hết cần rà soát lại kỹ lưỡng đối với 27 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sáp nhập, chú trọng đến tiêu chí dân số, nơi không đáp ứng yêu cầu về tiêu chí dân số sẽ kiên quyết sáp nhập. Về phương án sáp nhập cần linh hoạt, ưu tiên phương án sáp nhập với xã liền kề. Nếu sáp nhập các xã vào thị trấn, phải bảo đảm về tiêu chí về đô thị của thị trấn. Để chuẩn bị cho công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, các huyện cần căn cứ vào yêu cầu thực tiễn đề xuất phương án sáp nhập tối ưu; làm tốt công tác chỉ đạo, lãnh đạo đối với các đơn vị cấp xã thuộc diện phải sáp nhập. Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn sau khi sáp nhập.

Tại cuộc họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng xem xét, nhất trí với phương án sắp xếp sáp nhập, chia tách các thôn, KDC và sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, KDC do Ban Cán sự đảng UBND tỉnh trình. Theo đó, trước khi sắp xếp, toàn tỉnh có 1.469 thôn, KDC. Sau khi sắp xếp, sáp nhập, chia tách để thành lập các thôn, KDC mới, toàn tỉnh sẽ có 1.347 thôn, KDC, giảm 122 thôn, KDC.  

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiên quyết sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chí