Kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu các lô gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24.3

18/04/2020 06:20

Trong thông cáo gửi cơ quan báo chí chiều 17.4, Tổng cục Hải quan cho biết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì cần phải giải quyết cho những lô gạo đang tồn tại cảng chưa xuất được.

Tàu Đức Đạt 6666 chở gạo chờ xuất khẩu, đã neo đậu tại cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang từ ngày 31.3 đến nay, mỗi ngày thiệt hại trên 45.000 USD - Ảnh: BỬU ĐẤU

Theo đó, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Thủ tướng cho phép xuất khẩu các lô hàng gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24.3 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan trong tháng 4.

Theo phản ảnh của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tổng lượng gạo đang được lưu giữ tại khu vực các cửa khẩu là 146.453 tấn, số lượng gạo xuất khẩu sẽ trừ vào hạn ngạch xuất khẩu.

Việc gạo tồn ở cảng sẽ được doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan xác nhận trước khi cho xuất khẩu.

Tổng cục Hải quan kiến nghị Thủ tướng phê duyệt số lượng gạo được phép xuất khẩu, không bao gồm gạo nếp và định hướng lộ trình, tiến độ xuất khẩu; trên cơ sở đó giao Bộ Công thương lựa chọn phương án tối ưu để trình Thủ tướng phê duyệt.

Tổng cục Hải quan đề xuất triển khai một trong các phương án sau:

Phương án 1: Giao Bộ Công thương tổ chức bán đấu giá hạn ngạch xuất khẩu gạo (tương tự như việc đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường đã và đang được Bộ Công thương triển khai), theo đó bộ này công bố công khai hạn ngạch gạo được xuất khẩu và chia thành các gói đấu giá.

Các doanh nghiệp được phép tham gia đấu giá nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại nghị định 107 hoặc đã trúng thầu cung cấp gạo, đã ký hợp đồng và hoàn thành việc giao gạo cho Cục Dự trữ nhà nước khu vực.

Đồng thời, doanh nghiệp phải ký thỏa thuận với tối thiểu 1 hệ thống siêu thị về việc đảm bảo cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu, thì sẽ được giải quyết thủ tục xuất khẩu.

Phương án 2: Giao Bộ Công thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh gạo theo quy định tại nghị định số 107 năm 2018.

Để đảm bảo công khai, minh bạch cũng như cần có thời gian để Tổng cục Hải quan mở lại hệ thống khi ban hành quyết định phân bổ hạn ngạch xuất khẩu, Bộ Công thương cần thống nhất với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) về thời điểm bắt đầu áp dụng để thông báo công khai cho các doanh nghiệp biết và thực hiện.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu các lô gạo đã đưa vào cảng trước ngày 24.3