Kiềm chế tai nạn giao thông đường sắt

11/01/2012 08:33

Tuy đã giảm cả về số vụ và số người chết nhưng tình hình tai nạn giao thông đường sắt vẫn diễn biến phức tạp, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị liên quan...



Đường ngang có người gác là giải pháp hữu hiệu để kiềm chế tai nạn giao thông đường sắt


Theo thống kê của Xí nghiệp Vận tải đường sắt Hà-Hải, năm 2011, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 17 vụ tai nạn đường sắt (giảm 7 vụ so với năm 2010), làm 8 người chết (giảm 4 người) và 9 người bị thương. Tai nạn xảy ra chủ yếu trên địa bàn huyện Kim Thành và tập trung tại các xã có nhiều đường ngang dân sinh như xã Tuấn Hưng (5 vụ, 1 người chết và 6 người bị thương), xã Kim Lương (5 vụ, 5 người chết và 1 người bị thương). Kiềm chế được số vụ tai nạn giao thông đường sắt là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành đường sắt với các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng.

Là huyện xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt nhất, gây tâm lý lo ngại cho người dân khi tham gia giao thông,  Kim Thành thường xuyên chỉ đạo tăng cường tuyên truyền Luật Đường sắt, đặc biệt ở các cơ quan, doanh nghiệp và trường học. Công an huyện phối hợp với các ga Phú Thái, Phạm Xá khảo sát các tuyến đường ngang bất hợp lý và tham mưu với ngành đường sắt lắp đặt, nâng cấp các đường ngang trọng điểm như đường ngang tại km 70+720 (giáp ranh giữa xã Cổ Dũng và xã Tuấn Hưng), kiến nghị chuyển đường ngang tại km 78+600 (thôn An Thái, thị trấn Phú Thái) sang xây dựng đường ngang tại km 78+900 (nút giao với đường huyện mới mở sang thị trấn Kinh Môn). Trung tá Lê Quang Hưng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Kim Thành) cho biết: Do công tác tuyên truyền được duy trì thường xuyên nên các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Kim Thành nói chung, giao thông đường sắt nói riêng đều giảm, trong đó số vụ tai nạn đường sắt giảm 3 vụ so với năm 2010. Nhân dân sống hai bên đường sắt đã có ý thức tốt hơn trong việc thực hiện các quy định của Luật Đường sắt, không có trường hợp lấn chiếm nghiêm trọng hành lang an toàn giao thông đường sắt. Các vụ ném đá lên tàu, trộm vật tư, phụ kiện, thiết bị toa xe đường sắt đã giảm đáng kể.

Bên cạnh phối hợp tăng cường hoạt động tuyên truyền, ngành đường sắt đã chú trọng đầu tư nâng cấp và lắp đặt các thiết bị phục vụ an toàn chạy tàu nhằm cảnh báo người đi đường, kiềm chế tối đa nguy cơ va chạm giữa tàu hỏa và phương tiện đường bộ. Tùy thuộc vào mật độ dân cư, các khu công nghiệp mà đường ngang khu vực đó được lắp đặt các thiết bị phù hợp. Hiện nay, trong tổng số 207 đường ngang trên địa bàn tỉnh thì có 33 đường ngang hợp pháp được đầu tư, bao gồm: 11 đường ngang có người gác, 3 đường ngang có cảnh báo tự động và 19 đường ngang được phép mở và có biển báo cố định. Nút giao đường bộ - đường sắt Ba Hàng (km 61+500, qua địa phận xã Nam Đồng, TP Hải Dương), nhờ từ tháng 3-2010 đưa vào sử dụng gác chắn và bố trí nhân viên cảnh giới, đến nay đã không còn tên trong "danh sách đen" về tai nạn giao thông đường sắt. Bên cạnh đó, nhiều công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt đã được kiên quyết tháo dỡ và xử lý.

Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt vẫn còn không ít khó khăn. Ông Đào Duy Hiền, Giám đốc Xí nghiệp Vận tải đường sắt Hà - Hải cho biết: Khó khăn lớn nhất của ngành đường sắt hiện nay là việc quản lý và xóa bớt các đường ngang dân sinh. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an toàn. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. Để nâng cấp, xây dựng và duy trì hoạt động của một đường ngang có người gác tốn rất nhiều chi phí, trong khi đó số đường ngang dân sinh tự phát quá nhiều (174 đường trong tổng số 207). Mặt khác, những thiết bị đã được đầu tư đưa vào sử dụng thì bị một số người dân phá hỏng, điển hình nhất là thiết bị cảnh báo tự động tại các đường ngang không có người gác. Tình trạng bán hàng rong tại các ga chính như Hải Dương, Cẩm Giàng, Phú Thái vẫn còn tiếp diễn.

THANH VÂN

(0) Bình luận
Kiềm chế tai nạn giao thông đường sắt