Chính trường Peru lại đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng bởi sự đối đầu giữa Tổng thống Martin Vizcarra và Quốc hội do phe đối lập kiểm soát.
Tổng thống Peru Martin Vizcarra. Nguồn: AP
Trước tình trạng đó, Tổng thống Vizcarra đang nỗ lực giải quyết nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng này.
Chính trường xáo trộn
Chính trường Peru từ lâu đã có xáo trộn, nhưng lại tập trung vào một vấn đề duy nhất - đó là tham nhũng chính trị. Bốn đời tổng thống trước đây của Peru gồm cựu Tổng thống Alan Garcia (1985-1990 và 2006-2011), Alejandro Toledo (2001-2006), Ollanta Humala (2011-2016) và Pedro Pablo Kuczynski đều dính líu đến hàng loạt vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil và buộc phải từ chức. Ngày 10.4 vừa qua, cựu Tổng thống Kuczynski đã bị bắt giữ. Trong khi đó, cùng thời điểm này, cựu Tổng thống Garcia đã tự sát tại nhà riêng khi cảnh sát chuẩn bị bắt giữ ông để điều tra tội tham nhũng.
Tổng thống hiện nay của Peru là Martin Vizcarra. Ông từng đảm nhận vị trí Phó Tổng thống Peru và mới chỉ lên nắm quyền cách đây hơn 1 năm sau khi người tiền nhiệm của ông là Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski buộc phải từ chức vì cáo buộc tham nhũng. Việc Tổng thống Vizcarra, một nhà chính trị trung dung được người dân Peru ngưỡng mộ vì tính cách thẳng trực, dám nói dám làm, là đại diện cho sự thay đổi và sẵn sàng chiến đấu với tham nhũng đã khiến người dân Peru đặt nhiều hy vọng.
Theo giới phân tích, Tổng thống Peru Vizcarra là biểu trưng cho một cơ hội mới để thúc đẩy một chính phủ hiệu quả và minh bạch. Nhiệm vụ chính của ông Vizcarra là khôi phục lòng tin của người dân vào chính phủ, qua việc tập hợp một nội các gồm những người có năng lực và đại diện cho xã hội. Tuy vậy, Tổng thống Peru Vizcarra lại thiếu quyền lực chính trị do đảng của ông chỉ chiếm 5/130 ghế ở Quốc hội, trong khi phe bảo thủ đối lập chiếm đa số ghế (54/130). Ngoài ra, phần lớn số nghị sỹ Peru đã liên minh với bà Keiko Fujimori, con gái của cựu Tổng thống bị phế truất và cầm tù Alberto Fujimori. Chính vì vậy, dư luận Peru lo ngại Tổng thống Vizcarra sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với Quốc hội do phe đối lập kiểm soát.
Và thực tế đã cho thấy hồi tháng 5 vừa qua Quốc hội Peru có những tranh cãi kịch liệt xung quanh 4 dự thảo cải cách chính trị và tư pháp nhằm đấu tranh chống lại tệ nạn tham nhũng do chính phủ mới của Tổng thống Vizcarra đệ trình khiến Tổng thống Vizcarra phải ra "tối hậu thư" đe dọa giải thể cơ quan lập pháp và kêu gọi một cuộc bầu cử Quốc hội mới. Sau đó, Quốc hội đã phải "xuống nước" khi nhất trí thông qua 4 đề xuất cải cách chống tham nhũng này của Tổng thống Vizcarra.
Khủng hoảng chính trị nghiêm trọng
Mặc dù các nhà lập pháp đã ủng hộ gói cải cách chống tham nhũng của Tổng thống Vizcarra, song lo ngại của dư luận về việc nhà lãnh đạo mới của Peru sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với Quốc hội do phe đối lập kiểm soát lại trở thành hiện thực khi ngày 30.9, Thủ tướng Peru Salvador del Solar đã phải đệ trình Quốc hội xem xét vấn đề tín nhiệm chính phủ do mâu thuẫn giữa nhánh hành pháp và lập pháp về bầu ủy viên Tòa án Hiến pháp. Sau đó, Quốc hội Peru đã bỏ phiếu bầu ủy viên Tòa án Hiến pháp, bất chấp Tổng thống Vizcarra cảnh báo sẽ giải tán Quốc hội nếu cơ quan này bầu ủy viên trước khi có phán quyết về tín nhiệm chính phủ.
