Không trông chờ theo kiểu "lộc trời", ông Hoàng Xuân Giang (42 tuổi, Hải Phòng) tự mày mò kỹ thuật và ương nuôi thành công rươi giống giúp kiếm tiền tỉ.
Sau nhiều lần thất bại với không ít lời gièm pha, đến nay ông Giang đã có thu nhập hàng tỉ đồng từ việc bán rươi giống cho người dân tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc với cam kết không tăng sản lượng không lấy tiền.
Những ngày cuối tháng 9/2023, cùng với việc chăm chút đầm nuôi rươi rộng mênh mông nằm cạnh sông Hàn, thuộc địa phận xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, ông Hoàng Xuân Giang cũng tranh thủ dọn dẹp lại khu nhà xưởng để chuẩn bị cho một vụ rươi giống mới sẽ bắt đầu vào tháng mười một âm lịch.
Nói về việc ương nuôi rươi giống của mình, ông Giang cho biết năm 2010, gia đình quyết định thầu khoán hơn 9ha ruộng rươi với mong muốn có thể "hái ra tiền" nhưng thực tế rươi khi đó rất ít, không được như kỳ vọng.
Nguyên nhân do khi nhận thấy giá trị kinh tế của con rươi, người dân quây kín bờ bao đầm bãi, dùng đọn chặn tại các cửa thoát nên chỉ lượng nhỏ rươi có thể lọt lưới ra biển đẻ trứng. Ngoài ra, nguồn nước sông ngày càng bị ô nhiễm dẫn tới việc số lượng rươi ít ỏi lọt lưới ra đến biển cũng khó sống sót.
Trước kia, người dân vẫn cho rằng rươi là thứ "lộc trời" tự đến và đi chứ không ai có thể nhân giống nên ít người nghĩ đến chuyện nuôi rươi sinh sản hay thả rươi giống vào đầm. Với suy nghĩ mọi loài động vật đều có quá trình sinh sản, ông Giang đi tới quyết định táo bạo xưa nay chưa người nào trong huyện nghĩ tới là nuôi rươi sinh sản và tạo rươi giống.
Tháng 10/2013, khi rươi ngoài ruộng nổi cũng là lúc ông Giang thuê người vớt đưa vào các bể nuôi sinh sản đã xây dựng trước đó, áp dụng quy trình từ nuôi đẻ, ấp trứng đến ương rươi giống theo sách báo và các nghiên cứu khoa học của riêng mình.
Liên tiếp trong ba năm đầu, ông Giang nếm mùi thất bại khi rươi dù đẻ rất nhiều trứng song tỉ lệ trứng nở thành rươi giống lại rất thấp, chưa đến 1%.
"Nhiều năm trải qua sự thất bại, đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện dẹp xưởng, trả đầm rươi để chuyển sang làm nghề khác, nhưng sự tự ái cùng khát vọng làm chủ nguồn giống của loài có giá trị kinh tế cao đã tiếp thêm nghị lực để tôi bỏ ngoài tai những xì xào, gièm pha và nghiên cứu tạo bằng được rươi giống" - ông Giang chia sẻ.
Sau nhiều thất bại, ông Giang nắm vững được quy trình khép kín từ khâu đưa rươi bố mẹ vào bể cho sinh sản, đưa trứng sang bể ấp nở đến nuôi dưỡng ấu trùng rươi thành rươi giống có kích thước 0,2 - 0,3mm với tỉ lệ trứng rươi nở thành rươi giống lên tới trên 80%.
Đầu năm 2017, ông Giang thuê người khoanh vùng ruộng rươi của gia đình với diện tích 1,5ha để thử nghiệm và kết quả thành công ngoài sức tưởng tượng khi vụ rươi năm ấy, ruộng rươi thử nghiệm cho thu hoạch cao gần ba lần so với diện tích còn lại (khoảng 45kg/sào/vụ so với 15kg/sào/vụ).
Năm 2018, ông Giang đưa khoảng 5 tỉ con rươi giống ra thị trường huyện Vĩnh Bảo tiêu thụ. Để lấy niềm tin của mọi người, ông Giang cam kết sau khi thả rươi giống mà cho sản lượng chỉ bằng hoặc thấp hơn thời điểm chưa thả thì sẽ không lấy tiền.
Đến nay, từ 5 tỉ con giống bán ra trong vụ rươi năm 2018 thì năm 2023, lượng rươi giống ông Giang bán ra đã tăng lên khoảng 34 tỉ con, với thị trường không chỉ trong TP Hải Phòng mà còn nhiều địa phương ven biển phía Bắc khác, từ Quảng Ninh đến Nghệ An.
Nhiều gia đình "đổi đời" nhờ việc thả rươi giống mua từ cơ sở của ông Giang. Cụ thể như gia đình ông Nghiêm tại xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng có ruộng rươi rộng khoảng 6 mẫu, năm 2018 năng suất trung bình 5 - 10kg/sào/vụ nhưng vụ rươi năm 2019, sau khi thả giống thì năng suất tăng lên 40kg/sào/vụ.
Liên tiếp các vụ rươi sau đó, năng suất giữ ổn định 40 - 45kg/sào/vụ với giá bán trung bình từ 300.000 - 400.000 đồng trở lên/kg rươi, mỗi vụ rươi kéo dài từ đầu tháng chín âm lịch đến cuối năm giúp gia đình ông Nghiêm thu lãi gần 1 tỉ đồng.
Ông Giang cho biết sau khi mở rộng, việc ương rươi giống 2023 (từ tháng mười một âm lịch đến tháng giêng năm sau) tại cơ sở sản xuất của gia đình sẽ có quy mô hơn 2.000m² với 140 bể chứa (5m³/bể) để nuôi vỗ rươi bố mẹ cho đẻ trứng, ấp trứng, ương ấu trùng rươi thành rươi giống.
Dự kiến đầu năm 2024, ông Giang sẽ cung cấp ra thị trường hơn 35 tỉ rươi giống, thu lãi khoảng 2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, ông Giang cũng hoàn thiện các thủ tục đăng ký sản phẩm rươi giống tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Ông Nguyễn Hồng Sáng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Bảo đánh giá việc nuôi rươi sinh sản và ương nuôi rươi giống của ông Giang là mô hình độc đáo, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao cho không chỉ gia đình mà còn nhiều hộ dân khác làm nghề nuôi rươi.
Theo ông Sáng, đơn vị đang tham mưu, đề xuất UBND huyện nghiên cứu, xem xét để tùy vào điều kiện thực tế của địa phương và nguyện vọng của người dân để nhân rộng mô hình này. Đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ kết nối sản xuất với tiêu thụ cũng như các thủ tục đăng ký chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi rươi trên địa bàn.
"Con rươi là loài nhuyễn thể sống được ở cả vùng nước mặn và nước lợ. Tại Việt Nam, rươi có nhiều ở vùng Kinh Môn, Tứ Kỳ thuộc tỉnh Hải Dương và các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Lão của TP Hải Phòng. Rươi thường xuất hiện từ tháng chín đến tháng mười một âm lịch với đặc điểm cơ thể màu xanh, đỏ hoặc nâu đỏ, hồng nhạt với chiều dài chỉ khoảng 6-7cm, là loài giàu chất đạm, có thể làm các món như: chả rươi, mắm rươi, rươi hấp, nem rươi, rươi kho, rươi xào củ niễng măng tươi hay củ cải, thậm chí có nơi còn làm canh riêu rươi".
Theo Tuổi trẻ