Dù đã có một công việc ổn định với mức thu nhập khá song nhiều bạn trẻ vẫn chưa có thói quen tiết kiệm nên thường xuyên trong cảnh “cháy" túi.
Do tiêu xài hoang phí nên nhiều bạn trẻ dù có thu nhập khá cao nhưng vẫn không có tiền tiết kiệm
Kiếm 10 tiêu 11
Đó là trường hợp của bạn Lương Thu Tr. ở phường Hải Tân (TP Hải Dương). Tr. đang làm nhân viên văn phòng cho một công ty nước ngoài. Còn độc thân, mức lương trung bình hằng tháng tầm 10 triệu đồng nhưng Tr. chưa bao giờ để ra được chút tiền tiết kiệm nào. Bốn năm đi làm, mức thu nhập đều đặn, nhưng cứ đến cuối tháng là Tr. đã hết tiền. Cũng may là ở cùng bố mẹ nên Tr. không phải lo lắng nhiều mỗi khi "cháy" túi. “Khi có lương em thường gửi mẹ 2 triệu đồng chi phí ăn uống theo yêu cầu của mẹ. Còn lại em cũng không biết mình tiêu những gì, chỉ biết cứ đến cuối tháng là không còn đồng nào. Có nhiều tháng em phải vay tiền mẹ để chờ tới ngày có lương”, Tr. nói. Qua trò chuyện với Tr. chúng tôi hiểu ngay ra lý do. Bởi vì trang phục trên người Tr. thường là hàng hiệu đắt tiền, từ váy áo, giầy dép cho đến túi xách. Số tiền dành cho trang phục của Tr. cũng đã tới cả chục triệu đồng mỗi tháng. Tr. cho biết cô có hàng trăm bộ quần áo, hàng chục đôi giày dép. “Mọi thứ em đều mua qua mạng, người ta mang hàng tới tận nơi, tiền có trong thẻ cứ thế chuyển khoản thôi. Có lẽ vì thế mà em tiêu tiền không biết xót”, Tr. cho biết.
Cũng làm ra tiền, nhưng Hoàng Ngọc A. (27 tuổi) ở phố Hồng Châu (TP Hải Dương) lại dành phần lớn số tiền kiếm được để đi du lịch. “Vì còn độc thân, chưa vướng bận gia đình nên em muốn tranh thủ được đi nhiều nơi, biết thêm nhiều thứ”, A. giải thích. Vốn là nhân viên ngân hàng, A. có mức thu nhập khá cao, từ 10-12 triệu đồng/tháng. Ngoài số tiền dành để sinh hoạt khoảng 5 triệu đồng/tháng, còn lại A. góp dồn lại, khoảng vài tháng đủ tiền là xách ba lô đi du lịch. Khi thì A. đi Mũi Né, Phú Quốc, lúc đi Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Không chỉ du lịch trong nước, A. còn thường xuyên lựa chọn các tour du lịch nước ngoài vào những đợt nghỉ phép trong năm. Để chuẩn bị cho mỗi chuyến đi, A. lại sắm hàng loạt quần áo, phụ kiện mới. Chính sở thích có phần sang chảnh này mà dù lương cao nhưng A. chưa có tiền tiết kiệm. “Có tới đâu em nghĩ tới đó. Còn trẻ còn sức khỏe mà lại có chút tiền thì tranh thủ hưởng thụ, không sau này vướng bận gia đình, rồi có tuổi lại chẳng có sức mà đi đâu nữa. Sau này e sẽ tiết kiệm sau”, A. nói.
Không chỉ dành toàn bộ số tiền kiếm được cho thú vui xài hàng hiệu, đi du lịch, nhiều bạn trẻ không tiếc tiền cho nhiều thú vui khác như mua sắm đồ công nghệ thông tin đắt tiền, đi ăn chơi ở những địa điểm sang chảnh…
Tiết kiệm không thừa
Theo một số chuyên gia tâm lý, không ít bạn trẻ hiện có tâm lý thích hưởng thụ. Thế hệ trước làm ra tiền việc đầu tiên họ nghĩ tới là phải tiết kiệm để phòng khi bí bách, bệnh tật... Còn các bạn trẻ bây giờ có suy nghĩ thoáng hơn, họ kiếm được tiền thường nghĩ cách hưởng thụ ngay. Vì vậy, nhiều bạn trẻ không tiếc tay chi tiền cho những sở thích cá nhân. Hơn nữa, xã hội ngày càng phát triển, các bạn trẻ có nhiều cách để tiêu tiền hơn như ăn uống, vui chơi, gặp gỡ bạn bè…
Để tránh việc tiêu tiền hoang phí, các bạn trẻ cần có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, cụ thể hằng tháng và phải thực hiện nghiêm kế hoạch này; cần suy xét trước khi mua một món đồ xem nó có thật sự cần thiết không; nên lập một tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng... Việc tiết kiệm tiền không chỉ giúp các bạn trẻ có một nguồn dự phòng khi cần thiết mà đây có thể là nguồn vốn hữu ích khi bạn muốn bắt đầu một công việc mới hay đầu tư cho ước mơ sau này.
THANH HOA