Theo luật pháp Peru, khi Chính phủ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm thì Tổng thống phải chỉ định được một chính phủ mới để Quốc hội phê chuẩn. Nếu chính quyền hành pháp không có được sự ủng hộ của Quốc hội, Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội và khởi xướng bầu cử trước thời hạn.
Sau đó, chính trường Peru đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng trong bối cảnh mâu thuẫn giữa Tổng thống Vizcarra với Quốc hội do phe đối lập kiểm soát leo thang, đỉnh điểm là việc Tổng thống Vizcarra tuyên bố giải tán Quốc hội và ấn định tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào ngày 26.1.2020 với lý do cơ quan này "bất tuân" những cảnh báo của ông. Phe đối lập đã đáp trả bằng việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ với kết quả 50 phiếu thuận, 31 phiếu chống và 13 phiếu trắng. Ngay sau đó, trong một phiên họp toàn thể, các nghị sỹ đối lập đã cáo buộc Tổng thống Vizcarra vượt quá ranh giới của Hiến pháp và khẳng định họ sẽ tìm cách lật đổ ông. Tiếp đó, Quốc hội Peru tuyên bố bắt đầu thảo luận vấn đề luận tội Tổng thống. Đề xuất luận tội Tổng thống này do một thành viên đảng "Sức mạnh nhân dân" chiếm 73 trong tổng số 130 ghế quốc hội đưa ra. Nghị quyết được thảo luận nêu rõ ông Vizcarra không đủ năng lực đạo đức để giữ chức Tổng thống. Đồng thời, Quốc hội Peru cũng thông qua nghị quyết đình chỉ chức vụ đối với Tổng thống Martin Vizcarra trong thời gian một năm. Chủ tịch Quốc hội Peru Pedro Olaechea cho biết ngày 5.10, cơ quan này sẽ nhóm họp một lần nữa để thông qua kiến nghị miễn nhiệm chính thức đối với Tổng thống Vizcarra.
Sau khi thông qua nghị quyết đình chỉ chức vụ đối với Tổng thống Martin Vizcarra trong thời gian một năm, phe đối lập nhất trí đề cử Phó Tổng thống Mercedes Aráoz nhậm chức "Tổng thống lâm thời" với lập luận điều này theo đúng quy định của Hiến pháp. Trong khi đó, Tổng thống Vizcarra cáo buộc phe đối lập lợi dụng Quốc hội và tòa án để né tránh các cuộc điều tra hình sự nhằm vào họ.
Trước những diễn biến căng thẳng giữa Tổng thống và Quốc hội, ngày 1.10, lực lượng vũ trang và cảnh sát Peru đã tái khẳng định lòng trung thành đối với Tổng thống Vizcarra.
Ngày 2.10, cuộc khủng hoảng chính trị tại Peru xuất hiện những diễn biến mới khi Phó Tổng thống Peru Araoz đã đệ đơn xin từ chức lên Chủ tịch Quốc hội Olaechea vì cho rằng trật tự Hiến pháp đã bị phá vỡ và bày tỏ hy vọng quyết định của mình sẽ mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử trong thời gian sớm nhất vì sự ổn định của đất nước. Bà Araoz cũng xin từ chức “Tổng thống lâm thời” và thừa nhận đã nhậm chức trong một hoạt động mang tính chính trị chứ không có hiệu lực trong việc điều hành đất nước. Bước đi này đã giáng một đòn mạnh vào phe các nghị sĩ đối lập, những người cam kết sẽ trung thành với bà Araoz.
