Đến từng gia đình thu gom những cây đào sau khi gia chủ chơi Tết xong rồi mang bán lại cho các chủ vườn đào, mang lại thu nhập vài trăm nghìn đồng/ngày...
Mỗi ngày chị Phương thu gom được từ 8-10 gốc đào
Sau Tết, khi những cây đào đã xác xơ, các gia đình bỏ đi nên nhiều người đã đi gom lại bán cho các chủ vườn hoặc các chủ vườn tự đi thu gom để trồng lại chuẩn bị cho mùa xuân năm sau.
Vất vả thu gomVốn làm nghề mua gom đồng nát, nhưng 4 năm nay, năm nào cũng vậy, bắt đầu từ mùng 6 Tết, chị Nguyễn Thị Phương, thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên (Gia Lộc) lại rong ruổi đạp xe trên các tuyến đường của TP Hải Dương để thu gom những gốc đào sau Tết, bán lại cho các chủ vườn trồng đào để kiếm thêm thu nhập. Tôi gặp chị khi đang mặc cả mua lại một gốc đào của người dân ở ngõ 73, phố Lê Thanh Nghị, chị cho biết: "Có gốc nhặt được ngoài đường, gốc thì xin được, nhưng có những gốc phải mua. Thường thì mỗi gốc đào mua lại có giá từ 50 - 150 nghìn đồng, tùy vào từng dáng, thế của cây. Sau khi thu gom tôi bán lại cho các chủ vườn đào ở cùng thôn. Trung bình một ngày tôi thu mua được từ 8 - 10 gốc. Thường thì thu gom xác đào sau Tết chỉ kéo dài khoảng 10 ngày, từ 6 đến 15 tháng giêng là kết thúc”. Mỗi năm một mùa thu gom ngắn ngủi như vậy, nhưng được biết chị Phương cũng được lãi từ gần 2 triệu đồng.
Cũng giống như chị Phương, những ngày đầu năm mới, bác Trần Văn Hoài làm nghề lái xe ôm ở ngõ 133, phố Trương Mỹ cũng tranh thủ đi thu gom những gốc đào, quất, sau đó tập kết tại khu vực cầu Cất chờ bán cho những chủ vườn ở Gia Xuyên, Hải Tân và cả Văn Giang (Hưng Yên). "Với nhiều gia đình, đào, quất sau khi chơi Tết xong đều bỏ đi, nhưng với các chủ vườn, nhiều cây đào, cây quất vẫn rất có giá trị", bác Hoài cho biết.
Là người trồng đào nhiều năm tại phường Hải Tân, TP Hải Dương, cứ đến mùng 6 Tết hằng năm là anh Trần Văn Hưng lại một mình một xe đi các ngõ ngách của TP Hải Dương để thu mua lại những gốc đào về cho vườn nhà mình. Anh Hưng cho biết: “Với những người trồng đào, để có được một gốc đào đẹp phải mất rất nhiều thời gian trồng, chăm sóc. Nếu làm theo cách thông thường là chiết cành hoặc nuôi gốc, phải mất từ 2 - 3 năm mới được một cây có dáng, thế. Đi gom những gốc đào mà người dân đã chơi Tết là cách hiệu quả nhất, vừa đỡ tốn thời gian lại giảm chi phí chăm sóc. Nhưng quan trọng là mình phải bỏ công đi tìm. Với gia đình tôi, ngoài những gốc đào cho thuê trong Tết chuyển về trồng lại, thì tôi phải thu mua khá nhiều để bảo đảm phủ kín diện tích 5 sào vườn”. Được biết từ đầu năm đến nay, anh Hưng đã thu mua được gần 100 gốc đào.
Hồi sinh cho những gốc đàoSau thời gian “du xuân” những gốc đào lại quay trở về với vườn. Để hồi sinh cho những cây đào, chuẩn bị cho Tết năm sau, cùng với việc đưa những gốc đào trở lại thì người trồng đào phải bỏ khá nhiều công sức chăm chút cho từng công đoạn, cắt tỉa khôi phục bộ rễ, cải tạo lại đất để mùa xuân năm sau đào lại khoe sắc. Theo anh Hưng, những cây đào sau khi thu gom về, công đoạn đầu tiên là phải làm cho cây tươi trở lại. Mỗi gốc đào sẽ được chăm sóc đặc biệt bằng cách để trong bóng mát, tưới nước liên tục từ 3 - 5 ngày mới hạ xuống đất. Sau khi hạ đất, tưới dưỡng thường xuyên trong vòng 10 - 15 ngày rồi mới tiếp tục bón phân, chăm sóc, tiếp đến là tỉa cành, tạo dáng...
Những ngày này, tại các vườn đào Hải Tân, Gia Xuyên, người dân đang tất bật trồng lại các gốc đào đã chơi sau Tết, chuẩn bị cho một mùa đào mới. Bác Nguyễn Đình Vĩnh, phường Hải Tân cho biết: "Để chuẩn bị cho mùa đào năm sau, chúng tôi phải thuê xe chở đất phù sa về bồi đắp cho vườn. Cây đào sau khi thu gom về được cắt cành; những cây nhỏ thì ghép thêm mắt mới”.
Hoa đào làm nên mùa xuân và chính những người thu gom xác đào, quất sau Tết và những người trồng đào đang hồi sinh cho những gốc đào, gieo mầm cho mùa xuân năm tới.
NGÂN HÀ