Nàng Antigone thời Hy Lạp cổ đại được cho là có điểm tương đồng với nàng Kiều của Nguyễn Du. Vở kịch sẽ tiếp tục mang đến nhiều giá trị nhân văn sâu sắc trên sân khấu Việt Nam.
Từ lời kêu gọi của Viện Goethe (Viện văn hóa Đức) tại Việt Nam, sẽ có khoảng 10 nhóm nghệ sỹ tham gia trình diễn “Antigone” ở nhiều loại hình nghệ thuật. Ở mảng kịch nói, các đoàn kịch của đạo diễn Trần Lực, Bùi Như Lai... đang lên kế hoạch dựng vở bi kịch này trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội).
Dự kiến cuối năm 2021, đầu năm 2022, khán giả trong nước sẽ thấy một nàng Antigone nói tiếng Việt đồng thời được tự mình trải nghiệm những giá trị nhân văn khiến một vở kịch từ 2500 năm trước vẫn còn giá trị tới hiện tại.
Tác phẩm kinh điển qua số phận người phụ nữ
“Antigone” là vở kịch của tác gia Hy Lạp vĩ đại Sophocles viết năm 443 trước Công nguyên, liên tục được sân khấu khắp nơi trên thế giới dựng lại mỗi năm. Vở kịch là phần tiếp theo của “Ê-đíp làm vua” (tựa Anh: “Oedipus the king”) từng được dàn dựng tại Việt Nam trước đây.
Sau bi kịch trong “Ê-đíp làm vua”, vua Oedipus buộc phải rời ngôi, hai người con trai bắt đầu tranh giành quyền lực, để rồi giết chết nhau trên chiến trường.
Người anh đã dùng binh lính ngoại bang để đánh đoàn quân nội bang của người em, anh bị vua Creon (người chú, người kế vị Oedipus khi hai con trai chưa đủ tuổi) coi là kẻ phản bội và không cho chôn cất sau khi chết. Bất cứ ai làm trái ý vua sẽ bị tước mạng sống, dù điều ông cấm cản thực chất trái với ý của các vị thần.
Trung thành với tư tưởng của các vị thần, không để người chết bị đối xử tồi tệ, nàng Antigone, một người con khác của Oedipus, đã bất chấp lời đe dọa của vua và kiên quyết mai táng đàng hoàng cho anh trai mình. Việc làm của cô bị phát hiện, vua Creon ra lệnh nhốt và bỏ đói cô trong hang.
Thế nhưng, khi nhà vua nhận ra sai lầm và định trả tự do cho Antigone thì đã là quá muộn, nàng đã treo cổ tự vẫn. Điều đó khiến cho hôn phu của nàng - con trai của của Creon - quá đau lòng mà quyết định chết theo. Sững sờ trước cái chết của con trai, hoàng hậu cũng tự kết liễu cuộc đời mình, để lại vua Creon với sự hối hận sâu sắc, nỗi đau khôn xiết vì cùng lúc mất cả vợ, con trai và cháu gái.
Nàng Antigone của Sophocles và nàng Kiều của Nguyễn Du được cho là có điểm tương đồng. Ảnh minh họa: BBC, heypik
Đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú Bùi Như Lai phân tích sức hấp dẫn của vở kịch: “Gần 2500 năm trước, người ta vẫn còn tin vào thần thánh, chúa trời, các thế lực siêu nhiên hay sự độc đoán của người đứng đầu thành bang. Thế nhưng, tác giả đã chọn gửi gắm thông điệp về niềm tin đúng đắn, sự trung thành, kiên định với những giá trị nhân văn, phẩm giá con người qua một người phụ nữ. Điều đó thể hiện một tư tưởng cấp tiến, phần nào tạo nên tầm vóc lớn lao cho tác phẩm”.
Giới chuyên môn đánh giá “Antigone” là một vở kịch mẫu mực nhờ có kết cấu chặt chẽ, chuẩn chỉnh và lời thoại đặc sắc. Bên cạnh đó, sự kích tính, cao trào và xung đột cũng chính là lý do khiến vở kịch đáng để thử sức.
Trước "Antigone", Viện Goethe cũng từng tổ chức dự án "Nàng K..." dựa trên "Truyện Kiều" để đưa đến cho khán giả Đức. Câu chuyện về nàng Antigone được các nhà nghiên cứu Việt Nam đồng tình rằng có nhiều điểm tương đồng với nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du.
Điểm chung là họ đều xuất thân trong một gia đình tốt, vì lý do đạo đức mà đưa ra một quyết định cao cả, để rồi bị cơ cấu quyền lực và môi trường bạo lực xung quanh xô đẩy. “Thái độ của họ là tấm gương, đồng thời cũng là sự cảnh báo cho chúng ta,” đại diện viện Goethe cho biết.