Tuy nhiên, việc Phó Tổng thống Peru Araoz xin từ chức không được chấp thuận bởi vì nhà lãnh đạo này đã đệ trình đơn từ chức lên một Quốc hội “không còn tồn tại” sau khi cơ quan lập pháp này đã bị Tổng thống tuyên bố giải tán để tổ chức một cuộc bầu cử mới.
Trong phát biểu ngày 2.10, Thủ tướng Peru Vicente Zeballos nêu rõ xét về khía cạnh chính trị và Hiến pháp, bà Araoz vẫn là Phó Tổng thống Peru và hiện chỉ còn một ủy ban thường trực hoạt động hợp pháp cho tới khi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội mới. Chủ tịch Quốc hội Pedro Olaechea không có quyền xem xét đơn từ chức của bà Araoz kể từ sau khi Tổng thống Vizcarra quyết định chấm dứt vai trò của cơ quan lập pháp này.
Cũng theo Thủ tướng Zeballos, Tổng thống Vizcarra vẫn mong muốn giữ quan hệ tốt và đối thoại thẳng thắn với Phó Tổng thống Araoz bất chấp việc bà này đã nhậm chức “Tổng thống lâm thời” theo đề nghị của Quốc hội trong ngày cơ quan này bị giải thể và tự tổ chức bỏ phiếu đình chỉ chức vụ của Tổng thống.
Nỗ lực giải quyết
Trong một động thái nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại Peru, ngày 3.10, Tổng thống Martin Vizcarra đã công bố thành phần nội các mới, trong đó thay đổi người đứng đầu tại phần lớn các bộ chủ chốt, sau khi toàn bộ nội các cũ buộc phải từ chức do bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Trong lễ tuyên thệ nhậm chức diễn ra tại Phủ Tổng thống, Tổng thống Vizcarra đã chào mừng 11 tân Bộ trưởng và 7 Bộ trưởng cũ. Đáng chú ý trong đợt cải tổ này là cựu Bộ trưởng Tư pháp Vicente Zeballos được bổ nhiệm giữ chức Thủ tướng. Đứng đầu Bộ Ngoại giao là cựu Đại sứ Peru tại Liên hợp quốc Gustavo Meza Cuadra. Trong khi đó, Bộ Kinh tế có sự ra mắt của tân Bộ trưởng 34 tuổi María Antonieta Alva. Nhà kinh tế trẻ này từng đảm nhiệm chức Tổng Vụ trưởng Vụ Ngân sách công. Luật sư Ana Teresa Revilla được giao đứng đầu Bộ Tư pháp và tướng về hưu Walter Martos đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Ngoài ra, một số bộ khác có sự thay đổi trong vị trí người đứng đầu là Bộ Giao thông và Liên lạc, Năng lượng và Mỏ, Nông nghiệp, Hội nhập Xã hội, Văn hóa và Nhà ở.
Dù chính phủ Peru đang nỗ lực hết sức để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại nước này, song theo nhận định của giới phân tích điều này không hoàn toàn dễ dàng. Nếu sự đối đầu giữa Tổng thống Vizcarra với phe đối lập trong Quốc hội không sớm chấm dứt, sẽ không chỉ khiến chính trường Peru ngày một bất ổn, mà còn có thể hủy hoại những thành tựu về kinh tế mà Lima đã đạt được trong nhiều năm qua. Có thể thấy, giai đoạn 2006-2016, tỷ lệ người nghèo tại quốc gia Nam Mỹ đã giảm từ 49,1% xuống còn 20,7%. Ngoài ra, trong những năm qua, tình trạng bất bình đẳng thu nhập tuy còn cao, song đã giảm đáng kể. Thành quả này có được do sự bùng nổ của thị trường xuất khẩu khoáng sản, những chính sách ưu đãi cho khu vực tư nhân và các chương trình cho người thu nhập thấp của Chính phủ Peru.
Theo TTXVN