Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói ông có thể làm trung gian hoặc có cách nào đó can thiệp vào cái gọi là "cuộc chiến giá dầu" giữa Nga và Saudi Arabia khi cần.
Một cơ sở của Công ty dầu quốc doanh Saudi Aramco ở Abqaiq, Saudi Arabia. Ảnh: Reuters
Giá dầu lao dốc tuần thứ 5 liên tiếp khi Nga và Saudi Arabia bất đồng về cắt giảm sản lượng.
Từ ngày 28.3, Việt Nam đã râm ran thông tin giá xăng dầu sẽ giảm mạnh, sau khi có tin Bộ Công thương điều chỉnh theo tình hình thế giới. Kết thúc giao dịch ngày 27.3 (giờ Mỹ), giá dầu WTI rơi xuống mức 22 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent cũng giảm gần mốc 28 USD/thùng.
Saudi Arabia không khoan nhượng
Ngày 27.3, Saudi Arabia khẳng định nước này đang không có cuộc đàm phán nào với Nga về việc ổn định giá dầu, bất chấp lời đề nghị từ Matxcơva và áp lực ngày càng tăng của đồng minh Mỹ - nơi các công ty dầu đá phiến cũng đang hứng chịu cú sốc giá dầu hiện nay.
Thỏa thuận về nguồn cung ba năm giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn đầu và Nga đã bị phá vỡ trong tháng này, sau khi Nga từ chối ủng hộ một kế hoạch cắt giảm sâu hơn của Saudi Arabia.
Đáp lại thái độ của Nga, Saudi Arabia tuyên bố sẽ tăng sản xuất.
Áp lực hai đầu, từ nguồn cung mạnh cho tới nhu cầu thấp, đã khiến giá dầu rơi mạnh, trong đó giá dầu Brent lần đầu tiên sau 17 năm rơi xuống mức 25 USD/thùng.
Người đứng đầu Quỹ đầu tư quốc gia Nga Kirill Dmitriev cho rằng chỉ OPEC và Nga thôi thì không đủ, cần thêm sự hợp tác của các nhà sản xuất khác - một cách gián tiếp nhắc tới Mỹ, nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới nhưng không tham gia việc cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên sau đó, một quan chức của Bộ Năng lượng Saudi Arabia nói: "Chưa có liên lạc giữa bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia và Nga về bất kỳ việc gia tăng số lượng thành viên OPEC, cũng như không có thảo luận nào xung quanh một thỏa thuận chung nhằm cân bằng thị trường".
Mỹ hợp tác hay mạnh tay?
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói rằng ông có thể làm trung gian hoặc có cách nào đó can thiệp vào cái gọi là "cuộc chiến giá dầu" giữa Nga và Saudi Arabia khi cần. Sự can thiệp của Mỹ có thể là ẩn số cho tương lai giá dầu sắp tới.
Ý tưởng Mỹ hợp tác với OPEC từ lâu đã bị xem là phương án không thể thực hiện, ít nhất vì Mỹ cũng vướng các luật chống độc quyền. Bản thân Tổng thống Trump cũng không ít lần thể hiện sự tức giận với OPEC vì các động thái tác động giá dầu.
Tuy nhiên, việc Saudi Arabia tuyên bố bơm thêm dầu đang khiến Mỹ gặp khó vì chi phí sản xuất dầu đá phiến của các công ty Mỹ hiện nay cao hơn ở Saudi Arabia và Nga. Và khi hợp tác là điều khó khăn, một số nghị sĩ Mỹ đã chọn phương án phòng vệ.
Một nhóm 6 thượng nghị sĩ Mỹ mới đây đã viết thư cho Ngoại trưởng Mike Pompeo, nói rằng Saudi Arabia và Nga "đã bắt đầu chiến tranh kinh tế chống lại nước Mỹ" và đã đe dọa "sự thống trị năng lượng" của Mỹ.
Họ cũng kêu gọi Saudi Arabia rời khỏi OPEC, quay lại chính sách tăng nguồn cung, hợp tác với Mỹ trong các dự án năng lượng chiến lược hoặc đổi lại phải gánh chịu hậu quả.
Nhóm nghị sĩ viết: "Từ thuế quan và các biện pháp siết chặt thương mại cho tới các cuộc điều tra, hành động tự vệ, trừng phạt và nhiều thứ khác, người Mỹ không thiếu công cụ".
Trong một dự luật do hai thượng nghị sĩ Mỹ tại hai bang sản xuất dầu đưa ra hôm 27.3 còn có phương án kêu gọi rút quân đội Mỹ khỏi Saudi Arabia.
Tuy vậy trong lần trả lời Bloomberg đầu tuần qua, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette lại cho rằng việc thúc đẩy một liên minh dầu mỏ Mỹ - Saudi Arabia là "một trong rất nhiều ý tưởng" được giới làm chính sách Mỹ ủng hộ.
Theo Tuổi trẻ