Tuy nhiên mỗi tác phẩm với bối cảnh và câu chuyện sẽ mang đến thông điệp riêng. Viện trưởng Viện Goethe tại Hà Nội, ông Eckstein Wilfried cho biết các tác phẩm chuyển thể mà viện hướng đến sẽ “tập trung nhiều hơn vào sự khác nhau, nhằm tôn vinh chính Antigone trong hoàn cảnh cụ thể của tác phẩm”.
"Antigone" tại Việt Nam sẽ thế nào?
Trước tầm vóc lớn lao của tác phẩm, Nghệ sỹ ưu tú Bùi Như Lai cho biết ông cảm thấy tự hào nhưng không kém phần áp lực khi là một trong các đạo diễn được Viện Goethe chọn để dựng tác phẩm này. Đạo diễn bật mí sẽ có rất nhiều sự thay đổi về cả nội dung bên trong lẫn hình thức bên ngoài.
“Tôi không muốn dàn dựng vở diễn Antigone như tinh thần của bản gốc vì không muốn nghệ sỹ Việt diễn như một người phương Tây, cũng không muốn diễn viên mặc các trang phục của thời Hy Lạp cổ đại. Tôi muốn một bản diễn hiện đại, tiết tấu nhanh mạnh, có sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật trong vở diễn… Bên cạnh đó còn là sự thay đổi trong cách các nhân vật gặp gỡ, đối thoại với nhau, lựa chọn hành động…,” ông chia sẻ.
Cụ thể vào thời Hy Lạp cổ đại, các nhân vật thường dẫn giải từ những lời răn dạy từ cao xuống thấp - từ chúa trời, thần thánh đến người đứng đầu thành bang trước, rồi mới bày tỏ suy nghĩ của mình. Vì vậy, đạo diễn sẽ điều chỉnh cho nhân vật đề cập suy nghĩ của mình trực tiếp hơn.
Cách các nhân vật hành động cũng được điều chỉnh theo hướng tăng tính con người trong đó - hành động bằng ý chí, bản năng, nhân tính của con người, thay vì hành động theo địa vị cao thấp của người đó trong xã hội.
Đạo diễn Bùi Như Lai cũng chia sẻ cách mở đầu vở kịch sẽ tạo ấn tượng mạnh với khán giả, thậm chí gây sốc về mặt cảm xúc. “Đó là cách thể hiện sự cắn xé do chính con người gây ra cho lẫn nhau, phản ánh một góc khuất, góc tối của xã hội hiện nay”, ông diễn giải.
Nhóm kịch LucTeam theo phong cách ước lệ biểu hiện cũng tham gia vào dự án này. Đạo diễn, Nghệ sỹ ưu tú Trần Lực cho biết ông đang trong quá trình hoàn thiện kịch bản và cũng sẽ có những sự thay đổi phù hợp để làm nổi bật những giá trị cao đẹp về tư tưởng nhân văn, tình cảm gia đình.
Trong khi LucTeam và đoàn kịch của đạo diễn Bùi Như Lai sẽ diễn ra trên sân khấu lớn thì các nhóm kịch độc lập như XPlusX (Hà Nội) sẽ chọn không gian phi truyền thống, có thể là một căn phòng nhỏ hơn khán phòng nhà hát và diễn viên có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong căn phòng đó.
Đạo diễn nghệ thuật Hà Nguyên Long của nhóm XPlusX cho biết sẽ không thay đổi kịch bản gốc, giữ nguyên về lời thoại. Bên cạnh đó, nhóm dự định bổ sung thêm phần kịch bản tương tác, tăng tính trải nghiệm của khán giả. Sân khấu của các diễn viên sẽ không chỉ có một mặt như truyền thống, cùng với đó, khán giả có thể di chuyển và chỉ sử dụng một giác quan nhất định trong một số khoảnh khắc khác nhau.
Antigone Việt Nam: Phiên bản 2008 và hiện tại Năm 2008, Antigone từng được chuyển thể bằng loại hình tuồng của Việt Nam, kết hợp một đạo diễn người Pháp. Tại đó, nhân vật chính được đổi tên thành Tian và không tự vẫn ở hồi cuối tác phẩm. Tuy nhiên, ở các phiên bản Việt hóa năm tới đây, các nhóm kịch đều có xu hướng bám tác phẩm gốc, không đổi tên hay thay đổi số phận của Antigone để có thể vinh danh hành động và tư tưởng của nhân vật và tác phẩm kinh điển này. |
Theo Vietnam+