Tại phiên họp thường kỳ sáng 2.11, UBND tỉnh thảo luận về chính sách hỗ trợ hạ tầng chợ, 8 chỉ tiêu tính giá đất...
Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11 của UBND tỉnh
Sáng 2.11, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11 của UBND tỉnh để xem xét, thảo luận một số nội dung, tờ trình do các Sở: Công thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường báo cáo.
73 chợ xuống cấp nghiêm trọng
Cho ý kiến vào nội dung đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng lưu ý hiện chính sách Nhà nước về lĩnh vực này có thay đổi. Bộ Công thương đang xây dựng nghị định mới về phát triển, quản lý chợ để thay thế cho quy định cũ không còn phù hợp trên tinh thần giảm dần sự tham gia của Nhà nước vào hoạt động xây dựng, quản lý chợ. Tuy nhiên, khi giảm vai trò của Nhà nước cần phải tạo cơ chế thích hợp để khuyến khích đầu tư phát triển mạng lưới chợ. Vì thế, các sở, ngành, địa phương cần thống nhất về quan điểm, chính sách để tạo thuận lợi trong việc phối hợp quản lý, điều hành.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng giao Sở Công thương tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại phiên họp và bám sát nghị định mới sắp ban hành để tham mưu cho UBND tỉnh danh mục chợ cần thiết phải hỗ trợ. Đồng thời lập danh sách các chợ có thể kêu gọi đầu tư để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả quản lý. Rà soát các chợ đã đầu tư xây dựng nhưng không hoạt động, xây dựng phương án xử lý phù hợp để tránh lãng phí, thất thu ngân sách.
Đồng chí Giám đốc Sở Công thương Trần Văn Hảo báo cáo thực trạng và đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh
Theo báo cáo của Sở Công thương, Hải Dương hiện có 186 chợ gồm 3 chợ đạt tiêu chí chợ loại I, 20 chợ đạt tiêu chí chợ loại II, còn lại là chợ loại III. Ngoài 39 chợ đã được hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giai đoạn 2014-2020, trên địa bàn tỉnh còn 87 chợ ở nông thôn đang hoạt động chưa được hỗ trợ. Trong đó có 73 chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Sở Công thương đề xuất mức hỗ trợ với các chợ hạng I, II, III xây mới lần lượt là 5 tỷ đồng, 3 tỷ đồng, 1,5 tỷ đồng/chợ. Với chợ nâng cấp, cải tạo, mức hỗ trợ lần lượt là 3 tỷ đồng, 1,5 tỷ đồng, 700 triệu đồng với mỗi chợ hạng I, II, III.
Tăng chi phí cho dịch vụ chi trả trợ giúp xã hội
Về tờ trình ban hành mức chi phí chi trả kinh phí trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội thông qua các tổ chức dịch vụ chi trả trên địa bàn tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu Sở Tài chính làm rõ căn cứ, cơ sở để tính toán mức chi phí mới. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổng hợp, đánh giá hoạt động dịch vụ chi trả trợ giúp xã hội trên địa bàn. Phân tích rõ những thuận lợi, hạn chế, bất cập để lựa chọn tổ chức thực hiện dịch vụ phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng địa phương.
Đồng chí Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Tuệ giải trình các ý kiến của đại biểu nêu tại phiên họp về tăng chi phí cho dịch vụ chi trả trợ giúp xã hội
Theo số liệu của Sở Tài chính, tính đến hết tháng 12.2021, số lượng đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh gần 84.000 người với mức hỗ trợ hằng năm khoảng 400 tỷ đồng. Tổng kinh phí chi thù lao cho đơn vị làm dịch vụ chi trả hơn 1,9 tỷ đồng/năm. Hiện mức chi trả này không còn phù hợp khi chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công ngày càng nâng cao. Mặt khác, mức hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội từ năm 2021 đã tăng 20% so với trước. Vì vậy, Sở Tài chính đề xuất mức chi phí dịch vụ chi trả bằng 0,5% tổng số tiền trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội thông qua các tổ chức thực hiện dịch vụ chi trả từ ngày 1.1.2023.
Thông qua kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước
Để có cơ sở đánh giá doanh nghiệp nhà nước, Sở Tài chính đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022 cho các Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo tờ trình, năm 2022, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Hải Dương bảo đảm phục vụ tưới tiêu cho hơn 230.000 ha đất nông nghiệp với tổng doanh thu gần 274 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 400 triệu đồng. Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Hải Dương có kế hoạch phát hành hơn 14 triệu vé trong năm 2022, tổng doanh thu hơn 129 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 4 tỷ đồng. Theo kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2021-2025, Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc Hải Dương thực hiện phương án giải thể, Công ty Thương mại Dịch vụ Hải Dương tiếp tục thực hiện bán doanh nghiệp. Vì vậy 2 đơn vị này không thực hiện xếp loại năm 2022.
Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng nhất trí với kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Sở Tài chính phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tiếp thu ý kiến tại phiên họp, thống nhất nội dung kế hoạch để UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
NGUYỄN MƠ