Mục tiêu chính của Nga trong việc ủng hộ lực lượng đòi liên bang hóa vùng Donbass là nhằm ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO và duy trì tình trạng không liên kết của Kiev.
Moskva đã chính thức tuyên bố rõ ràng rằng Kiev phải lắng nghe ý kiến của các khu vực phía đông nam ở Ukraine, nơi dân số chủ yếu nói tiếng Nga và có truyền thống hướng về Nga. Đây là lý do tại sao Điện Kremlin đang tìm kiếm các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Kiev và đại diện của các nước cộng hòa ly khai ở phía đông nam nhằm đạt được thoả thuận về các nguyên tắc của chính phủ trong tương lai.
Xe tăng và binh sĩ Ukraine ở khu vực phía đông nước này ngày 6/9. Ảnh: AFP |
"Chúng ta cần phải bắt đầu ngay lập tức các cuộc đàm phán có ý nghĩa, độc lập không chỉ về các vấn đề kỹ thuật, mà còn về tổ chức chính trị xã hội và liên bang hóa ở phía đông nam của Ukraine, để đảm bảo lợi ích hợp pháp một cách vô điều kiện của những người sống ở đó", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.
Tùy thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán trên, Ukraine có thể trở thành một liên bang. Đây là kịch bản được đưa ra bởi các đại diện của lực lượng dân quân tại Donbass ngày 1/9 trong các cuộc tham vấn tại Minsk. Theo đó, các nước cộng hòa tự xưng được công nhận có vị trí đặc biệt, có các lực lượng vũ trang và hệ thống tư pháp, cũng như các quyền thương mại nước ngoài đặc biệt của riêng mình - trong đó có quyền tham gia Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan. Trong trường hợp này, sẽ có biên giới hải quan trong nước giữa các bộ phận khác nhau của Ukraine. Đổi lại, lãnh đạo của Donetsk và Lugansk hứa hẹn sẽ "cố gắng hết sức để duy trì hòa bình một không gian kinh tế, văn hóa, chính trị duy nhất ở Ukraine".
Đồng thời, Moskva phản đối mạnh mẽ sự sụp đổ của Ukraine. Minh chứng cho điều này được thể hiện qua thông điệp của Tổng thống Vladimir Putin đối với các lãnh đạo của Donetsk và Lugansk, yêu cầu họ duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Theo Giáo sư Sergei Markedonov tại Đại học Nhân văn Quốc gia Nga, đối với Moskva bất kể thế nào thì thỏa thuận hòa bình giữa Kiev và các nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk phải được chính thức hóa.
"Việc gọi quá trình này là liên bang hóa hay liên minh chỉ là thứ yếu. Nhưng quá trình này là cách duy nhất để đạt được mục tiêu - đó là Ukraine sẽ trở thành một quốc gia trung gian mà không trở thành một công cụ để ngăn chặn hay gây áp lực đối với Nga", ông Markedonov nói. Và cách duy nhất để đạt được điều này là phải duy trì các khu vực nói tiếng Nga ở Ukraine (khu vực sẽ làm đối trọng với các tầng lớp chống Nga ở phía tây của Ukraine) và cung cấp cho họ các công cụ để giám sát các chính sách quốc gia trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại, kinh tế, và thậm chí cả giáo dục.
Như vậy, Điện Kremlin chỉ đơn giản là sẽ không cho phép thất bại quân sự của các nước cộng hòa ly khai tự xưng ở Ukraine, bởi vì nếu Donetsk và Lugansk đầu hàng, nó sẽ dẫn đến việc biến toàn bộ Ukraine vào tiền đồn của phương Tây, nhằm chống lại Nga.
Trong thực tế, Ukraine là quan trọng không phải ở chính quốc gia này, mà là nằm trong mối quan hệ của Nga với phương Tây. Tình trạng trung lập của Kiev là hết sức quan trọng đối với Điện Kremlin. Quan điểm này đã được thực hiện rất rõ ràng trong những báo cáo của các quan chức Nga.
"Nếu chính quyền Ukraina từ bỏ tính trung lập, điều này sẽ gây hậu quả rất sâu rộng. Yêu cầu bãi bỏ tình trạng không liên kết của Ukraine đã gây ra một sự báo động đặc biệt tại Moskva, trong bối cảnh lực lượng NATO ngày càng áp sát biên giới Nga ", một nguồn tin ngoại giao Nga nói với tờ Kommersant. Vì vậy, những nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm từ bỏ tình trạng không liên minh của Ukraine có thể chặn đứng bất kỳ cơ hội để đạt được một giải pháp.
Cảnh đổ nát ở đông Ukraine sau các cuộc giao tranh. Ảnh: AFP |
Một số nhà phân tích chính trị Nga cảnh báo rằng việc trì hoãn quá trình đàm phán có thể dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước Ukraine, sau đó Moskva sẽ không có lựa chọn nào khác là hỗ trợ yêu cầu độc lập của Donetsk và Lugansk.
"Trong khoảng 1-2 tháng tới, xung đột có thể lan rộng từ Donetsk và Lugansk sang các khu vực khác, và có thể dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế cũng như xã hội, nhà ở và các lĩnh vực công ích, do đó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị mới. Trong bối cảnh như vậy, Nga sẽ phải tiến hành các bước để đạt được một sự thỏa hiệp đồng thời phải tạo ra một vùng đệm an toàn”, Andrei Epifantsev, một nhà phân tích chính trị độc lập của Nga nói.
Ông Epifantsev lập luận rằng vùng đệm này, trong đó sẽ bao gồm khu vực Donbass, có thể kéo dài từ Odessa đến Kharkov, và sẽ trở thành một phần của nhà nước mới được công nhận dưới sự bảo vệ của Nga, một cái gì đó giống như Cộng hòa ly khai Transnistria ở Moldova.
Tuy nhiên, trái với quan điểm phổ biến ở phương Tây, Nga muốn tránh một kịch bản như vậy. Thứ nhất là vì các đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu chạy qua Tây Ukraine và sự an toàn của chúng sẽ bị hủy hoại theo kịch bản này. Thứ hai, rõ ràng rằng Moskva sẽ phải duy trì và xây dựng lại các vùng lãnh thổ, điều vừa tạo ra gánh nặng cho Nga cũng như không được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
CÔNG THUẬN(TTXVN)