Hơn 30 năm nằm bệnh, trở trăn với biết bao đau thương của số phận đời mình, Nguyễn Ngọc Hưng làm thơ như một căn duyên tiền định. Thời gian biến thiên dời đổi, thoắt thôi mái đầu xanh ngày nào đã hóa thành một vùng mây trắng, phiêu hốt bay qua năm tháng cuộc đời. Một ngày cuối năm, cầm tờ lịch trên tay, nhà thơ bồi hồi xúc động, để rồi bâng khuâng trong một mối cảm hoài qua bài thơ Tờ lịch cuối năm.
Tờ lịch cuối năm
Mỏng manh tờ lịch cuối năm Nhẹ tênh rơi xuống chỗ nằm... Vọng âm Thoảng như hơi gió vương trầm Thoảng như sương khói môi thầm thĩ xa
Mơ màng trở lại lật qua Ngày chia hai nửa trẻ - già đây ư? Nửa xanh chớm nhạt ngôn từ Nửa vàng như đã lại như chưa vàng
Cháy thầm trong lửa thời gian Vui buồn cũng hóa tro than vô tình Cuối năm mình tiễn tuổi mình Mỏng manh tờ lịch rập rình... Gió bay!
NGUYỄN NGỌC HƯNG
|
|
Bài thơ được làm theo thể lục bát, gồm 20 câu, ngắt thành ba khổ nhưng đã có những biến hóa, cách tân về hình thức nghệ thuật. Mượn tờ lịch cuối năm "nhẹ tênh rơi xuống chỗ nằm", thi phẩm có tính tổng kết, chiêm nghiệm về đời người, về thời gian trong cõi nhân sinh vốn dĩ vô thường, hư ảo. Có lẽ sự tồn sinh đầy kỷ niệm dứt day ấy được Nguyễn Ngọc Hưng chạm khắc trong khổ thơ đầu khá điêu luyện bằng thể lục bát biến hóa tài tình:
Mỏng manh tờ lịch cuối năm
Nhẹ tênh rơi xuống chỗ nằm...
Vọng âm
Thoảng như hơi gió vương trầm
Thoảng như sương khói môi thầm thĩ xa.Với con người bình thường, mỗi khi năm hết Tết về, nhìn tờ lịch cuối cùng rơi xuống, đã nghe lòng dâng bao nỗi xuyến xao đan xen muôn ngàn bâng khuâng, tiếc nuối. Hơn ai hết, Nguyễn Ngọc Hưng thấu rõ điều này, bởi anh mắc chứng bệnh nan y, chân tay co rút, đau thương lắng lại giữa bốn bức tường xám ngắt, cô đơn. Chính phút giây lắng đọng trong thời khắc giao mùa, dù tờ lịch "mong manh" rơi xuống "nhẹ tênh", tác giả vẫn nghe chỗ nằm của mình một khúc "vọng âm". Hai từ "vọng âm" được nhà thơ vắt thành một dòng thơ độc lập, đầy ám ảnh. Thế mới biết, chính hoàn cảnh đặc biệt đã sinh nên cái tình thi sĩ quá lớn lao, nó là một cuộc trở trăn không dễ gì bù đắp nổi. Bao nhiêu kỷ niệm ùa về chan chứa, tất cả thơm tho "như hơi gió vương trầm", "như sương khói môi thầm thĩ xa". Đó là "vọng âm" của tình yêu xa cách, là thanh âm cuộc đời đã với quá tầm tay. Thương cảm và đắng chát, nhìn tờ lịch cuối năm, thêm một lần nữa Nguyễn Ngọc Hưng day dứt đến phận người. Dù không bi thiết như Đặng Trần Côn: "Trăm năm rồi có gì đâu/Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì", tác giả vẫn dào lên bao nét suy tư, cảm thán về sự nghiệt ngã của thời gian quá vội:
Mơ màng trở lại lật qua
Ngày chia hai nửa trẻ - già đây ư?
Nửa xanh chớm nhạt ngôn từ
Nửa vàng như đã lại như chưa vàng.Khổ thơ hay ở câu hỏi tu từ mang nỗi niềm tiếc nuối. Cầm tờ lịch "mơ màng trở lại lật qua" để rồi nhận ra hai nửa "trẻ - già" trong một thực thể tồn sinh của kiếp người đau buốt. Những câu thơ chứa đầy trắc ẩn, không những cất lên từ chính cuộc đời tác giả mà còn là quy luật của cõi thế vô thường. Thảo nào xưa cụ Nguyễn Du từng hô gọi trong một tâm thức hiện sinh: "Sống nay không rót cạn bình/Chết rồi tưới rượu mồ mình, biết ai?". Cụ Nguyễn Công Trứ thì cảm thán về thời gian ngắn ngủi đời người: "Ôi nhân sinh là thế đấy/Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao". Đến Nguyễn Ngọc Hưng, sau câu hỏi tu từ đầy trắc ẩn, là cả một chuỗi suy tư sâu lắng đến ngậm ngùi: "Nửa xanh chớm nhạt ngôn từ/Nửa vàng như đã lại như chưa vàng". Tất cả cứ dở dang, phiền muộn đến nao lòng!
Hai khổ thơ đầu là tâm chấn của nỗi đau thời gian hiu hắt, chóng phai quất vào cõi lòng thi nhân mối sầu dâu bể. Sau những cảm xúc "mơ màng trở lại lật qua" đầy dứt day, chua xót ấy, nhà thơ dường như bừng ngộ để rồi nhận ra cái lẽ thường tình của cõi nhân gian. Tất cả rồi "cũng hóa tro than vô tình" như một quy luật tất yếu. Xuyên thấu lẽ đời, khát vọng "cháy thầm" trong khoảnh khắc giao mùa khi tờ lịch cuối cùng sắp hết, tác giả bâng khuâng "mình tiễn tuổi mình". Dường như chính trong cái tàn phai, rơi rụng kia lại bắt đầu cho một điều gì sinh sôi mới mẻ. "Ô hay, cái mất lẫn trong cái còn" mới là cảm thức mà tác giả muốn nói với ta chăng? Thì đây, chính cái giọng điệu của khổ thơ cuối bài đã phần nào làm vơi bớt nỗi sầu vạn cổ về sự mong manh, hữu hạn của kiếp người:
Cháy thầm trong lửa thời gian
Vui buồn cũng hóa tro than vô tình
Cuối năm mình tiễn tuổi mình
Mỏng manh tờ lịch rập rình...
Gió bay!"Cháy thầm" để rồi sinh hóa một mầm sống mới. Tờ lịch cuối năm rơi để bắt đầu khai mở cho mùa xuân tươi đẹp lại về, xênh xang cùng hoa bướm thần tiên.
Không mòn sáo trong nghệ thuật của thể lục bát quen thuộc, cảm hứng nhân sinh phổ quát được nhìn qua lăng kính của phận đời mình, bài thơ Tờ lịch cuối năm của Nguyễn Ngọc Hưng thấp thoáng một nỗi buồn cô đơn diệu vợi, một cảm thức mong manh, hư ảo của kiếp người. Song, cao hơn hết, đó còn là phút giây "cháy thầm" hiến dâng lặng lẽ để mang đến mùa xuân bất tận cho đời. Không hiểu sao, tôi vẫn có cảm giác là "tờ lịch cuối năm" của Nguyễn Ngọc Hưng vẫn treo vào thời gian bất tử, nó không rơi xuống bao giờ, như "chiếc lá cuối cùng" trong đêm mưa gió của nhà văn O. Henry vĩ đại.
LÊ THÀNH VĂN