Kịch ''Cuộc chiến COVID'': Tri ân một đất nước chống dịch can trường

16/01/2021 11:32

Vở kịch dài 1 tiếng 30 phút kéo khán giả về những ngày cam go nhất của người dân Việt Nam năm 2020, tôn vinh những chiến binh áo blouse trắng.


Vở kịch tái hiện nhiều câu chuyện lớn nhỏ đầy tình người thời kỳ gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

“Cuộc chiến Covid” là vở kịch mới nhất của sân khấu Lệ Ngọc tái hiện những câu chuyện không của riêng ai khi dịch bệnh xảy đến, cả nước chịu cảnh cách ly xã hội.

Ở đó, y đức của các bác sỹ, tinh thần trách nhiệm, chủ động và khẩn trương của chính quyền, sự đồng lòng từ mỗi người dân, các đơn vị, bộ ngành liên quan là điểm sáng giá nhất, gây xúc động mạnh mẽ cho khán giả.

Những câu chuyện đầy tình người như việc các đơn vị quân đội nhường doanh trại làm nơi cách ly tập trung, những chiến sỹ công an, dân quân tự vệ canh giữ nghiêm ngặt con phố Trúc Bạch... cũng được tái hiện trên sân khấu.


Phân cảnh điều trị cho bệnh nhân trong phòng chữa đặc biệt gây ấn tượng về thị giác

Đặc biệt, vở kịch khai thác câu chuyện của các bác sỹ, y tá, nhân viên bệnh viện tuyến cuối chấp nhận xa gia đình, ở lại bệnh viện để ngày đêm trường kỳ chiến đấu, giữ lấy tính mạng của người bệnh.

Vở diễn có sự tư vấn chuyên môn của bác sỹ, tiến sỹ Phạm Ngọc Thạch (giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), chỉ đạo diễn xuất bởi nghệ sỹ nhân dân Lê Hùng, kịch bản của Minh Nguyệt.

Nghệ sỹ Nguyễn Văn Hải (vai ông Đức) chia sẻ: “Đây là vở diễn khó khăn nhất từ xưa đến nay của đoàn. Vì là một vở kịch mang tính thời sự dựa trên nhiều câu chuyện có thật, chúng tôi phải đưa từ thực tế vào sân khấu cho phù hợp với công tác, chủ trương của chính quyền, lồng ghép trong đó những câu chuyện trong xã hội. Từ đó làm bật lên tinh thần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và tinh thần lạc quan trong lúc khó khăn nhất.”


Các diễn viên trong vai bác sỹ phải mặc đồ bảo hộ phần lớn thời gian vở kịch

Qua “Cuộc chiến Covid,” người xem nhớ lại những mốc sự kiện gây ảnh hưởng lớn, nguồn cơn của những đợt bùng dịch, dẫn đến cảnh cách ly khu phố, giãn cách xã hội. Tuy nhiên, đó chỉ là cái cớ để dẫn chuyện và tôn vinh từ từng cá nhân nhỏ nhất cho tới cả tập thể, chứ không phải để chì chiết, trách móc bất cứ ai.

Song bên cạnh những tấm gương đẹp, vở kịch cũng phê phán việc một số cá nhân trục lợi từ người dân ngay trong mùa dịch. Qua đó tái khẳng định danh dự thật sự của ngành y.

Vở "Cuộc chiến Covid" cũng tận dụng tốt màn hình led để trình chiếu hình ảnh minh họa 3D, các đoạn phóng sự ấn tượng và chân thực mang đến nhiều cảm xúc và sự xúc động mạnh.


Hành động ''bắt tay'' bằng chân, khuỷu tay để hạn chế khả năng lây bệnh khiến khán giả thích thú

Những miếng hài điển hình của sân khấu khiến khán giả bật cười, đặc biệt là người xem ở độ tuổi trung niên. Những khoảng khắc giải trí nhẹ nhàng được lồng ghép vào nghĩa cử của người dân Hà Nội khi họ cùng nhau quyên góp những khoản tiền lớn nhỏ, những thùng thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho người dân ở khu vực cách ly, đan xen trong vở kịch để tránh cảm giác nặng nề thường trực.

Khán giả, cô Nguyễn Thị Khánh (54 tuổi) nhận xét: "Vở kịch có nhiều cảm xúc, xúc động cũng có, đau buồn cũng. Nhưng điều tôi thích nhất là sự lạc quan để tiếp tục chiến đấu bởi không ai biết dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Tôi tin tưởng các bác sỹ Việt Nam và khả năng đẩy lùi dịch của nước ta".

Ghi nhận tại khán phòng, khán giả có phản ứng thích thú khi nhiều đạo cụ được đầu tư đồ thật như bát hương hay những quả trứng luộc, song có cảnh lại chỉ có thể ăn giả vờ vì không có đồ ăn thật. 

Khán giả Nguyễn Văn Ánh (60 tuổi) cho hay: “Khán giả ngày nay thích những đạo cụ thật, nhất là trong vở kịch dựa trên người thật-việc thật như thế này. Bởi nếu đang xem diễn xuất tốt, mà lộ ra đạo cụ là đồ ‘dởm’ thì rất mất hứng”.


Khán giả muốn thấy đạo cụ thật để duy trì cảm xúc khi xem kịch

"Cuộc chiến Covid" diễn ra tại rạp Đại Nam (số 89 Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào lúc 20 giờ các ngày từ 13-17, 20, 21, 28, 29 tháng 1.2021.

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kịch ''Cuộc chiến COVID'': Tri ân một đất nước chống dịch can trường