Để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, ngoài các giải pháp của chính quyền, cần nâng cao ý thức tự giác của người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Lực lượng chức năng TP Hải Dương kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại Công ty CP Kem Bình Dung ở cụm công nghiệp Cẩm Thượng
Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ và hộ dân xả nước thải trực tiếp ra môi trường đã làm ô nhiễm nguồn nước mặt tại một số tuyến kênh, hồ ở TP Hải Dương. Trước thực trạng này, UBND thành phố đã có những biện pháp xử lý kiên quyết và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Ô nhiễm nguồn nước mặt
Kênh T2 làm nhiệm vụ thoát nước mưa và nước thải của 5phường là Cẩm Thượng, Bình Hàn, Thanh Bình, Phạm Ngũ Lão và Tân Bình. Nhiều năm qua, tuyến kênh này tiếp nhận nước thải trực tiếp chưa qua xử lý từ các khu dân cư, các hộ kinh doanh trong chợ Tân Kim, chợ Hồ Máy Sứ và các doanh nghiệp (DN) nằm trong các cụm công nghiệp (CCN) Cẩm Thượng, tây đường Ngô Quyền. Do đó, nguồn nước kênh T2 bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước có màu đen, mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ sống xung quanh.
5 phường trên có hơn 24.600 hộ với khoảng 83.000 người. Theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về cấp nước (tiêu chuẩn 33:2006), lượng nước được tính trung bình trên đầu người là 150 lít/người/ngày. Như vậy, nguồn nước thải từ sinh hoạt của các khu dân cư thải ra kênh T2 là rất lớn. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường năm 2019, lượng nước thải phát sinh từ các DN, nhà hàng sản xuất, kinh doanh chiếm 30% trong tổng số lượng nước thải xả vào hệ thống sông Bắc Hưng Hải, trong đó có kênhT2. Như vậy, nguồn nước thải của các DN, nhà hàng vào kênh T2 lên tới hàng nghìn m3/ngày đêm. Đặc biệt, nước thải từ các cơ sở sản xuất, rửa xe ô tô, nhà hàng kinh doanh ăn uống chứa nhiều chất thải rắn lơ lửng và dầu mỡ, rất khó tự làm sạch là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước mặt tại các kênh T2, T1 và một số hồ, hào thành trên địa bàn thành phố.
Theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hải Dương, vừa qua cơ quan chuyên môn của thành phố đã rà soát nguồn nước thải của 68DN trong các CCN Cẩm Thượng, Ngô Quyền và nhiều nhà hàng kinh doanh ăn uống có nguồn nước thải lớn xả xuống kênh T2; kiểm tra đột xuất và lập biên bản lấy mẫu nước thải của 6 DN và 6 nhà hàng kinh doanh ăn uống có phát sinh nhiều nước thải. Theo kết quả từ Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), trong số 12 cơ sở đã kiểm tra, mẫu nước thải của 4 DN và 6 nhà hàng cho kết quả vượt quy chuẩn xả thải theo quy định. UBND TP Hải Dương đã xử phạt các cơ sở này hơn 390 triệu đồng.
Lực lượng chức năng của TP Hải Dương làm việc với chủ nhà hàng Vịt Cỏ ở đường Ngô Quyền về xử lý nước thải
Biện pháp mạnh
Theo UBND TP Hải Dương, các DN có lượng nước thải phát sinh lớn (trên 5 m3/ngày đêm) đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Nguồn ô nhiễm nước thải chủ yếu phát sinh từ hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, rửa xe, nhà hàng kinh doanh ăn uống và các hộ phát sinh nước thải dưới 5 m3/ngày đêm.
Nhằm khắc phục tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý xuống hệ thống thoát nước chung của thành phố, TP Hải Dương đã yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã tổ chức kiểm tra, rà soát và hướng dẫn các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nhà hàng ăn uống đầu tư lắp đặt bể thu gom tách rác thải rắn, dầu mỡ có trong nước thải. Các cơ sở có lưu lượng xả thải trung bình nhỏ hơn 5 m3/ngày đêm thì phải lắp đặt bể tách loại bỏ rác thải rắn, dầu mỡ trong nước thải. Cơ sở có lưu lượng xả thải lớn hơn 5m3/ngày đêm, ngoài việc lắp đặt còn phải đầu tư xây dựng bể xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn cho phép. Thời gian thực hiện xong trước ngày 15.3.2021.
Chủ tịch UBND các phường, xã phải báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên trước ngày 30.3.2021. Sau thời gian này, TP Hải Dương sẽ tổ chức kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính. UBND thành phố yêu cầu sau ngày 30.6.2021, Chủ tịch UBND các phường, xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu còn tình trạng các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quản lý xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường.
Thời gian qua, UBND TP Hải Dương đã nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường nước, cảnh quan các tuyến kênh, hồ trên địa bàn, nhưng do lượng nước thải xả ra lớn nên việc đầu tư xử lý ô nhiễm rất tốn kém. Để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, ngoài các giải pháp của chính quyền, cần nâng cao ý thức tự giác của người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
LAN NGUYỄN
Sớm hướng dẫn các hộ kinh doanh xây dựng công trình xử lý nước thải NGUYỄN THỊ HẠNH (Phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương) Đầu tư xây dựng các bể tách mỡ, dầu trước khi xả thải vào hệ thống Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hải Dương Tránh thực hiện nửa vời LƯƠNG VĂN TUYẾN |